Xuất khẩu tiểu ngạch lợn sang Trung Quốc nơm nớp lo!
Cảnh báo tình trạng "đua nhau nuôi lợn"
Là một người nuôi lợn với số lượng lớn, ông Nguyễn Hồng Hà, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại Văn Giang (Hưng Yên) chia sẻ, từ đầu năm tới nay, giá lợn thịt, lợn giống đều ổn định với mức tăng khá nên người nông dân, người chăn nuôi đều rất phấn khởi. "Tuy nhiên, không ai biết niềm vui này kéo dài được bao lâu bởi luôn có những bất an vì nguyên nhân chính dẫn tới giá tăng là do Trung Quốc tăng cường thu mua lợn”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, do giá lợn tăng cao, ở các vùng quê, nhiều người đang đua nhau nuôi lợn; trại cũ thì tăng quy mô, các trại mới thì phá đất trồng trọt chuyển sang nuôi lợn; các công ty cũng tăng cường đầu tư nuôi lợn, kể cả công ty không thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Ngay cả những công ty chăn nuôi gia cầm cũng chuyển sang nuôi lợn…
“Việc giá thịt lợn tăng, đem lại lợi nhuận cao thì việc tăng đàn là đương nhiên. Nhưng nó cũng sẽ đi kèm rất nhiều rủi ro nếu Trung Quốc bất ngờ ngừng nhập khẩu trong 5-6 tháng tới”, ông Hà đưa ra khuyến cáo.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, những tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày có hàng trăm xe lợn hơi xuất qua biên giới sang Trung Quốc. Nhưng chỉ cần thị trường này đóng biên, dừng mua là bà con chăn nuôi sẽ đối mặt với tình trạng “dội chợ”. Khi đó rủi ro của nông dân và các thương lái chẳng khác gì câu chuyện quả thanh long, dưa hấu bị ùn ứ dẫn tới những chiến dịch “giải cứu thanh long, dưa hấu” như trước đây.
Tuy nhiên, với sản phẩm dưa hấu, thanh long còn có thể “giải cứu”. Còn với mặt hàng lợn hơi, nhu cầu tiêu thụ không cao, sẽ rất khó để "giải cứu" nếu chẳng may thị trường bị "dội chợ".
Ông Nguyễn Văn Hạnh, người nuôi lợn quy mô lớn ở xã Nghĩa Trung Việt Yên (Bắc Giang) băn khoăn: Dù Trung Quốc đang thu mua lợn của Việt Nam rất nhiều nhưng không ai biết vì sao họ lại mua nhiều tới vậy, thông tin chưa rõ ràng?
"Nhiều người chỉ “rỉ tai” nhau là do vào mùa đông vừa qua, do thời tiết ở Trung Quốc lạnh quá nên lợn chết nhiều. Cộng thêm với việc Trung Quốc vừa ban hành “Luật về môi trường” nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị dẹp bỏ dẫn tới tình trạng khan hiếm cung, trong khi tại các công ty chăn nuôi, giá nhân công tăng cao… Tuy vậy, hầu hết các thông tin này cũng chưa có cơ quan nào ở ta kiểm chứng. Chúng tôi mong sớm có được những thông tin nghiên cứu thị trường để người nông dân có định hướng cho kế hoạch sản xuất lâu dài”, ông Hạnh bày tỏ.
Phải tiến tới xuất khẩu chính ngạch
Mới đây, Bộ Công Thương cũng phát đi một cảnh báo với nội dung: Theo danh sách các quốc gia/khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt (bao gồm thịt lợn) sang Trung Quốc do Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29.4.2016, Việt Nam không có tên trong danh sách này. Do vậy, hoạt động xuất khẩu lợn hơi từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở biên giới đất liền có thể sẽ gặp khó trong thời gian tới.
Nhận định về thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc thường xuyên với giá xuất khẩu từ 60.000- 66.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi trong nước từ 45.000-50.000 đồng/kg.
“Chính vì xuất khẩu có giá tốt nên có hiện tượng người dân đua nhau nuôi lợn. Nếu không sớm đưa ra cảnh báo tình trạng, chúng ta sẽ dư thừa nguồn cung trong 5-6 tháng tới. Mặt khác, hiện Trung Quốc đã siết chặt việc nhập khẩu tiểu ngạch và tuyên bố: Nếu bắt được lợn hơi qua đường này sẽ tiêu hủy. Nhiều khả năng số lượng hợn xuất sang Trung Quốc sẽ giảm mạnh, kéo theo giá giảm”, ông Vang nhận định.
Cũng theo ông Vang, nếu giá lợn hơi giảm xuống nhưng không dưới 46.000 đồng/kg thì không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất. Còn nếu giảm hơn thì người chăn nuôi trong nước sẽ bị tác động trong các tháng cuối năm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến cáo, việc phát triển đàn lợn trong nước ồ ạt khi giá lợn tăng cao là tất yếu và sẽ dẫn đến thời điểm cung vượt cầu trong thời gian 5 - 6 tháng sau.
"Nếu thời điểm đó, Trung Quốc không mua hoặc mua ít thì chắc chắn nguồn cung dư thừa, từ đó giá sẽ giảm, bà con nông dân có thể sẽ bị thua lỗ”, ông Trọng cảnh báo.
“Cần phải tiến tới xuất khẩu chính ngạch lợn hơi. Khi đó muốn xuất khẩu lợn phải có hợp đồng và có kế hoạch cụ thể cho người chăn nuôi hàng năm biết rõ và chủ động sản xuất. Mặt khác, các bộ, ngành có liên quan cần phải bàn kỹ về Hiệp định Thú y, thống nhất lại giữa 2 bên để tiến tới xuất khẩu chính ngạch”, ông Trọng nhấn mạnh.
“Người chăn nuôi không nên chạy theo giá. Cần coi chăn nuôi là một nghề và triển khai ổn định. Trong 5-6 tháng sau mới có sản phẩm mà không đoán trước được nhu cầu của Trung Quốc như thế nào, nếu cứ dồn dập lao vào nuôi thì đến thời điểm nguồn cung dư thừa, người chăn nuôi sẽ rơi vào tình trạng bị động”, ông Nguyễn Văn Trọng cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ học nghề trồng chè sạch và áp dụng hiệu quả vào sản xuất, người dân xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã có cuộc sống ấm no, sung túc.
Dự án Di dân Tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Sơn La không chỉ hoàn thành vượt mức tiến độ trước thời hạn 3 năm mà còn góp phần tích cực, tạo những tiền đề thuận lợi cho quá trình xây dựng NTM của tỉnh trong thời gian qua.
Đến xã Sơn Đông, TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hỏi ông Tiến “con đặc sản” ai cũng biết, bởi lẽ ông đã bạo gan đi tiên phong nuôi con đặc sản ở vùng đất này và giúp đỡ nhiều hộ khác cùng làm giàu.