Xoài Úc Bén Duyên Đất Đồng Nai
Là một trong những người năng động, nhận thấy trồng điều không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà chủ trang trại sản xuất trái cây an toàn Nguyễn Thị Kim Mai đã mạnh dạn chuyển đổi 10ha trồng điều sang trồng xoài.
Chọn xoài cát Hòa Lộc vì bà Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho rằng đây là “vua” đứng đầu trong các loại xoài do có vị ngon đặc biệt, giá bán lại cao. Hiện hàng năm 10ha xoài cát Hòa Lộc này mang lại thu nhập cho gia đình bà không dưới 2 tỷ đồng.
Thu lợi cao như thế, nhưng trong một lần đến thăm người bạn tại Nha Trang vào năm 2009, bà Mai được thết đãi một loại xoài lạ, quả rất to và có màu vàng vàng, đỏ đỏ, ăn vào có vị ngọt dịu và mùi thơm hấp dẫn. Hỏi bạn thì được bạn cho biết là giống xoài có xuất xứ từ Úc nên mọi người gọi là xoài Úc. Thế là bà Mai “phải lòng” ngay và quyết định tìm mua giống về trồng thử nghiệm tại trang trại nhà mình. “Với một người có kinh nghiệm lâu năm về xoài, tôi biết rằng đây là một loại xoài rất có tiềm năng nên không thể bỏ qua cơ hội tiếp cận với loại xoài này. Tôi ngay lập tức đã lùng mua 200 cây xoài giống này đem về trồng ở Đồng Nai trên diện tích khoảng 1 ha” – bà Mai kể lại.
Như gặp trúng “mối lương duyên”, giống xoài Úc mà bà đem về trồng rất hợp với thổ nhưỡng Đồng Nai nên phát triển nhanh. Sau 3 năm tuổi, các cây xoài đã cho ra lứa trái đầu tiên. Bước vào năm thứ 4, vườn xoài Úc nhà bà đã cho năng suất trên 2 tấn/200 cây. Trái xoài có trọng lượng từ 400g đến 2 kg/trái, bán được giá tới 50.000 đồng/kg. Như vậy, ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, vườn xoài Úc nhà bà đã mang lại thu nhâp trên 100 triệu đồng.
“Đặc điểm của loại xoài này là trời càng nắng, đất càng cằn cỗi thì trái lại càng có màu vàng, đỏ đẹp mắt và vị càng ngọt. Đây là giống xoài rất dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt” - bà Mai vui vẻ cho biết. Nhận thấy giống xoài Úc hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trong khu vực đã tìm đến trang trại và được bà nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài Úc. Không những vậy, bà còn sẵn sàng giới thiệu đầu mối cung cấp cây giống để cùng nhau phát triển loại xoài này tại Đồng Nai.
Trao đổi với chúng tôi, bà Mai cho biết loại xoài Úc này còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam. Nhưng bà tin rằng loại xoài này sẽ sớm được người tiêu dùng chấp nhận và ưa chuộng. Hiện gia đình bà đang nghiên cứu sâu thêm các quy trình chăm sóc cây xoài Úc tại vườn để cho ra các loại trái không khác biệt so với xoài Úc trên thị trường, đồng thời tăng diện tích trồng giống xoài này tại trang trại.
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều năm làm ruộng, chuyển đổi một số cây trồng không hiệu quả, anh Phạm Văn Muôn (nông dân khóm Bình Đức 2, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, An Giang) mạnh dạn đầu tư nuôi bò sữa, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, trong khi các hộ chăn nuôi lợn, gà đang gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm và chịu nhiều rủi ro vì giá thất thường thì các hộ chăn nuôi bò nói chung và nuôi bò thịt nói riêng lại đang có lãi. Đặc biệt, từ năm 2012, thành phố triển khai dự án chăn nuôi bò BBB ở các huyện ngoại thành Hà Nội đang mở ra hướng làm giàu cho người nông dân.
Được xem là địa phương năng động, thường xuyên thay đổi cung cách làm ăn, từ lâu Tứ Xã (Lâm Thao - Phú Thọ) đã thành trung tâm sản xuất, kinh doanh nổi tiếng với nhiều mô hình nuôi, trồng cây, con đặc sản, làm dịch vụ. Sau lợn gà, cá tôm gần đây là nghề nuôi rắn.
Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, là một đảng viên trẻ được kết nạp Đảng trong môi trường quân đội, anh Trương Hữu Minh ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) ý thức được rằng phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên trong cuộc sống là một trong những nhiệm vụ mà người lính cần phải tiên phong. Là con cả trong gia đình làm nông đông anh em, với mức lương ít ỏi cộng phụ cấp không đủ trang trải cho cuộc sống, anh luôn nung nấu quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình.
Trong mười năm qua, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam luôn đồng hành với người chăn nuôi vượt qua khó khăn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch cúm, các chính sách khuyến khích chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh gia cầm, góp phần khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.