Xã Lê Minh Xuân Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Giá Trị Cao
Nhiều hộ dân ở xã Lê Minh Xuân (Huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng trong những năm gần đây.
Tìm hiểu tại xã Lê Minh Xuân, chúng tôi ghi nhận việc bà con tích cực chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế thấp sang các loại cây có giá trị cao và bước đầu thu được những kết quả tích cực. Để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây, con chủ lực theo hướng nông nghiệp đô thị, Hội Nông dân xã có đưa ra nhiều kế hoạch giúp nông dân ổn định, phát triển sản xuất.
Chủ động thay thế cây trồng
Lê Minh Xuân được xem là một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện Bình Chánh với gần 2.500ha. Hiện nay tại xã, các loại cây trồng có diện tích lớn chủ yếu là mía và lúa. Tuy nhiên do các loại cây trên không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây nhiều nông dân đã chuyển đổi dần sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như lan, hoa kiểng, dừa xiêm, mai…
Trong đó dừa xiêm - loại cây còn mới mẻ nhưng đang được rất nhiều nông dân trồng. Tại xã hiện có trên 20 hộ dân chuyển đổi từ cây lúa, mía sang trồng dừa xiêm, trong đó 6 hộ có vườn dừa đã cho thu hoạch ổn định.
Là một trong những người đầu tiên trồng dừa xiêm tại xã, anh Lê Minh Đức cho biết, trồng lúa, trồng mía mỗi hécta đất chỉ thu nhập vài triệu đồng, không đủ nuôi sống gia đình. Năm 2008, khi được người quen giới thiệu giống dừa xiêm Mã Lai, anh đã chuyển đổi hơn 6.000m2 đất sang trồng dừa. Đến nay vườn dừa nhà anh đã cho thu nhập ổn định. Cứ khoảng 3 tuần là cho thu hoạch một đợt được trên 7 triệu đồng. Ước tính vườn dừa xiêm Mã Lai đã mang lại thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Còn anh Bùi Ngọc Thảo ở ấp 2 đã chuyển đổi hơn 5.000m2 đất vườn từ trồng lúa và hoa màu sang trồng dừa xiêm Mã Lai. Mỗi đợt thu hoạch hơn 1.000 trái (giá 6.000 đồng/trái), gia đình anh thu nhập ổn định. Hiện nay dừa xiêm được thị trường ưa chuộng nên không lo thiếu đầu ra.
Theo Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, cũng nhờ chuyển đổi cây trồng nên tại xã có nhiều hộ dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Cũng từ đây mà người dân yên tâm phát triển sản xuất. Tại xã có rất nhiều trường hợp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và thu được kết quả cao.
Điển hình là các hộ ông Lê Tấn Đức, Lại Văn Đức (ngụ ấp 4) nhờ trồng bonsai, cây cảnh mà thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hay hộ ông Trần Văn Khởi (ấp 7), thu nhập gần 200 triệu đồng/năm nhờ trồng mai vàng…
Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân
Bà Trần Thị Như Lan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân cho biết, các loại cây trồng mang giá trị kinh tế cao đã được nông dân mạnh dạn phát triển sản xuất. Đây là điều hoàn toàn phù hợp với chủ trương chuyển đổi cây, con chủ lực theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố.
Hội Nông dân xã đang xúc tiến thành lập tổ hợp tác trồng dừa tại xã để các hộ trồng dừa hỗ trợ lẫn nhau, góp phần phát triển bền vững loại cây trồng này.
Để hỗ trợ nông dân, vào cuối năm 2013, Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ 700 cây giống dừa xiêm và 1.000 cây lan giống cho 5 hộ nông dân nghèo tại xã để phát triển sản xuất. Riêng đối với cây dừa xiêm, Hội Nông dân xã đang xúc tiến thành lập tổ hợp tác trồng dừa tại xã để các hộ trồng dừa hỗ trợ lẫn nhau, góp phần phát triển bền vững loại cây trồng này.
Ngoài ra Hội Nông dân xã cũng đang xúc tiến thành lập tổ hợp tác trồng mía để có cơ sở pháp lý kiến nghị với nhà máy đường cải thiện giá cả thu mua mía cũng như thực hiện các biện pháp hỗ trợ người trồng về vật tư, phân bón… để bà con yên tâm phát triển sản xuất.
“Hiện nay tại xã còn 120 hộ trồng mía, mặc dù cây mía không mang lại giá trị kinh tế cao nhưng không thể chuyển đổi sang cây trồng khác ngay được. Vì vậy nếu thành lập tổ hợp tác sẽ tạo điều kiện để người trồng mía sống được rồi mới chuyển đổi dần. Hội cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho người trồng lúa tại xã trồng xen canh hoa màu. Có như vậy người trồng lúa mới yên tâm phát triển sản xuất, bên cạnh các cây chủ lực khác” - bà Lan cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Măng Tây là loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao được dùng nhiều trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp, sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Cây măng tây đã được đưa vào trồng tại huyện Củ Chi vào năm 2006, tuy giá thành cao nhưng cần chú ý đến việc phòng trị bệnh
Gia đình anh Đặng Trường Thành (SN 1949) ngụ xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp từ hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định thông qua mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Nhờ cần cù lao động, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nên vườn xoài của gia đình đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện nay, tại huyện Cầu Ngang - khu nuôi tôm tập trung lớn nhất của tỉnh Trà Vinh, hàng ngàn hộ nuôi tôm đang điêu đứng vì dịch bệnh, nhiều người đang lâm vào cảnh nợ nần… trong khi thời vụ đã cạn dần mà ngành chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục.
Ông Trần Rô (thôn 2, xã Cẩm Thanh, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam) là người đã ươm thành công giống dừa nước vùng ngập mặn từ trái với số lượng lớn
Cá tra được Chính phủ xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của ĐBSCL và cả nước. Dù đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng hiệu quả sản xuất vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hội thảo “Hiện trạng, thách thức và cơ hội của ngành nuôi cá tra Việt Nam” trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2011 thêm một lần nữa khẳng định: Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất, để con cá tra phát triển bền vững!