Xây dựng nông nghiệp, nông dân thời đại mới
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của Báo NTNN nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (14.11.1945 - 14.11.2015).
Năm 2014, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 6,3 triệu tấn.
Ông nói: Bộ NNPTNT chúng tôi thực hiện chức năng quản lý chính của Nhà nước về tất cả các hoạt động sản xuất trong nông nghiệp, nhưng Hội Nông dân lại có lợi thế rất lớn khi có tới 11 triệu hội viên nông dân cả nước.
Do đó, để xây dựng thành công hình mẫu người nông dân thời đại mới không thể thiếu được sự phối hợp giữa Bộ và Hội.
Chắc chắn Bộ sẽ phối hợp với Hội xây dựng các chương trình thiết thực hơn nữa để đạt được các mục tiêu.
Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực
Thưa Bộ trưởng, những năm qua ngành nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Bộ trưởng có thể cho biết đôi nét khái quát về những thành tựu mà ngành đã đạt được?
- Từ sau Cách mạng tháng Tám (năm 1945) thành công đến nay, Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhờ vậy, nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, đáp ứng yêu cầu trong nước, xuất khẩu với số lượng lớn;
Nhiều loại nông-lâm-thủy sản có vị thế cao trên thị trường quốc tế; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, điều kiện ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa được cải thiện rõ rệt;
Đa số nông dân từ thân phận của những người làm thuê, sản xuất nhỏ, mù chữ, đói nghèo trở thành người chủ có ruộng đất, có thu nhập và mức sống ngày càng cao hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề hệ trọng của nước ta và kể từ khi T.Ư có Nghị quyết về vấn đề này, nông nghiệp nước ta đã có những thay đổi căn bản cả về chất và lượng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nông nghiệp nước ta đã bộc lộ nhiều điểm yếu.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Bên cạnh những thành tựu đạt được nông nghiệp, nông thôn nước ta còn nhiều yếu kém.
Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp; gần đây tốc độ tăng trưởng chậm lại; cơ sở hạ tầng ở nhiều vùng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất lớn và đời sống mới; thu nhập của đa số nông dân còn thấp, một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, môi trường ở nhiều nơi tiếp tục bị suy thoái…
Những yếu kém đó cũng bộc lộ rõ hơn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh để khắc phục.
Thực tế, phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như Đảng và Chính phủ đã xác định.
T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đang tiến hành xây dựng đề án về hình mẫu người nông dân trong thời đại mới.
Theo Bộ trưởng, đề án này có những ý nghĩa như thế nào?
- Rõ ràng trong bối cảnh mới - hội nhập kinh tế quốc tế, người nông dân cần có cách nghĩ và cách làm mới; mặt khác cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn để sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, bền vững hơn, có thu nhập tăng nhanh hơn và có điều kiện sống ở nông thôn tốt hơn; chỉ như vậy mới có thể thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.
Tôi được biết, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hiện đang xây dựng đề án về người nông dân thời đại mới với 5 tiêu chuẩn: Nhận thức mới; kiến thức mới; ý thức mới; quyết tâm mới và có thu nhập cao.
Tôi cho rằng, đây là đề án này rất có ý nghĩa và thiết thực trong thời điểm hiện nay.
Không để nông dân thiệt thòi
Xây dựng hình mẫu người nông dân mới, không thể thiếu được vai trò của 2 ngành là Bộ NNPTNT với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam với chức năng là đoàn thể chính trị- xã hội lớn nhất nước.
Vậy, để thực hiện đề án này, Bộ sẽ có những chương trình phối hợp với Hội Nông dân như thế nào, thưa Bộ trưởng?
“Những hành vi lừa dối, bóc lột người dân khi bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng là không thể chấp nhận được.
Chúng ta không cho phép bất cứ ai lừa dối, bóc lột nông dân”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát
- Bộ NNPTNT chúng tôi thực hiện chức năng quản lý nhà nước chính về các hoạt động sản xuất trong nông nghiệp, nhưng Hội Nông dân lại có lợi thế rất lớn khi có tới 11 triệu hội viên nông dân cả nước.
Do đó, tôi cho rằng để xây dựng thành công hình mẫu người nông dân thời đại mới không thể thiếu được sự phối hợp giữa Bộ và Hội.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua giữa Bộ NNPTNT và T.Ư Hội Nông dân đã có nhiều chương trình phối hợp thiết thực, trong đó nổi bật là Chương trình giám sát chất lượng vật tư, phân bón.
Thời gian tới, sự phối hợp này cần được tổ chức như thế nào để đạt mục tiêu đẩy lùi nạn phân bón giả?
- Chương trình giám sát chất lượng vật tư phân bón là một chương trình có quy mô lớn được thực hiện với sự phối hợp của 4 cơ quan là: T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.
Đây là chương trình rất cần thiết.
Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả thì cần phát huy cao hơn sự tham gia và phối hợp của các tổ chức và hội viên, cán bộ cơ sở, cũng như phát động người dân tham gia việc phát hiện và cung cấp thông tin cần thiết về chất lượng vật tư nông nghiệp.
Tôi tin rằng, những hành vi gian lận khó có thể qua được tai mắt của nhân dân.
Bộ trưởng có thể cho biết, hoạt động giám sát này sẽ tập trung vào những lĩnh vực, khâu cụ thể nào?
- Hiện nay, trên thị trường có lượng khá lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường giả, kém chất lượng, không có trong danh mục được phép lưu hành.
Bên cạnh các doanh nghiệp lớn còn có hàng vạn đại lý và cửa hàng bán lẻ, có một số người buôn bán “chui”, giả mạo.
Tuy nhiên, mức độ khác nhau đối với từng loại vật tư.
Tôi đề nghị tập trung giám sát vào 4 loại đầu vào vật tư nông nghiệp là phân bón vô cơ và vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, chất xử lý cải tạo môi trường (tập trung vào nuôi trồng thủy sản).
Cần phải giám sát cả trong khâu sản xuất, nhập khẩu và buôn bán vật tư trong nước, nhưng trước hết là trong buôn bán.
Trong khâu sản xuất cần tập trung xử lý các cơ sở sản xuất bị xếp hạng C theo phân loại của các địa phương áp dụng các tiêu chí mà Bộ NNPTNT đã ban hành.
Nhân dịp 70 năm ngày truyền thống ngành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, Bộ trưởng có thông điệp gì muốn nhắn gửi tới nông dân?
- Để nói một cách ngắn gọn nhất, tôi chỉ đề nghị bà con nông dân hãy chung tay vì một nền nông nghiệp chất lượng, an toàn, hiệu quả, vì sức khỏe và quyền lợi của chính mình cũng như mọi người dân nước Việt Nam!
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Có thể bạn quan tâm
Nguyên tắc 1: Đặt trại nuôi tôm theo quy hoạch quốc gia và khuôn khổ pháp luật tại những địa điểm phù hợp về mặt môi trường, sử dụng tài nguyên đất và nước hiệu quả và theo cách thức bảo tồn được đa dạng sinh học, nơi cư trú và các chức năng của hệ sinh thái nhạy cảm về mặt sinh học với ý thức rằng những hoạt động sử dụng đất đai, con người và loài khác cũng dựa vào cùng hệ sinh thái này.
Tiêu chuẩn ASC Tôm được chuyển giao tới Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC)
Chiều qua (22/6), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và Hội đồng Nuôi trồng thủy sản Stewardship (ASC) đã ký Biên bản ghi nhớ cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ở Việt Nam thông qua một phương pháp tiếp cận từng bước từ VietGAP sang chứng nhận ASC.
Chiều ngày 22/6, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Hội đồng Nuôi trồng thủy sản Stewardship (ASC) đã ký Biên bản ghi nhớ cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ở Việt Nam thông qua một phương pháp tiếp cận từng bước từ VietGAP sang chứng nhận ASC.
Qua hai thập niên, ngành cá tra Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã đặt ra nhiều thách thức. Để giải quyết điều này cần phải có những tiêu chuẩn thiết thực và đáng tin cậy.