Xuân Trường Tập Trung Các Nguồn Lực Xây Dựng Cơ Sở Hạ Tầng Nông Thôn Mới
Trong số 7 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, của huyện giai đoạn 2010-2015 ở huyện Xuân Trường, đến nay đã có 1 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt 16 tiêu chí, còn lại đạt 11-15 tiêu chí. Để nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, huyện Xuân Trường chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
Về xã Xuân Phú (Xuân Trường), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay ở miền quê này. Là một xã có nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, thu nhập của người dân chủ yếu là trồng lúa nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong 3 năm qua, các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã đã được đầu tư xây dựng. Sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT); nhân dân trong xã đã góp 258.974m2 đất làm giao thông nội đồng; kinh phí xây dựng trên 1,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các xóm vận động nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công tiến hành bê tông hóa đường trục của xóm với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu giao thương thuận lợi cho nhân dân, đảm bảo theo tiêu chí NTM. Đến nay, 100% đường giao thông thôn, xóm của xã đã được bê tông hóa, cứng hóa; 14/15 xóm đã có NVH theo chuẩn NTM, trị giá xây dựng mỗi NVH từ 300-500 triệu đồng.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy và học được huyện và xã đặc biệt quan tâm. Xã đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008-2013. Trong 2 năm 2013-2014, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp, xã đã tiến hành xây dựng 2 phòng học trường mầm non, 6 phòng học Trường Tiểu học A với kinh phí trên 4 tỷ đồng.
Cũng từ kinh phí đóng góp của nhân dân địa phương và những người con xa quê, những năm qua xã Xuân Vinh đã đầu tư trên 55 tỷ đồng (trong đó ngân sách xã 40,8 tỷ đồng; nguồn kinh phí tỉnh, huyện hỗ trợ 6,4 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 7,8 tỷ đồng) xây dựng khu trường mầm non với kinh phí 15 tỷ đồng; xây dựng 16 phòng học 2 tầng của Trường Tiểu học khu A, B gần 10 tỷ đồng; xây dựng đường giao thông nông thôn trị giá 7,4 tỷ đồng. Để cung cấp nước sạch cho nhân dân, xã đã triển khai xây dựng hệ thống nối mạng cấp nước sinh hoạt khu vực Nam Tiến với kinh phí 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhân dân các xóm cũng đóng góp kinh phí, ngày công lao động, tổ chức xây dựng và khánh thành đưa vào sử dụng NVH với tổng kinh phí 2,8 tỷ đồng. Đến nay, xã đã có 10 NVH theo chuẩn NTM, kinh phí xây dựng mỗi NVH 400-500 triệu đồng, tạo điều kiện cho nhân dân sinh hoạt, hội họp.
Từ nhiều nguồn kinh phí: Trung ương hỗ trợ, tỉnh đầu tư, nhân dân đóng góp, đến nay huyện Xuân Trường đã xây dựng được 91,99km đường trục xã, liên xã; 117,56km đường trục xóm; trên 405,34km đường dong ngõ.
Nhân dân các xã, thị trấn đã tích cực tham gia đóng góp công, của đào đắp 441,89km đường nội đồng và đã cứng hóa được 92,96km… thuận tiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Nhân dân trong huyện đã tích cực thực hiện DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng; tạo vùng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung trong sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện đã xây dựng và đưa vào sản xuất 38 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích trên 1.300ha.
Trong 3 năm (2011-2013) nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp được 177,374 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35,11% tổng vốn huy động; vận động nhân dân hiến 3.761.500m2 đất để thực hiện đầu tư dự án quy hoạch công trình công cộng, làm đường giao thông, chỉnh trang đồng ruộng phục vụ xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Đồng chí Vũ Tuấn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: “Ngoài 7 xã điểm NTM, ở 13 xã còn lại với những cách làm sáng tạo đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM. Hiện nay, huyện đã triển khai cho các xã còn lại đăng ký xây dựng NTM giai đoạn 2015-2020. Những bài học kinh nghiệm từ các xã điểm xây dựng NTM, sẽ tạo thuận lợi cho các xã còn lại của huyện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Cáo buộc về việc lạm dụng lao động trong ngành thủy sản khiến Thái Lan nỗ lực đẩy mạnh quảng bá ngành tôm ở Châu Âu. Thủy sản chiếm 40% XK thực phẩm của Thái Lan và một điểm tựa của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, hình ảnh của ngành thủy sản đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những cáo buộc về việc sử dụng lao động di cư bất hợp pháp, bắt họ phải lao động không lương trên biển trong nhiều năm.
Nói tới tôm thẻ chân trắng, nhiều người nghĩ ngay tới một số địa phương có thế mạnh như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên. Nhưng ít ai biết được rằng, ở một nơi không giáp biển, nuôi tôm thẻ chân trắng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành mô hình điểm để xây dựng thương hiệu tôm này lại là phường Yên Thanh, TP Uông Bí (Quảng Ninh).
Theo ông Christian Chramer, giám đốc Hội đồng Thủy sản Na Uy, nhu cầu tại Ấn Độ rất tiềm năng và có những dấu hiệu tương tự Nga và Trung Quốc 10-15 năm trước. Ấn Độ có dân số đông, quan tâm đến thực phẩm lành mạnh, nhận thức được lợi ích của omega 3 trong hải sản.
Hòa Bình là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển thuỷ sản như hệ thống sông suối, ao, hồ tương đối nhiều và phân bố khá đồng đều, với tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 2.450 ha. Ngoài ra, các hồ chứa có nguồn nước dồi dào, môi trường trong sạch, chưa bị ô nhiễm, nguồn lợi phong phú, giàu dinh dưỡng nên rất thuận lợi để phát triển nuôi các loài cá kinh tế và cá bản địa.
Ngày 18/6/2014, Bộ NN và PTNT đã gửi Công văn hỏa tốc tới Bộ Tài chính, Hiệp hội Cá tra Việt Nam thông báo chưa thực hiện thủ tục đăng ký và xác nhận vào Giấy đăng ký Hợp đồng XK sản phẩm cá tra từ ngày 20/6/2014 như dự kiến.