Xóa nghèo từ cây hồng không hạt
Trước đây, hồng không hạt chủ yếu được bà con ở các xã: Bảo Lâm, Thạch Đạn, Lộc Thanh (huyện Cao Lộc) trồng nhưng theo lối quảng canh, manh mún, nên diện tích trồng hồng chỉ vài chục ha.
Những năm gần đây, thấy giá trị kinh tế cao, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đưa cây hồng không hạt vào trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Anh Hoàng Văn Dũng, ở thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát (Cao Lộc), phấn khởi nói, năm nay cây hồng được mùa sai trĩu quả và lại được giá.
Có ngày hái được gần một tấn quả, bán được 30 triệu đồng (với giá bán tại vườn 30 nghìn đồng/kg).
Vụ hồng năm nay, vườn hồng có hơn 200 cây hồng, trong đó có 120 cây cho quả, gia đình cầm chắc trong tay hơn 150 triệu đồng từ việc bán quả hồng không hạt.
Kể về bí quyết trồng hồng không hạt, anh Hoàng Văn Dũng cho biết: nhận thấy cây hồng không hạt đem lại giá trị kinh tế cao, nên năm 1998, anh đã đi đến các xã Bảo Lâm, Lộc Thanh, (Cao Lộc)… học hỏi kinh nghiệm trồng hồng không hạt.
Cây hồng được trồng bằng rễ, muốn cây hồng tốt phải chọn cây khỏe, cho nhiều quả to đẹp, vào mùa đông khi cây rụng hết lá, chặt lấy một đoạn rễ dài từ 30 - 40cm.
Sau đó, đem về đào hố đặt rễ cây xuống và thực hiện việc chăm sóc cho đến khi lên cây con.
Cây hồng trồng bằng rễ sau 12 năm mới cho thu hoạch, cho đến hơn 40 năm cây vẫn cho quả.
Không giống các hộ trồng hồng khác, gia đình anh Dũng trồng hồng trên chân ruộng một vụ, có mùn đất nhiều, độ ẩm cao, cùng với chăm sóc tốt nên vườn hồng luôn cho quả đều, to đẹp và chín muộn hơn nên lúc nào cũng được giá…
Để tận dụng đất đai, dưới tán cây hồng anh Dũng còn kết hợp trồng cỏ voi, lấy thức ăn cho đàn trâu, bò… trở thành điển sáng về phát triển chăn nuôi bán chăn thả, được bà con trong thôn học tập noi theo.
Phong trào trồng hồng không hạt mấy năm trở lại đây đã được bà con các dân tộc ở các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn phát triển rộng khắp.
Nổi bật như ở thôn Bản Roọc, Thạch Đạn, (Cao Lộc), có 132 hộ thì hầu hết các hộ đều trồng hồng không hạt, với tổng diện tích hơn 50 ha.
Trong đó, có 60 hộ có từ 150 cây hồng trở lên, điển hình như các hộ ông Hà Văn Si, Mông Hải Quảng, Hà Văn Đạo… năm nay được mùa hồng đã cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/hộ.
Ông Chu Văn Nu, ở thôn Bản Roọc cho biết, cây hồng được gia đình trồng trong vườn, dọc khe suối, trên những quả đồi, chỗ nào có đất là đem trồng.
Hồng năm nay sai, gia đình có hơn 120 cây, thu 4 tấn quả, thu về hơn 80 triệu đồng, nên gia đình vui lắm.
Chia sẻ với niềm vui của người dân, Bí thư Chi bộ thôn Bản Roọc Hà Văn Hiền cho biết: Từ nhiều năm nay, cây hồng không hạt đã trở thành cây chủ lực cho người dân xóa đói, giảm nghèo.
Hộ trồng được nhiều cây hồng thì đã trở thành hộ khá giả, có kinh tế ổn định, con cái được đi học…
Để cho cây hồng trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn Lê Minh Thanh khẳng định:
Từ năm 2012, hồng không hạt được cấp được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Công thương) chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được bình chọn lọt vào tốp 50 loại quả đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học của tỉnh đã thực hiện thành công mô hình trồng hồng không hạt bằng phương pháp ghép cành, sau ba năm cây hồng đã cho quả.
Thông qua việc thực hiện mô hình trồng hồng bằng phương pháp ghép cành sẽ giúp bà con các địa phương trong tỉnh nhanh chóng mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng và sản lượng, trở thành sản phẩm nông sản hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Có kích cỡ trung bình như trái cà pháo, với nhiều màu sắc khác nhau: trắng đục, tím, đỏ... nên trái ớt lồng được ví là một trong những loại sản vật lạ ở miền núi xứ Quảng.
Đó là chia sẻ của những người làm nghề nuôi tôm hùm như ông Nguyễn Chí Lem (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Không chú trọng chất lượng, nông dân ở nhiều địa phương đã chạy theo sản lượng, lựa chọn giống chất lượng thấp (IR 50404, Ma Lâm 202, OM 576…) để gieo sạ.
“Dấu ấn quan trọng nhất trong 5 năm xây dựng NTM ở Điện Phước chính là các cấp Đảng ủy, cán bộ và người dân đã tham gia rất tích cực. Nhân dân không những nhiệt tình hiến đất, ngày công mà còn đóng góp tiền của để đẩy nhanh xây dựng NTM.
Đến nay, Bình Thuận được đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước về giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ đóng tàu cá công suất lớn theo Nghị định 67.