Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo

Xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo
Ngày đăng: 07/08/2015

Người bán, người mua đều “mù mờ”

Như mọi ngày, chị Nguyễn Hải Quỳnh ở phường An Thạnh, TX.Thuận An vẫn thường đi chợ mua thịt heo dùng cho cả gia đình. Thông tin một số trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo khiến chị rất băn khoăn khi đi chợ. Chị Quỳnh cho biết, thật khó mà phân biệt thịt heo nào có sử dụng chất cấm, vì miếng thịt nào trông cũng ngon và giống hệt nhau. Để bảo vệ sức khỏe gia đình, chị đã phải mua cá và thịt gà thay thế món thịt heo quen thuộc.

Chị Trần Thị Thơm, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Búng (TX.Thuận An) thừa nhận không thể nhìn ra miếng thịt nào có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi heo. Chị cho biết, tâm lý người tiêu dùng thường chọn miếng thịt nhiều nạc, nay nghe thông tin phản ánh thịt heo nhiều nạc có khả năng sử dụng chất cấm nên người mua cũng cẩn trọng hơn. Với gần 10 năm kinh nghiệm bán thịt heo của mình, chị cũng không thể phân biệt thịt dùng chất cấm và thịt bình thường bằng mắt thường.

Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có đàn heo hơn 450.000 con, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho người dân và còn cung cấp cho thị trường phía Nam. Do vậy, khả năng nguồn thịt heo từ tỉnh Đồng Nai về thị trường Bình Dương là rất ít. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, nếu thấy miếng thịt heo nạc nhiều da mỏng và ít mỡ bất thường thì nên cân nhắc khi quyết định mua, vì nhiều khả năng đây là miếng thịt có thành phần chất cấm trong chăn nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn Bình Dương có 32 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Qua kiểm tra cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp sai phạm nào trong việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại 552 trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng chưa phát hiện trường hợp sai phạm nào về sử dụng chất cấm.

Cần quản lý chặt

Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi gồm Salbutamol, Ractopamine và Clenbutrerol… có khả năng gây ảnh hưởng đến tim mạch của người tiêu dùng khi sử dụng trong thời gian dài. Trong đó, chất Salbutamol được sử dụng phổ biến nhất, các chất này có tác dụng điều trị bệnh khi vật nuôi bị bệnh ho, hen suyễn. Tuy nhiên, các chất này còn có tác dụng làm tan mỡ vật nuôi, gây chứng nghiện ngủ, ăn nhiều, tăng trọng nhanh, nâng cao tỷ lệ nạc cho heo nên có người sử dụng nó trong chăn nuôi nhằm giảm chi phí tiền thức ăn.

Tháng 7 vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 35 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phát hiện 2 trường hợp sử dụng chất Salbutamol tại phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên và phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một. Theo Chi cục Thú y tỉnh, 2 trường hợp này đã được cơ quan chức năng tiến hành thống kê số lượng, cấm xuất bán để kiểm tra nước tiểu của heo đến khi heo không còn phản ứng dương tính với các chất cấm mới được đưa đi tiêu thụ.

Theo các ngành chức năng, hiện nay rất khó quản lý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi hiện tại nguồn chất cấm đa số xuất phát từ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Giá bán các chất cấm này tương đối rẻ, sử dụng nó có thể giảm chi phí tiền thức ăn từ 2 - 3 lần nên nhiều người dù biết cấm nhưng vẫn sử dụng. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại nằm rải rác tại các huyện, thị nên công tác kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, thời gian gần đây, tại Bình Dương cũng rộ lên tình trạng nhiều cá nhân ngoài tỉnh tìm về thuê đất, xây chuồng nuôi heo. Các trường hợp khi bị xử lý vi phạm thường chuyển sang địa phương khác nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý và giám sát của cơ quan chức năng.

Ông Trần Phú Cường chia sẻ, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều khi xử phạt thì họ không đủ tiền đóng phạt. Để bảo vệ sức khỏe ngươi tiêu dùng, chỉ có cách “niêm phong”, tạm thời cấm xuất chuồng… trong vòng 7 ngày cho ăn với quy trình sạch để loại bỏ hết các chất cấm nguy hại sức khỏe người tiêu dùng thì mới được bán ra thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Tăng Cường Kiểm Tra Củ Quả Tươi Nhập Khẩu Tăng Cường Kiểm Tra Củ Quả Tươi Nhập Khẩu

Ngoài củ quả tươi thì cây và các bộ phận còn sống của cây; cỏ và hạt cỏ; sinh vật có ích sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và thực vật nhập khẩu cũng là những nhóm phải phân tích nguy cơ dịch hại. Trừ trường hợp dùng để phục vụ nghiên cứu khoa học thì sẽ được miễn phân tích.

18/09/2014
Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Câu Cá Ngừ Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Câu Cá Ngừ

Nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, tuy hình thành muộn nhưng có tốc độ phát triển nhanh. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện số lượng tàu khai thác cá ngừ trên cả nước có khoảng 3.600 chiếc. Tổng số lao động tham gia khai thác cá ngừ khoảng 35.000 người. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, EU và Nhật Bản.

18/09/2014
Tôm Hùm Thương Phẩm Được Giá Tôm Hùm Thương Phẩm Được Giá

Hiện giá tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đang lên cao trở lại. Hiện tại, tôm thịt loại I có giá từ 1,6– 1,7 triệu đồng/kg; tôm thịt loại II có giá từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/kg.

18/09/2014
Mô Hình Trồng Lúa Theo Kỹ Thuật SRI Cho Năng Suất Cao Mô Hình Trồng Lúa Theo Kỹ Thuật SRI Cho Năng Suất Cao

Tham gia thực hiện mô hình trồng lúa theo kỹ thuật SRI có 70 hộ với 6,8ha ở xã Yên Khê. Trên diện tích này bà con trồng giống lúa Thiên Nguyên ưu 16 với cách bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn khoa học của các ngành chức năng.

18/09/2014
Hiệu Quả Từ Tổ Hợp Tác Nuôi Tôm Hiệu Quả Từ Tổ Hợp Tác Nuôi Tôm

Được thành lập và đi vào hoạt động chỉ vài năm qua, nhưng các tổ kinh tế hợp tác (KTHT) nuôi tôm tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc (Long An) đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Không những giúp cho các thành viên trong tổ có sự liên kết trong nuôi tôm mà còn tạo thêm việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.

19/09/2014