Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp – cụ thể là cây lúa ở ĐBSCL cũng như cả nước còn nhiều bất cập: đất đai manh mún, số lượng và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu… khiến người nông dân, khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh này, mô hình cánh đồng lớn (CĐL), hay còn gọi là cánh đồng mẫu lớn, ở ĐBSCL ra đời khắc phục những điểm yếu được xem là "cốt tử" trong trồng lúa.
Dù còn nhiều khó khăn để phát triển nhưng hiệu quả từ mô hình này đã được khẳng định là giải pháp thiết thực cho sản xuất lúa và là bước khởi đầu cho một mô hình lớn của ngành nông nghiệp trong xu thế hội nhập.
Bài 1: Nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn!
Chiếm trên 50% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, ĐBSCL được xem là vựa lúa và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất lúa gạo, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh sản xuất lúa ở ĐBSCL cũng như cả nước còn nhiều bất cập?
Câu trả lời từ thực tiễn là xây dựng và phát triển mô hình CĐL mà các địa phương ĐBSCL triển khai gần 5 năm qua.
CĐL chính là lời giải cho cho bài toán nâng cao hiệu quả sản xuất "đồng nhỏ, nông hộ nhỏ" ở vùng ĐBSCL và cả nước.
Khó khăn từ sản xuất
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nhu cầu về lúa gạo nhiều hơn và đa dạng hơn; thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn.
Tuy nhiên, đến nay, khó khăn về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL, cũng như cả nước còn rất nhiều.
Nông dân sản xuất theo nông hộ nhỏ, cá thể, sản xuất tự phát, thiếu liên kết "4 nhà", nhất là sự đặt hàng, đầu tư và bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Vì vậy, nông dân sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do sâu bệnh, thiên tai như: lũ lụt, hạn hán, nhiễm mặn và đặc biệt là biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Thu nhập người nông dân thấp do giá bán thấp, thị trường bấp bênh, sản xuất ra sản phẩm chưa biết bán cho ai và giá cả cũng không tự định đoạt.
Do đó, thường xảy ra hiện tượng "trúng mùa, mất giá" làm nông dân chưa an tâm sản xuất.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ (đứng bên phải) tham quan mô hình CĐL công nghệ sinh thái ở huyện Cờ Đỏ.
Không chỉ vậy, mặt bằng về trình độ sản xuất, kỹ năng và kỹ thuật của nông dân chưa cao, chưa đồng đều (đặc biệt thiếu kiến thức về chuyên môn, chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP...) dẫn đến chênh lệch năng suất giữa các hộ sản xuất lúa trong cùng một địa phương, hoặc giữa địa phương này và địa phương kia còn khá cao.
Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tổ chức dẫn đến sản xuất không đúng chất, không đủ lượng, bán qua nhiều trung gian... nên không đạt giá trị cao.
Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP, cho biết: Vấn đề lớn của công ty trong thu mua lúa là nông dân trồng rất nhiều giống lúa trên cùng một cánh đồng.
Nếu thương lái thu mua, lúa nào hạt dài, họ gom hết trong dân rồi bán cho doanh nghiệp.
Với cách thu mua này, doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu khó mà nâng cao chất lượng hạt gạo trên thị trường thế giới.
"Không đồng nhất về giống lúa là bài toán nan giải của doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay" – bà Lê Thị Tú Anh nhấn mạnh.
Khâu sản xuất đã khó, khâu sau thu hoạch cũng không mấy khả quan.
Hệ thống máy móc thiết bị sau thu hoạch, như: máy sấy, kho tàng dùng bảo quản tồn trữ, chế biến lương thực còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo yêu cầu, tổn thất khâu thu hoạch và sau thu hoạch lúa còn rất cao, từ 12 - 14%.
Các phụ phẩm trong sản xuất lúa như rơm, trấu...
chưa tận dụng hết, còn lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
"Nước ta đã tham gia xuất khẩu gạo trên 20 năm, hệ thống kinh doanh lương thực đã được xã hội hóa nhưng hoạt động hiệu quả chưa cao.
Nhất là trong xuất khẩu, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu nên giá trị không cao, sức cạnh tranh còn thấp" – Tiến sĩ Lê Văn Bảnh nói.
Đồng lớn bội thu
Từ những bất cập từ thực tiễn, năm 2011, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL triển khai thí điểm mô hình "cánh đồng mẫu lớn".
Và sau gần 5 năm thực hiện, mô hình mẫu này đã tỏ rõ tính ưu việt của một phương thức sản xuất tiên tiến và trở thành mô hình CĐL.
Vụ đông xuân 2011 - 2012, từ nền tảng của Tổ hợp tác Khiết Tâm, CĐL ấp D2, thuộc ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ chính thức thành lập, mở ra một trang mới trong hoạt động trồng lúa của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khiết Tâm, cho biết: "Làm ăn có ký kết hợp đồng, phải tổ chức nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, đến thu hoạch, nhất là việc phải thay đổi tập quán canh tác cũ.
Đây là cả một quá trình khó khăn.
Bởi thực hiện kỹ thuật canh tác mới, đòi hỏi tất cả hộ nông dân phải nắm được các quy trình sản xuất và các quy định chung phải thực hiện đối với từng hộ nông dân, bảo đảm tính thống nhất theo kế hoạch mùa vụ".
Ông Phạm Minh Được, một trong những nông dân đầu tiên tham gia Tổ hợp tác Khiết Tâm, nhớ lại: Canh tác theo quy trình mới trong CĐL, nhiều thành viên của tổ hợp tác lo ngại, nghi ngờ.
Nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, của cán bộ nông nghiệp trong việc hướng dẫn thực hiện các phương pháp canh tác mới, như: sạ lúa theo hàng, giảm giống, giảm phân, giảm thuốc và tuân thủ lịch trình thời vụ áp dụng cho toàn bộ cánh đồng – điều mà từ trước đến nay nông dân chưa từng áp dụng, nên nông dân đồng tình hưởng ứng.
"Thực hiện liên kết sản xuất trong CĐL, thu nhập của các thành viên tổ hợp tác cao hơn trước, hoạt động sản xuất ngày một căn cơ, hiệu quả hơn.
Nhờ áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật, như: sạ hàng, bón phân cân đối, tiết kiệm nước,… cho dù đạt năng suất tương đương nhưng sản xuất trong CĐL giảm từ 15 - 20% chi phí và lợi nhuận tăng hơn 15% so với mô hình bên ngoài"- ông Nguyễn Ngọc Huấn đúc kết.
Ngoài ra, sản xuất trong CĐL ấp D2, Công ty Bình Điền đầu tư phân bón chuyên dùng cho lúa giá rẻ hơn thị trường 500.000 đồng/tấn, Công ty Angimex (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang) đầu tư lúa giống.
Đến khi thu hoạch, tổ hợp tác hợp đồng trực tiếp với chủ máy cắt nên giảm cho thành viên được hơn 600.000 đồng/ha so với bên ngoài; sản phẩm được Công ty cổ phần Gentraco thu mua cao hơn bên ngoài từ 500 - 700 đồng/kg...
Vì vậy, các hộ thành viên của tổ hợp tác rất phấn khởi, an tâm sản xuất.
Đặc biệt, diện tích lúa sản xuất theo quy trình GlobalGAP của tổ hợp tác ban đầu chỉ 47ha nay đã nâng lên khoảng 100ha.
Và chỉ 6 thành viên ban đầu với 20ha, nay CĐL ấp D2 đã có trên 160 thành viên với diện tích 340ha.
Đây chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn điển hình của mô hình CĐL trong sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho những nông hộ nhỏ và được người dân gọi là "đồng bội thu".
Bởi, theo tổng hợp từ các địa phương vùng ĐBSCL, so với ngoài mô hình, tổng chi phí sản xuất trong CĐL thấp hơn từ 3,51 - 6,19% nhưng năng suất tăng hơn 3,27 - 3,6% và tỷ lệ lợi nhuận mô hình cao hơn 19,53 - 24,05%.
Đặc biệt, "tham gia CĐL, nông dân biết cách quản lý dịch hại trên đồng ruộng, lựa chọn các loại thuốc sinh học trong phòng trừ dịch hại và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, giảm 2 - 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật nên đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường hướng đến nền nông nghiệp xanh" – ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ khẳng định.
Với những ưu việt – nhất là gia tăng hiệu quả trồng lúa cho nông dân, mô hình CĐL ở ĐBSCL từ phong trào dần dần đã trở thành hành động thực tiễn của các địa phương.
Nếu như năm 2011, vùng ĐBSCL diện tích thực hiện CĐL chỉ khoảng 8.000ha thì đến năm 2014 đạt khoảng 140.000ha và dự kiến trong năm 2015 đạt khoảng 290.000ha.
Kết quả này, mô hình được xem là bước đột phá của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai; nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Nguyên (Xín Mần) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.
Trước tình hình trên, UBND huyện Lục Nam đang chỉ đạo UBND xã Yên Sơn khuyến cáo nông dân khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tích cực diệt chuột, bảo vệ mùa màng tránh ảnh hưởng đến vụ sau; đồng thời cử cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, tập huấn nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Anh Dũng, một nông dân ở thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) có hơn 1 ngàn trụ thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tâm sự: Trồng thanh long theo tiêu chuẩn này chi phí sản xuất giảm rất nhiều, vì ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và lượng phân bón, thanh long ít bị bệnh và năng suất ổn định hơn...
Thu hoạch sau ông Tích để chờ giá lên, ông Phạm Văn Quắn ở xã Mỹ Long Nam cho biết vài ngày gần đây giá tôm tăng nhưng rất chậm và thấp hơn rất nhiều so với đầu vụ. Tại Trà Vinh, tôm loại 100 con giá 97.000 đồng một kg, loại 75 con giá 115.000 đồng và 50 con giá 124.000 đồng, giảm 30.000-60.000 đồng một kg so với cùng kỳ năm trước.
Số thuyền công suất nhỏ (dưới 30 CV) giảm 174 chiếc so cuối năm 2013. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được duy trì thường xuyên, từ đầu năm đến nay đã xử lý 544 vụ vi phạm, giảm 43,6% so cùng kỳ. Khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển được đẩy mạnh.