Trang chủ / Cây lương thực / Trồng sắn

Giống sắn đa dụng BK

Giống sắn đa dụng BK
Tác giả: Phương Nguyễn
Ngày đăng: 07/11/2018

Giống sắn BK do các nhà khoa học Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm chọn tạo, được Bộ NN - PTNT công nhận, cho sản xuất thử từ tháng 10/2016.

Củ sắn BK

*Đặc điểm: Sắn BK có thời gian sinh trưởng trung bình 270 - 300 ngày. Tỷ lệ tinh bột 25 - 27%. Năng suất đạt trên 50 tấn/ha. BK là giống sắn đa dụng, vừa cho chế biến công nghiệp, vừa dùng ăn trực tiếp.

*Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:

- Hom giống: Lấy từ cây sắn đã đủ 8 tháng tuổi trở lên tại các ruộng nhân giống hoặc ruộng sản xuất sắn sạch bệnh. Chọn cây khỏe mạnh không bị khô héo, trầy xước, trên cây chọn những đoạn thân có đường kính trên 2cm, nhặt mắt, chặt lấy các đoạn hom dài 15 - 20 cm. Mỗi hom có tối thiểu 4 - 6 đốt. Sau đó nhúng các hom giống vào hỗn hợp thuốc diệt nấm formadehyt hoặc rải thuốc xử lý đất như Basudin, Carbofuran theo hàng hoặc hốc trước khi đặt hom sắn. Chú ý, dùng dao sắc chặt hom để tránh gây giập nát hai đầu hom.

- Thời vụ: Khu vực Bắc Trung Bộ trồng sắn vào tháng 1. Nam Trung Bộ trồng tháng 1 - 3. Các tỉnh miền Bắc trồng tháng 2 - 3. Riêng Sơn La trồng đầu tháng 4 (trước khi trời mưa 5 - 10 ngày). Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trồng đầu mùa mưa (tháng 4 - 5).

- Đất trồng: Trồng trên đất dốc nhất thiết phải trồng các băng cây xanh (cốt khí, cỏ voi, Paspalum…) để chống xói mòn. Khoảng cách giữa các băng từ 8 - 10m. Làm đất xong tiến hành trồng sắn ngay để đảm bảo độ ẩm đất và tránh đất bị rửa trôi khi gặp mưa.

Đối với đất dốc dưới 15 độ, cày sâu và bừa kỹ để đất tơi xốp, thoáng khí và sạch cỏ dại. Nếu đất bằng cần lên luống để rãnh thoát nước. Đối với đất dốc trên 15 độ, không nên cày bừa mà chỉ cần làm cỏ, bổ hốc và trồng sắn trực tiếp theo đường đồng mức, không cần lên luống để giữ ẩm của đất và tránh xói mòn.

- Kỹ thuật trồng: Trồng đứng hom ở những nơi đất cát, nơi có gió mạnh (đất cát ven biển miền Trung). Trồng nghiêng và trồng nằm ở những nơi đất thịt pha sét (đặt hom nghiêng 15 - 30 độ, lấp kín đất dày 7 - 10cm). Phải đặt phần ngọn hom nghiêng theo hướng sườn dốc, gốc hom quay về một phía. Mật độ trồng 10.000 cây/ha (hàng cách hàng và cây cách cây 1m).

- Phân bón/ha: 915kg NPK (13-13-13+TE) + 86kg đạm urê + 115kg kali clorua.

Bón lót toàn bộ lượng NPK. Bón thúc lần 1 (sau trồng 40 - 50 ngày), 50% đạm + 50% kali, kết hợp làm cỏ và vun nhẹ vào gốc. Thúc lần 2 (sau trồng 75 - 90 ngày), bón hết số phân còn lại, kết hợp xới xáo vun cao gốc sắn.

Ruộng sắn BK

Chú ý, chỉ bón phân khi đất có đủ độ ẩm, tránh bón phân khi trời nắng to hoặc có mưa lớn, bón cách gốc sắn 10 - 15cm và lấp đất kín phân. Sau trồng sắn dùng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm Dual (2,4 lít thuốc phun/ha). Khi sắn đã mọc cao, trừ cỏ bằng thuốc Paraquat hoặc Glyphosate.

Chú ý: Lượng nước pha thuốc phải đủ để thuốc thấm sâu xuống đất từ 2 - 3cm. Cần sử dụng vòi chuyên dùng để tránh thuốc tiếp xúc vào cây gây hại sắn.

- Phòng trừ sâu bệnh: Sử dụng giống sạch bệnh. Tiêu hủy sạch tàn dư thực vật trên ruộng. Xử lý hom giống bằng dung dịch Formandehyt. Xử lý đất trồng bằng Carbofuran hoặc Basudin. Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cà chua, cà bát, cà pháo, ớt, bầu bí, khoai tây, thuốc lá, bông) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá sắn. Chú ý phun trừ sớm bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh khảm lá sắn) bằng các thuốc BVTV đặc hiệu.

- Trồng xen: Đất dốc dưới 8 độ nên trồng xen lạc, đậu xanh. Đất dốc trên 8 độ trồng xen cỏ Vetiver làm hàng rào chắn theo đường đồng mức, khoảng cách giữa các hàng rào là 10 - 20m.

- Thu hoạch khi thân cây chuyển màu xám, lá sắn rụng gần hết (sau trồng 10 - 12 tháng). Thu vào các ngày nắng ráo, thu hoạch xong vận chuyển ngay đến cơ sở chế biến, không nên giữ lại củ quá 2 ngày, sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng củ.

- Bảo quản sắn tươi: Chọn củ sắn không bị xây xát nhúng vào nước vôi 1% để bảo vệ củ sắn. Khi vỏ sắn khô nước vôi thì xếp từng luống cao 50 - 60cm để nơi râm mát, sau đó phủ lớp cát dày 10cm lên trên luống củ.

- Chế biến: Củ sắn ngoài cung ứng cho các nhà máy chế biến công nghiệp, có thể thái lát sắn phơi khô hoặc chế biến sắn sợi để sử dụng cho gia đình dài ngày.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Sắn Trên Đất Dốc Trồng Sắn Trên Đất Dốc

Trong số các giống sắn trên, KM94 là giống đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. KM94 có nguồn gốc từ tập đoàn giống nhập nội CIAT/Thái-lan, thân xanh, hơi cong, ngọn tím, không phân nhánh. Năng suất củ tươi đạt 30-40 tấn/ha, tỷ lệ chất khô trong sắn cao 39-40%, hàm lượng tinh bột 29-30%.

30/10/2013
Bệnh khảm lá sắn và đề xuất biện pháp quản lý Bệnh khảm lá sắn và đề xuất biện pháp quản lý

Hiện nay, tình hình sâu bệnh hại sắn trở nên rất phức tạp tại vùng thâm canh và có nguy cơ lan rộng sang vùng khác.

25/09/2018
Phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì Phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức diễn đàn “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì”.

06/11/2018