Đưa xã điểm nông thôn mới về đích
Riêng xã Vị Thủy, đến nay cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM, dự kiến tháng 12 tới sẽ tổ chức lễ công nhận.
Thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, huyện Vị Thủy đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyên truyền nên đến nay bộ mặt nông thôn huyện Vị Thủy đổi thay mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Nhìn chung, sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện và kiên cố hóa; các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt được đầu tư tương đối hoàn chỉnh phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Kết quả huy động và thực hiện nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015) trên toàn huyện với tổng số tiền trên 274 tỉ đồng.
Trong đó, đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi hơn 165 tỉ đồng; điện hơn 2 tỉ đồng; giáo dục hơn 67 tỉ đồng; cơ sở vật chất văn hóa hơn 29 tỉ đồng… Từ sự đầu tư có trọng điểm, đến nay, ngoài xã Vị Thanh được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Vị Thủy đang tiến gần đến đích NTM.
Là xã nghèo, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, năm 2011, khi được chọn làm điểm xây dựng NTM, trên nền tảng xã văn hóa, xã Vị Thủy chỉ cơ bản đạt được 4 tiêu chí NTM.
Nhận thấy sẽ gặp nhiều khó khăn nên ngay từ đầu, lãnh đạo huyện Vị Thủy sớm đề ra những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành các tiêu chí NTM ở xã này.
Là xã nghèo nên huyện Vị Thủy không đặt nặng vấn đề thành tích, không chạy đua hoàn thành các tiêu chí đề ra, chủ yếu làm sao cuộc sống người dân thay đổi theo hướng tích cực, thực chất.
Chính nhờ sự quan tâm đầu tư đồng bộ, sự tuyên truyền tích cực của chính quyền địa phương, người dân đã ý thức hơn trong xây dựng các tiêu chí NTM.
Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, cho biết: Từ khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, chính quyền và nhân dân xã tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế để nâng cao mức sống người dân.
Từ năm 2011 đến nay, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã huy động vốn từ nhiều nguồn kết hợp với vận dụng sức dân nhằm góp phần hoàn thành các tiêu chí đề ra.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Vị Thủy giảm xuống đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/người/năm.
Hiện tại, xã đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn NTM, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12 tới.
Ông Danh Ba, ở ấp 8, xã Vị Thủy, chia sẻ: “Sau khi được tập huấn mô hình nuôi gà ở địa phương, tôi mạnh dạn đầu tư vốn nuôi khoảng 100 con gà tàu và đã cho lợi nhuận khá.
Sau đợt đó, gia đình tiếp tục nuôi thêm, hiện tại chuẩn bị xuất chuồng đợt 2.
Tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây nghe theo chính quyền địa phương, ngoài trồng trọt cần phải chăn nuôi thêm để kinh tế gia đình khấm khá hơn”.
Không chỉ giúp bà con có ý thức thoát nghèo, dọc theo các tuyến đường trên địa bàn xã Vị Thủy sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi cơ sở hạ tầng từ đường, trường, trạm đến cả ý thức sinh hoạt của người dân nơi đây.
Hầu hết các trục đường giao thông ở các ấp được hỗ trợ xây dựng lộ làng khang trang; cảnh quan, môi trường được người dân ra sức giữ gìn, chăm sóc, làm cho bộ mặt xã Vị Thủy ngày càng đẹp hơn.
Ông Võ Như Lai, ở ấp 4, xã Vị Thủy, chia sẻ:
“Mấy cái ổ gà trên lộ mới xuất hiện gần đây, nhìn không đẹp mắt lại gây nguy hiểm cho người đi đường, nên tôi trộn xi măng để giặm vá lại.
Không ai rủ rê, hay kêu mình làm việc này cả, do tôi tự ý thức rằng, muốn có đường đẹp để đi thì người dân phải cùng với chính quyền địa phương ra sức xây dựng, bảo vệ, sửa chữa khi cần thiết”.
Còn ông Võ Văn Tám, ở ấp 2, xã Vị Thủy, hào hứng nói:
“Chính quyền địa phương đi vận động từng người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn môi trường sống xung quanh, xây dựng hàng rào cây xanh… tất cả đều muốn góp phần nâng cao đời sống người dân.
Theo tôi, chỉ cần mỗi người dân có ý thức thì xóm làng sẽ thêm giàu đẹp”.
Theo ông Nguyễn Triều Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, tới đây, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM ở địa phương.
Tập trung đẩy mạnh các nguồn lực trên địa bàn để xây dựng hạ tầng nông thôn, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để hoàn thành các tiêu chí.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, triển khai các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho người dân…
Có thể bạn quan tâm
Khi mới lập gia đình, anh được bên vợ cho 2.400 m2 đất sản xuất. Lúc đầu trồng lúa nhưng do thu nhập thấp nên anh chuyển sang trồng cây màu. Nhờ “có tay” trồng màu, nên anh mạnh dạn thuê 1,5 ha đất, mỗi năm trồng 4 vụ màu, chủ yếu là dưa leo và khổ qua. Nhờ được chăm sóc tốt nên các vụ rau màu đều cho năng suất cao và bán có giá.
Trở về cuộc sống đời thường, không vốn liếng, không kinh nghiệm sản xuất nhưng nhờ tinh thần chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nhiều cựu chiến binh (CCB) đã phát huy bản lĩnh, phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. 1 trong những điển hình ấy là CCB Ngô Văn Chính, ngụ ấp Long Thới, xã Long An (huyện Châu Thành).
Tổng công ty Dự trữ Ngũ cốc Trung Quốc, Sinograin, đã mua khoảng 4,19 triệu tấn gạo vụ hè 2014-2015 theo hợp đồng mua gạo giá sàn nhằm bình ổn giá thị trường và đảm bảo thu nhập cho nông dân.
Thời gian này đã vào cuối vụ, quả không còn nhiều nên giá chanh đào đang giữ ở mức cao từ 55 - 60 nghìn đồng/kg. Ngay cả vào thời điểm chính vụ giá chanh xuống mức thấp nhất cũng từ 40-50 nghìn đồng/kg. Mức giá này cao gấp 2-3 lần so với chanh thường nên nhiều tiểu thương đang tranh thủ dịp này để thu lợi lớn.
Tháng 10, trên khắp cánh đồng Mường Thanh đâu đâu cũng tấp nập là tiếng người hòa vang cùng tiếng máy. Mường Thanh vào mùa gặt, dọc đôi bờ sông Nậm Rốm là màu vàng óng ả của lúa xen lẫn màu xanh của ngói mới, của những màu tôn đỏ, tôn xanh. Cánh đồng Mường Thanh hiện ra như một bức tranh hữu tình tuyệt đẹp.