Cây Đậu Tương Trên Đất Tủa Chùa

Trồng khảo nghiệm 10 năm trước, đến nay cây đậu tương đã được trồng đại trà trên đất dốc ở Tủa Chùa, mở ra hướng đi mới cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc vùng cao.
Thực tế sau 3 năm trồng thí điểm, khảo nghiệm tại xã Mường Báng, thị trấn huyện và tại xã Sính Phình cho thấy, cây đậu tương có thể phát triển ra diện rộng, theo hướng sản xuất hàng hóa ở Tủa Chùa. Với sự giúp đỡ của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Tủa Chùa tuyển chọn được các giống đậu tương như: ĐT84, ĐT96, ĐT2001... cho vụ xuân và thu đông trên chân đất 1 vụ. Sau 3 vụ khảo nghiệm trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã xác định đậu tương ĐT84 là giống cho năng suất cao, phù hợp nhất với điều kiện sinh thái, canh tác của Tủa Chùa, năng suất trong thí nghiệm với các điều kiện khó khăn đã đạt 13 - 15 tạ/ha, trong điều kiện thuận lợi có thể đạt 22 - 25 tạ/ha.
Để phát triển cây đậu tương, huyện Tủa Chùa đã tổ chức quy hoạch vùng trồng lúa, ngô, đậu tương, phối hợp triển khai cung cấp giống và kỹ thuật canh tác cây đậu tương ĐT84 và ĐT96 cho bà con nông dân. Hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện Tủa Chùa giao kế hoạch trồng đậu tương cho tất cả 12/12 xã, thị trấn; hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón để nông dân sản xuất đậu tương ở cả 2 vụ: thu đông và xuân hè.
Xá Nhè là xã có diện tích trồng đậu tương lớn nhất của huyện Tủa Chùa. Những năm gần đây, cây đậu tương được nông dân xã Xá Nhè phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tính đến năm 2011, năng suất đậu tương bình quân ở Xá Nhè ước đạt 13,5 tạ/ha, bình quân 1ha đậu tương đem lại cho người nông dân từ 15 đến 20 triệu đồng, giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Trước kia, bà con trong xã trồng các giống đậu tương truyền thống nên năng suất thấp, chất lượng không cao. Từ năm 2008 đến nay, bà con đã trồng thử nghiệm các giống đậu tương mới như: Đ2101, ĐT 2008, ĐT 20. Tuy nhiên, giống đậu tương ĐT84 vẫn là giống được bà con trồng đại trà vì phù hợp với đất đai, khí hậu và cho năng suất ổn định nhất.
Mặc dù cây đậu tương ở một số địa phương khác trong tỉnh phát triển không ổn định, có nhiều huyện diện tích giảm đáng kể nhưng với Tủa Chùa, diện tích và năng suất cây đậu tương vẫn được duy trì, mỗi năm xấp xỉ 1.700ha. Cây đậu tương được trồng ở tất cả các xã trong toàn huyện, một số xã trồng nhiều, như: Sính Phình, Tủa Thàng, Xá Nhè và Mường Báng.
Người dân ở các xã phía nam như: Huổi Só, Tủa Thàng, Mường Đun, Mường Báng trồng đậu tương xen ngô, trồng trên đất chân ruộng 1 vụ, đất nương bạc màu trồng ven sông Đà, sông Nậm Mức... đã đem lại thu nhập đáng kể cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ông Sùng Sấu Kinh, Phó Chủ tịch UBND xã Xá Nhè cho biết thêm: Trong mấy năm gần đây, xã Xá Nhè trồng trên dưới 300ha đậu tương mỗi năm. Đảng ủy, UBND xã chúng tôi luôn vận động, khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích đậu tương. Đây là loại cây góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; năng suất và chất lượng ổn định, thu hoạch xong không phải mang đi bán đâu xa mà các doanh nghiệp thu mua cho bà con tại chỗ.
Hiệu quả của giống đậu tương mới ở Tủa Chùa đã mở ra triển vọng mới cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Cây đậu tương không chỉ cho thu nhập cao hơn một số loại cây khác mà còn là loại cây có tác dụng cải tạo đất rất tốt, phù hợp với nhiều loại đất, lại không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước.
Thực tế nhiều năm qua, cây đậu tương đã được bà con nông dân sử dụng để thay thế một số loại cây trồng truyền thống có hiệu quả kinh tế thấp. Tính riêng trong năm 2012, sản lượng đậu tương thu hoạch của huyện Tủa Chùa đạt gần 2.300 tấn. Ngoài đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ, bà con nông dân trong huyện đã bán ra thị trường 1.500 tấn đậu tương thương phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Huấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa khẳng định: Để tiếp tục phát triển cây đậu tương thì huyện sẽ sử dụng nguồn vốn 135CP giai đoạn 3; vốn Chương trình xây dựng Nông thôn mới để đầu tư máy móc bảo quản sau thu hoạch cho nông dân. Nếu cứ vận động nhân dân trồng mà không đầu tư thì khả năng cây đậu tương sẽ mai một dần.
Trở ngại lớn nhất trong sản xuất đậu tương ở Tủa Chùa là khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhất là đối với cây đậu tương vụ xuân thường thu hoạch vào giữa mùa mưa. Đồng bào khi thu hoạch đậu tương gặp thời tiết mưa nhiều, ẩm thấp lại không có sân phơi, máy sấy khô đậu tương do đó không bảo quản được lâu, làm giảm chất lượng sản phẩm; đồng thời lại bị tư thương lợi dụng ép giá nên hiệu quả sản xuất đậu tương chưa cao.
Có thể bạn quan tâm

Theo lịch thời vụ năm nay của Sở NNPTNT các tỉnh ven biển ĐBSCL, niên vụ tôm sẽ bắt đầu từ tháng 2, 3 - thời điểm thả giống tốt nhất. Tuy vậy, những ngày này, người nuôi tôm vẫn phấp phỏm lo lắng.

Chỉ có chiều dài 15 km bờ biển nhưng hàng năm tổng sản lượng đánh bắt từ biển của ngư dân huyện Gio Linh chiếm 50% toàn tỉnh Quảng Trị. Gio Linh đã mạnh lên rất nhiều nhờ khai thác thế mạnh kinh tế biển.

Nấm rơm được bà con trồng ngay trong sân vườn và tận dụng nguồn rơm từ ruộng nhà nên chi phí rất ít. Một chai meo hiện có giá từ 1.200 – 1.400 đồng, nếu ủ tốt có thể cho thu hoạch 2kg nấm. Theo tính toán của anh Danh Việt ở ấp Hoà Mỹ thì với 2.200 chai meo gia đình đang trồng, sau hơn 1 tháng chăm sóc sẽ cho thu nhập khoảng 23-24 triệu đồng. Hiện nấm rơm Định Hòa được thương lái ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua với giá từ 11.500-13.000 đồng/kg.

Bảo quản củ giống khoai tây bằng kho lạnh là biện pháp tiên tiến hiện nay, do có nhiều ưu điểm như tổn thất trong kho ít, củ giống trẻ, cây phát triển khoẻ, giảm sự thoái hoá giống, khi trồng cho nhiều củ to, tăng năng suất thu hoạch từ 10% đến 15%.

Nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người. Xây dựng một nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người là một đòi hỏi bức thiết