Xây dựng nông thôn mới nhanh phải đi liền với vững chắc
Chiềng Khương là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn của huyện Sông Mã bởi cách xa trung tâm huyện và là nơi có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong khi thu nhập chính của bà con đều dựa vào nghề nông. Từ khi được chọn là một trong những xã điểm trong xây dựng NTM của tỉnh và huyện, Chiềng Khương đã có nhiều đổi thay rõ rệt.
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Trung Vực - Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương cho biết: “Tính đến nay, chúng tôi đã đạt được 15/19 tiêu chí về NTM và đang tiếp tục phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí còn lại trong thời gian sớm nhất. Chỉ tính riêng trong 4 năm qua, chúng tôi đã huy động được gần 23 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, vượt xa so với mức đầu tư của nhiệm kỳ trước.
Trong đó, nhân dân đóng góp được gần 4,9 tỷ đồng, ngoài ra bà con còn tham gia trên 20.000 ngày công lao động, hiến hơn 12.000m2 đất, trên 2.400m3 cát, đá và chặt nhiều cây cối, tự nguyện phá tường rào để làm đường giao thông, nhà văn hóa... Tuy tiến độ xây dựng NTM của xã chưa đạt như mong muốn nhưng lòng dân rất đồng thuận. Họ hiểu chính họ sẽ được hưởng những thành quả mà mình góp sức vào nên rất tích cực tham gia”.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết thêm: “Phong trào xây dựng NTM ở Chiềng Khương lan tỏa rất mạnh mẽ và tạo nên sức lan tỏa lớn trong toàn huyện. Đến nay, xã đã thi công xong 97 tuyến đường nội bản, nội đồng với tổng chiều dài hơn 17 km; xây dựng được nhiều công trình thủy lợi với sự đóng góp tự nguyện rất lớn của người dân.
Nhưng điều quan trọng là trong quá trình xây dựng NTM, Chiềng Khương đã thật sự tạo được sức bật cho kinh tế hộ, giúp thành quả xóa đói, giảm nghèo được bền vững hơn và tạo điều kiện để người dân làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Chiềng Khương đã đạt trên 19 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 6%...
Chỉ tay về phía đàn dê có tới mấy chục con đang gặm cỏ bên sườn đồi, ông Lò Văn Nhăm, dân bản Huổi Mo, bảo: “Vốn liếng tích góp trong 3 năm vừa qua của nhà tôi đấy. Bây giờ ở đây đời sống người dân đã khá hơn nhiều. Tôi và một số hộ chọn cách chăn nuôi gia súc để làm giàu, còn nhiều hộ khác thì chọn làm kinh tế trang trại, hộ khá hơn thì làm dịch vụ…
Mình chọn phương án nào thì cũng có cán bộ của bản, của xã, huyện tư vấn, giúp đỡ cả vốn vay và kinh nghiệm làm ăn nên hiệu quả kinh tế đạt cao hơn. Tôi cứ nhìn đời sống của nhà mình và bà con trong bản, trong xã là biết NTM đang thành công ở Chiềng Khương rồi”.
Có thể bạn quan tâm
Đến xã Sơn Đông, TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hỏi ông Tiến “con đặc sản” ai cũng biết, bởi lẽ ông đã bạo gan đi tiên phong nuôi con đặc sản ở vùng đất này và giúp đỡ nhiều hộ khác cùng làm giàu.
Việc xuất khẩu tiểu ngạch luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, không có hợp đồng và không đủ căn cứ làm cơ sở cho người chăn nuôi chủ động sản xuất nên các chuyên gia cho rằng cần sớm đàm phán để xuất khẩu lợn chính ngạch sang Trung Quốc
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Cảnh, 56 tuổi, ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) khi chia sẻ về bí quyết làm giàu với thu nhập bình quân hàng năm khoảng vài trăm triệu đồng.