Xây Đập Ngăn Mặn Tại Cầu Gò Nổi

Mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn. Để cứu 600ha lúa chính vụ, ngành thủy lợi và các đơn vị liên quan đang dốc sức thi công tuyến đập bổi ngăn mặn tại khu vực cầu Gò Nổi nhằm đảm bảo cung ứng nguồn nước ngọt cho trạm bơm điện Xuyên Đông (Duy Xuyên) hoạt động ổn định.
SÁNG qua 19.6, ông Nguyễn Ngọc Châu – Trưởng phòng Quản lý khai thác thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, do nắng nóng quá khốc liệt nên thời gian gần đây mực nước trên sông Thu Bồn liên tục giảm mạnh khiến mặn thường xuyên xâm nhập với nồng độ rất cao.
Ông Châu nói: “Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tại khu vực hạ lưu đập bara Duy Thành ở huyện Duy Xuyên nồng độ mặn lên đến 11,2 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng nữa.
Đặc biệt, đầu tháng 5.2014 đến nay, đoạn sông Thu Bồn từ cầu Câu Lâu cũ đến cầu Gò Nổi dài gần 1.000m dẫn nước về trạm bơm điện Xuyên Đông đã bị mặn xâm nhập, lắng đọng với nồng độ luôn duy trì ở mức hơn 3,6 phần nghìn và biến động theo hướng tăng dần”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phước Năm – Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Duy Xuyên cho hay: “Do nguồn nước phía thượng nguồn ngày càng cạn kiệt nên những ngày tới tình trạng xâm nhập mặn sẽ càng diễn ra gay gắt.
Nhằm đảm bảo cung ứng nguồn nước cho trạm bơm điện Xuyên Đông hoạt động ổn định trong suốt vụ sản xuất hè thu 2014, chúng tôi vừa phối hợp với các đơn vị liên quan ở tỉnh triển khai xây dựng khẩn cấp tuyến đập chính và cống lấy nước tại khu vực cầu Gò Nổi để ngăn nước mặn, giữ nước ngọt theo phương án chống hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Tuyến đập chính ngăn mặn này có chiều dài 140m, cao 1,4m và cống lấy nước có bán kính 1,5m, dài 15m. Tổng số tiền đầu tư thi công những hạng mục vừa nêu hơn 300 triệu đồng, từ nguồn kinh phí do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam cấp.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam cũng vừa đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ xây dựng cầu máng và mở rộng đoạn cuối kênh N22-1 thuộc khu tưới bắc Phú Ninh để chống hạn cho nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Bình Giang, huyện Thăng Bình.
Đồng thời thi công hệ thống điều tiết trên sông Bà Rén nhằm ngăn mặn, giữ ngọt cho đập bara Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Cạnh đó, nạo vét lạch dẫn nước vào bể hút của trạm bơm Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc và lắp đặt một máy bơm dã chiến 15KW tại trạm bơm điện Bãi Bồi để tưới hỗ trợ cho những ruộng lúa, hoa màu ở những vùng cuối tuyến kênh chính Thanh Quýt, huyện Điện Bàn…
Hiện nay Chi nhánh Thủy lợi Duy Xuyên đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đập bổi và cống lấy nước ấy nhằm sớm ngăn chặn tình trạng mặn xâm nhập. Ông Nguyễn Phước Năm nói: “Những ngày qua, chúng tôi đã dốc sức cho công tác này và bằng mọi giá phải hoàn thành việc xây dựng công trình vào ngày 22.6. Bởi, nếu chậm trễ thì trạm bơm điện Xuyên Đông không thể hoạt động được, kéo theo 600ha lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh ở thị trấn Nam Phước và các xã Duy Phước, Duy Vinh sẽ bị khô hạn nghiêm trọng”.
Ông Nguyễn Ngọc Châu cho rằng, ngoài việc đắp đập chính, thi công cống lấy nước như đã nêu trên, Sở NN&PTNT cần sớm tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án đào vét khẩn cấp lạch dẫn Điện Bình – cầu Gò Nổi theo tờ trình số 92/TTr-UBND (ngày 12.5.2014) của UBND huyện Duy Xuyên để nhanh chóng đẩy mặn lắng đọng và tạo nguồn nước ngọt cho trạm bơm điện Xuyên Đông cũng như một số trạm bơm khác hoạt động ổn định…
Có thể bạn quan tâm

Hội thảo quy hoạch nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 tổ chức tại Bạc Liêu là diễn đàn thảo luận giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất con giống và người nuôi tôm. Vấn đề được các đại biểu quan tâm hàng đầu tại hội thảo là đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản và chất lượng tôm giống. Hai nội dung này được bàn luận sôi nổi tại hội thảo.

Tình hình xuất khẩu nông thủy sản từ đầu năm 2015 đến nay gặp khó khăn, giá trị thu về không như mong muốn, nhiều doanh nghiệp hoạt động ì ạch, trong khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế bị ảnh hưởng... Gỡ khó cho xuất khẩu nông thủy sản đang được các bộ ngành trung ương và các tỉnh tập trung quyết liệt.

Gần 8 năm đầu tư phát triển chăn nuôi, trang trại của ông Nguyễn Công Bắc ở Hợp tác xã 6, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn được coi là một trong những trang trại điển hình của tỉnh Sơn La về áp dụng phương pháp an toàn sinh học, chăn nuôi khép kín, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế, hạn chế tác động môi trường.

Giống gà “mặt quỷ” (Ayam Cemani), được xem là giống gà đắt giá nhất trên thế giới, có xuất xứ từ Indonesia. Nhiều người dân bản địa tin rằng, người sở hữu giống gà này sẽ đem lại nhiều may mắn trong cuộc sống. Với giới kinh doanh, nuôi loại gà này đang mở ra triển vọng doanh thu và lợi nhuận cao.

Hiện tại hai huyện miền núi có số lượng trồng măng lớn là Tri Tôn và Tịnh Biên đã có măng, giá bán cao gấp 5-10 lần so với vụ rộ.