Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xử lý vấn nạn ô nhiễm từ chăn nuôi heo bằng hầm biogas hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng

Xử lý vấn nạn ô nhiễm từ chăn nuôi heo bằng hầm biogas hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng
Ngày đăng: 19/08/2015

Hầm biogas - giải pháp tối ưu

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8.412 cơ sở chăn nuôi heo nhỏ lẻ dưới 200 con/hộ và 149 trang trại có quy mô nuôi hơn 200 đến 2.000 con. Lượng chất thải từ các trang trại chăn nuôi mỗi tháng từ 14 đến 72 tấn. Nhiều cơ sở chăn nuôi heo nằm xen lẫn trong khu dân cư, gây ra mùi hôi thối, ruồi nhặng... ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân sống xung quanh. Giải pháp tối ưu hiện nay để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là đầu tư xây hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, ở những trang trại, cơ sở chăn nuôi đầu tư hầm biogas đều có hiệu quả. Trang trại chăn nuôi heo (600 con) của ông Nguyễn Trung, tổ 21, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba (huyện Châu Đức) là một ví dụ. Từ năm 2008, ông Trung đầu tư 50 triệu đồng xây dựng hầm biogas phủ bạt với trữ lượng hầm 150m3 và xây thêm một hầm nén với trữ lượng 25m3. Với hệ thống hầm biogas này, việc xử lý chất thải của heo trở nên dễ dàng, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, đồng thời tận dụng được lượng khí sinh học từ hầm biogas để chạy máy trộn cám, máy bơm nước, thắp sáng… tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn chất thải chăn nuôi, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã triển khai “Chương trình khí sinh học dành cho chăn nuôi Việt Nam”. Chương trình do Hà Lan tài trợ kỹ thuật và một phần kinh phí. Tại BR-VT, dự án hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng công trình biogas được triển khai từ năm 2008. Qua 7 năm triển khai, dự án này đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo nguồn năng lượng phục vụ đời sống cho chính những hộ chăn nuôi.

Từ năm 2012, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt đề án xử lý chất thải chăn nuôi gia súc sản xuất khí biogas chạy máy phát điện, xử lý ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, triển khai thực hiện đề án của UBND tỉnh, hiện nay mô hình biogas xây dựng bằng gạch hình vòm cầu, tiết kiệm chi phí, độ bền cao, mang lại nhiều lợi ích cho các hộ chăn nuôi. Thời gian qua, đơn vị này đã hỗ trợ cho 5.025 hộ dân xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.

Chưa nhân rộng được vì thiếu vốn

Đầu tư hệ thống hầm biogas tại các cơ sở chăn nuôi là một hướng được khuyến khích, tuy nhiên việc áp dụng giải pháp này chưa được nhân rộng bởi một số vướng mắc, khó khăn. Theo Sở NN-PTNT, các hộ chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung nhiều tại các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức và Tân Thành. Các cơ sở, hộ chăn nuôi phần lớn đang xả thẳng nước thải chăn nuôi ra môi trường do thiếu kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về các quy định pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) trong chăn nuôi còn hạn chế. Ngoài ra, thủ tục pháp lý liên quan đến môi trường, giấy phép xây dựng... khá rườm rà cũng khiến cho các chủ trang trại ngại thực hiện.

Huyện Châu Đức là nơi tập trung nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi heo nhưng hầu như chỉ có các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chú trọng xây dựng mô hình xử lý chất thải bằng hầm biogas. Việc đầu tư ở các trang trại này cũng chưa đồng bộ do thiếu vốn. Đơn cử như trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Trang Linh, tổ 8 ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) có diện tích 44ha, quy mô chăn nuôi 3.000 con heo nái. Qua kiểm tra của Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc cho thấy, lượng chất thải phát sinh của trang trại Trang Linh 5 tấn/ngày được thu gom đóng bao làm phân bón. Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi từ 9 dãy trại đổ ra 3 bể biogas (thể tích khoảng 9m3/bể).

Tuy nhiên, hệ thống này chưa xử lý được toàn bộ lượng nước thải, nên một phần nước thải vẫn xả trực tiếp vào các ao chứa khiến môi trường xung quanh có dấu hiệu bị ô nhiễm. Ông Vũ Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH Trang Linh cho biết, hiện cơ sở này đang làm thủ tục xin vay 2 tỷ đồng từ vốn Quỹ BVMT để đầu tư xây mới hệ thống hầm biogas. “Chỉ có tăng đầu tư thì mới có thể xử lý triệt để lượng chất thải từ chăn nuôi và hạn chế ô nhiễm môi trường”, ông Bích nói.

Hiệu quả của việc xử lý ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi heo bằng hầm biogas đã thấy rõ. Thiết nghĩ, để bảo đảm môi trường chăn nuôi mang tính ổn định và phát triển bền vững cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Đối với các trang trại mới, ngay từ khi mới xây dựng, chính quyền địa phương nên yêu cầu thực hiện đúng quy trình thủ tục, trong đó có việc ký cam kết bảo vệ môi trường và sử dụng mô hình biogas. Có như vậy, ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Bán gạo giỏi như người Campuchia Bán gạo giỏi như người Campuchia

Không chỉ xuất khẩu tới nhiều thị trường, gạo Campuchia còn có giá cao...

04/09/2015
Tôm hùm chết hàng loạt vì dịch bệnh, người nuôi khóc dở mếu dở Tôm hùm chết hàng loạt vì dịch bệnh, người nuôi khóc dở mếu dở

Cùng với giá tôm hùm thương phẩm giảm mạnh, từ đầu năm đến nay, ở các vùng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), tôm hùm chết do dịch bệnh chiếm tỷ lệ cao đã gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

04/09/2015
Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2015 giảm 15% Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2015 giảm 15%

Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, năm 2015, cà phê sẽ lại mất mùa, sản lượng sẽ giảm khoảng 15% so với niên vụ 2014 và là năm mất mùa thứ 2 liên tiếp.

04/09/2015
Người trồng chanh lao đao Người trồng chanh lao đao

Năm nay, năng suất, sản lượng chanh của Nghệ An chỉ đạt khoảng 70-80% so với dự kiến. Đã mất mùa, giá chanh lại rớt thê thảm, khiến người trồng chanh lao đao.

04/09/2015
Đổ xô trồng nữ hoàng mắc ca Đổ xô trồng nữ hoàng mắc ca

Cây mắc ca được nhiều người ca ngợi bằng những mỹ từ như “cây tiền tỉ”, “nữ hoàng mắc ca”, “hoàng hậu quả khô” vì vậy nhiều người dân ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đua nhau trồng loại cây này.

04/09/2015