Xây Dựng Thương Hiệu Gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân
Trong khuôn khổ Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) diễn ra từ ngày 21 đến 23-9, các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân cùng bàn giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu để gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân vươn xa...
Theo các nhà khoa học, trước đây, lúa gạo Một Bụi Đỏ cứng cơm, nên đầu ra gặp khó. Huyện Hồng Dân quyết tâm giữ lại giống lúa truyền thống lâu đời của địa phương và đã đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ lai tạo, cải thiện chất lượng giống lúa Một Bụi Đỏ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Người trực tiếp đứng ra phục tráng là PGS. TS Võ Công Thành, Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ).
Theo PGS.TS Võ Công Thành, từ một ít giống lúa Một Bụi Đỏ của địa phương đã phục tráng, nhóm nghiên cứu tiếp tục tuyển chọn giống thuần Một Bụi Đỏ, với số lúa ban đầu giao cho địa phương khoảng 15 tấn. Năm 2010, lúa lai F1 mềm cơm chiếm trên 50% diện tích lúa Một Bụi Đỏ của địa phương, đầu ra khá tốt đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng.
Lúa Một Bụi Đỏ mềm cơm có hàm lượng vitamin B1, B3, B6 và chất chống oxy hóa cao, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của những thị trường khó tính… Tuy nhiên, PGS.TS Võ Công Thành cũng đưa ra cảnh báo trong thời gian tới chất lượng lúa Một Bụi Đỏ có thể bị thoái hóa giống, gạo không đảm bảo mềm cơm vì vượt quá qui định về giống lúa thuần. Do đó, công tác duy trì giống phải liên tục để đảm bảo chất lượng lúa gạo Một Bụi Đỏ...
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân cho rằng, chưa xây dựng được thương hiệu, nên gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân chưa thể phát triển rộng trên vùng đất phèn. Ông Lại Thanh Thiên, nông dân trồng lúa Một Bụi Đỏ ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, cho biết: "Năng suất lúa Một Bụi Đỏ chỉ bằng 7/10 so với lúa thần nông, trong khi giá có lúc lại thấp hơn 100-200 đồng/kg nên nông dân trồng lúa Một Bụi Đỏ cũng tâm tư". Theo ông Ca Văn Hải, ở thị trấn Ngan Dừa, việc cần làm hiện nay là phải xây dựng cho được thương hiệu gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân.
Sau đó mới tiếp tục nhân rộng diện tích. Có được như vậy, lúa Một Bụi Đỏ mới có giá cao, sản xuất có hiệu quả nông dân mới tiếp tục sản xuất giống lúa này… Chuyên gia thị trường của Trung tâm BSA Phan Quý Tín cho rằng: Để xây dựng thương hiệu gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân cần sự liên kết của 4 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp).
Trong đó, đầu mối triển khai xây dựng và sở hữu thương hiệu là Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân. Xây dựng được thương thiệu gạo Một Bụi Đỏ đầu ra sản phẩm sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nhất là sử dụng các kênh truyền thông, cam kết duy trì chất lượng sản phẩm.
Theo ông Võ Đăng Ký, Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân, năm 2010, gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao và được công nhận vị trí địa lý quốc gia với diện tích 15.000 ha lúa+tôm.
Với lợi thế này, Trung tâm sẽ phối hợp với nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong vùng sớm xây dựng thành công thương hiệu Một Bụi Đỏ Hồng Dân. Trung tâm đang thực hiện các thủ tục hoàn thiện công đoạn cuối cùng để được công nhận thương hiệu.
Vừa qua, Trung tâm đã ký kết hợp tác với siêu thị Big C Cần Thơ đưa gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân vào siêu thị. Ông Võ Đăng Ký cho rằng: Thời gian qua, chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để sản xuất theo đơn đặt hàng, nông dân bán lúa ngang bằng với lúa thường nên chưa an tâm sản xuất. Tới đây, địa phương sẽ tìm các doanh nghiệp triển khai bao tiêu cho nông dân, sản xuất lúa gạo Một Bụi Đỏ theo đơn đặt hàng và theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Vụ mùa củ hành tím năm 2013, nông dân xã Tân Điền (Gò Công Đông - Tiền Giang) xuống giống 150 ha, nhiều nhất ở ấp Nam và ấp Trung.
ĐBSCL là vùng trồng lúa quan trọng nhất cả nước. Mặc dù năng suất và sản lượng lúa gia tăng, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa.
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất gần 4 triệu tấn thức ăn thủy sản (TĂTS) nhưng việc kiểm soát chất lượng mặt hàng lại đang bị buông lỏng, khiến nông dân hứng chịu không ít thiệt hại.
Ngày 12-12, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác triển khai mô hình chuỗi thí điểm cá rô đồng cung cấp thực phẩm an toàn tại tỉnh Hậu Giang năm 2013. Đến dự, có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Nam bộ, một số tỉnh khu vực ĐBSCL và nông dân trên địa bàn tỉnh.
“Hồi mới bắt tay vào nuôi lươn không bùn, nhiều người tới coi, tỏ ra bán tín bán nghi, cứ lắc đầu vì làm như thế là khác với tập tính của lươn ngoài tự nhiên. Không nản chí, ngày đêm vợ chồng tôi âm thầm thay nhau chăm sóc đàn lươn. Không phụ lòng người, đàn lươn trong bể phát triển từng ngày thấy rõ, gia đình thu lãi 50 triệu đồng sau 6 tháng nuôi” – Ông Hồng cho hay.