Xử lý, phòng ngừa bệnh khảm lá mì
Mì là một trong những loại cây trồng “giảm nghèo” của nông dân Bình Thuận. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2018, bệnh khảm lá mì được phát hiện tập trung tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Bắc Bình và thị xã La Gi. Giống mì bị nhiễm chủ yếu là giống HL-S11, KM140… gây giảm năng suất, hàm lượng tinh bột và lây lan nhanh bệnh. Đáng nói, đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc đặc trị…
Nhiều diện tích mì ở Bắc Bình nhiễm bệnh khảm lá.
Lây lan nhanh
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh: Đến trung tuần tháng 11/2018, tổng diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus trên cây mì toàn tỉnh là 121,7 ha. Đơn cử, huyện Bắc Bình có diện tích nhiễm 75 ha, tăng 1 ha so tuần trước, trong đó nhiễm trung bình 23 ha và nhiễm nặng 52 ha (9 ha đã tiêu hủy trước đó), diện tích này mới phát hiện ở khu vực xã Sông Bình, Sông Lũy, Bình Tân. Mì ở giai đoạn 120 - 140 ngày tuổi đang làm củ non. Tại huyện Hàm Tân, diện tích nhiễm bệnh khảm lá 17 ha, diện tích nhiễm nhẹ 4 ha và nhiễm nặng 13 ha. Mì ở giai đoạn sinh trưởng 120 - 140 ngày tuổi.
Ông Đỗ Văn Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Các huyện trồng mì có diện tích nhiễm bệnh khảm lá đến nay đã vận động nông dân tiêu hủy 29,7 ha gồm các huyện Bắc Bình 9 ha, Hàm Thuận Nam 9,7 ha, La Gi 11 ha. Mì đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển trên 120 ngày tuổi, nếu điều kiện thời tiết thích hợp cho bọ phấn phát triển kết hợp với những diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá nông dân không tiến hành tiêu hủy thì bệnh khảm là sẽ gia tăng về diện tích nhiễm bệnh, vì bọ phấn là môi giới truyền bệnh.
Tích cực vận động phòng trừ
Trước diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá mì, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã đề nghị Trạm trồng trọt và BVTV huyện, thị xã có trồng mì tăng cường điều tra phát hiện và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh khảm lá virus. Tuyên tuyền, phổ biến quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá của Cục BVTV đến nông dân biết cách phòng trừ. Đồng thời khuyến cáo các hộ dân có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá tiến hành tiêu hủy để ngăn ngừa sự lây lan sang các vùng sản xuất khác.
Tuy nhiên theo ông Bảo, thời gian qua việc vận động bà con tiêu hủy mầm bệnh gặp khó khăn, do chi phí thuê nhân công, công lao động để nhổ bỏ khá lớn. Trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ chi phí. Mặt khác, không ít hộ dân thuộc vùng sâu, vùng xa hoàn cảnh khó khăn, có tâm lý “còn nước còn tát”, để chờ thu hoạch để thu được đồng nào hay đồng đó. Do vậy Trạm trồng trọt và BVTV các huyện, thị phối hợp chặt chẽ UBND các xã tiếp tục rà soát, thống kê diện tích và mức độ nhiễm bệnh khảm lá virus hại mì để vận động nông dân tiêu hủy mì bị nhiễm bệnh theo quy trình kỹ thuật của ngành BVTV để tránh lây lan nguồn bệnh trên diện rộng.
Trong tháng 10/2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh đã tổ chức diễn đàn: “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì” tại thành phố Tây Ninh, với sự tham dự của các tỉnh, thành có diện tích nhiễm bệnh, trong đó có Bình Thuận.Tại diễn đàn, Cục BVTV cho biết: Bệnh virus khảm lá khoai mì là bệnh nguy hiểm và là đối tượng dịch hại mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Nếu không có biện pháp quản lý bệnh kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất và chế biến khoai mì. Theo số liệu thống kê của Cục BVTV, đến tháng 10/2018, diện tích bị bệnh khảm lá mì cả nước 39.645,7 ha. Hiện nay bệnh đang lây lan nhanh trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.
Do đó, trước mắt cần rà soát lại quy trình phòng chống bệnh và tập trung tiêu diệt bọ phấn trắng; đối với những diện tích sắn nhiễm bệnh nặng cần tiêu hủy, tránh lây lan. Đồng thời không sử dụng hom giống trong vùng bệnh để trồng mới và lưu thông đến các vùng khác, địa phương khác. Về lâu dài, đề nghị các viện, trường thực hiện nghiên cứu chọn tạo các giống kháng, chống chịu với vi rút bệnh khảm lá mì và chọn tạo những giống mì có khả năng chống chịu với bệnh và bọ phấn trắng.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, tình hình sâu bệnh hại sắn trở nên rất phức tạp tại vùng thâm canh và có nguy cơ lan rộng sang vùng khác.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức diễn đàn “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì”.
Giống sắn BK do các nhà khoa học Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm chọn tạo, được Bộ NN - PTNT công nhận, cho sản xuất thử từ tháng 10/2016.