Hấp Dẫn Mô Hình Thanh Long Ruột Đỏ
Thanh Long ruột đỏ có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm nay nhưng mới bắt đầu trồng quy mô ở các tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh và một số ít ở TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, vùng Bảy Núi tỉnh An Giang… bước đầu đã mang lại hiệu quả rất khích lệ. Giống cây ăn trái nầy còn có tên là thanh long Nữ Hoàng, tên khoa học là Hylocereus.
Ông Võ Văn Thạch (Tư Thạch) quê ở xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là người đầu tiên đưa thanh long ruột đỏ, giống H.14 về trồng trên đất Vĩnh Long từ tháng 8 - 2010, diện tích 3 ha. Ông cho biết sau 24 tháng chăm sóc, toàn bộ cây đã ra hoa kết trái, năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha.
Thanh long ruột đỏ có đặc tính vỏ dầy và cứng, màu đỏ tươi trông rất đẹp mắt. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết thanh long ruột đỏ có thành phần dinh dưỡng cao hơn thanh long ruột trắng, nhất là hàm lượng Vitamin nên được nhiều người ưa thích vì có lợi cho sức khỏe. Loại nầy ngoài ăn tươi còn có thể ướp lạnh hoặc ép lấy nước uống rất mát.
Hôm đến tham quan, ông Tư Thạch chia sẻ với chúng tôi: "Trước đây tôi là giám đốc công ty TNHH Tư Thạch, chuyên sản xuất gạch ngói, gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Đến năm 1982, chuyển sang chăn nuôi và bây giờ thì vẫn chăn nuôi kết hợp với trồng thanh long. Qua hai năm thử nghiệm tôi có thể khẳng định trồng thanh long ruột đỏ có nhiều cái lợi. Một là dễ chăm sóc, năng suất cao lại ra trái quanh năm, bền vững. Hai là thị trường tiêu thụ mạnh, dễ xuất khẩu, giá cả ổn định và cao gấp 4 – 5 lần thanh long ruột trắng…".
Theo kinh nghiệm của ông Tư Thạch và ông Năm Hiếu ở TP Cần Thơ thì thanh long là một trong những loại cây có khả năng thích ứng với sự biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, thanh long ruột đỏ còn thích hợp với nhiều loại đất, cát ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng muốn cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhất là giống, phân, nước và quá trình chăm sóc. Thanh long thuộc loại cây ưa nắng, thích sáng, rễ cạn nên đất trồng phải xốp và thông thoáng, không bị ngập úng và nước không bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn. Hầu hết cây đều phát triển tốt, trái to nặng bình quân từ 0,7 - 1 kg/trái, ruột đỏ son, chất lượng thơm, ngon và ngọt đậm nên được nhiều người ưa thích.
Về thời vụ, thanh long có thể xuống hom bất cứ lúc nào trong năm, nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa nhánh, tạo tán và phòng trừ sâu bệnh cho cây ra nhiều trái. Thanh long ruột đỏ ra trái nhiều nhất từ tháng tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Nếu muốn cho ra trái mùa nghịch cần phải sử dụng quang kỳ tính, tức dùng đèn điện thắp sáng vào ban đêm.
Nếu trồng đúng quy cách, đủ phân, đủ nước, sau 8 - 10 tháng tuổi cây thanh long ruột đỏ có thể ra bông và mỗi năm thu hoạch từ 7 – 8 lần. Ông Tư Thạch cho biết sau 24 tháng kể từ ngày xuống giống, ông đã đầu tư 850 triệu đồng cho 3 ha thanh long và thu về được 1,5 tỉ đồng. Ước tính năm thứ ba, sản lượng sẽ cao hơn, bình quân từ 30 - 40 tấn/ha/năm. Nếu tính theo thời điểm hiện nay, giá thị trường dao động từ 15.000 – 35.000 đồng/kg (tùy theo mùa vụ và chất lượng), mỗi héc-ta có thể thu được 600 triệu đồng, trừ hết các chi phí còn lời 400 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Hiếu, một nông dân kỳ cựu ở khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết ông đã trồng thanh long ruột đỏ với trên 130 trụ đã cho trái. Hầu hết cây đều phát triển tốt, chất lượng thơm, ngon và ngọt đậm nên rất dễ tiêu thụ. Giá bán lại cao gấp 3 - 4 lần thanh long ruột trắng. Ông khẳng định người trồng thanh long ruột đỏ sẽ đầu tư ít vốn nhờ hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, nhất là công chăm sóc cũng nhẹ hơn so với các loại cây ăn trái khác.
Ông Tư Thạch cho biết vườn thanh long của ông sử dụng toàn phân hữu cơ (hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật). Ưu thế lớn nhất của ông là từ tháng 6 – 2011, ông đã kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ sản xuất thành công loại phân vi sinh từ nguồn nguyên liệu do chính cơ sở chăn nuôi của ông cung cấp như: phân gà, phân heo, bùn từ đáy ao cá tra, tro trấu, lục bình... Từ ngày nhà máy phân bón hoạt động đến nay, ông không những tạo được một nguồn phân bón dồi dào dùng cho sản xuất mà còn bán ra thị trường với số lượng lớn, mang thương hiệu "Phân bón Tư Thạch". Hiện nay, mỗi lứa ông thả nuôi 4.000 con heo thịt và 150.000 gà thịt. Bình quân thu được 350 tấn phân gà/3 tháng và 300 tấn phân heo/6 tháng. Đó là nguồn nguyên liệu cơ bản để chế ra phân vi sinh.
Ngoài bán thanh long trái, ông Tư Thạch còn bán cả cây giống với giá 10.000 đồng/hom. Đặc biệt, ông sẵn sàng hỗ trợ và trực tiếp tư vấn kỹ thuật cho người trồng. Ông tin chắc rằng cây thanh long ruột đỏ là cây có tiềm năng kinh tế bền vững. Người có đất ít thì trồng ít, đất nhiều trồng nhiều, không sợ dội hàng ế chợ như thanh long ruột trắng. Ông mong muốn ĐBSCL có thêm nhiều người sản xuất thanh long ruột đỏ để tiến tới thành lập Hợp tác xã, tạo nguồn hàng ổn định, hướng tới thành lập thương hiệu và xuất khẩu trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài nguyên nhân người đánh bắt dùng xuyệt, lưới rùng, đánh thuốc để bắt theo kiểu tận diệt thì tình trạng sử dụng thuốc hóa học bừa bãi trên đồng ruộng đã khiến cho môi trường sống của các loài thủy sinh bị ô nhiễm nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sinh này.
Tuy là chủ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thương mại nhưng công việc thường xuyên của ông Mai Thăng Long là gặp gỡ nông dân, làm việc ngay tại các ruộng lúa. Hiện Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long (TP.Biên Hòa) của ông Long đang đầu tư cho nông dân xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm lúa sạch cho bà con với giá cao hơn thị trường.
Cùng với việc coi trọng công tác tuyên truyền bảo vệ, bổ sung nguồn lợi thủy sản, các địa phương và cơ sở sản xuất đã tăng cường các biện pháp cải tạo ao nuôi, sửa chữa lồng, bè, thuyền và thực hiện các biện pháp phòng - chống dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh thủy sản ổn định. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.450 thuyền các loại hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và có 4.700 lao động làm nghề thủy sản.
Ngày 1/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật kết hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hội thảo khoa học đánh giá thực trạng, diễn biến tình hình bệnh tôm ở tỉnh Cà Mau và đề xuất biện pháp khắc phục.
Mùa thu hoạch cà phê 2014-2015 đã vào vụ hơn một tháng nay. Hàng ngàn lao động từ các tỉnh đồng bằng được những chủ vườn cà phê đưa lên hái cà phê cho mình và những vườn lân cận… Điều đáng mừng là hầu hết đều có thu nhập ổn định, giúp người trồng cà phê yên tâm trong vụ thu hoạch này.