Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút

Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút
Ngày đăng: 08/01/2011

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kim Đâu nghèo khó, 10 tuổi, anh Lê Hữu Dũng đã phải theo cha ra đồng cày cuốc từ lúc trời chưa tảng sáng, công việc đồng áng nhọc nhằn mà đến mùa hạt lúa thu về chỉ đủ thanh toán tiền phân bón, tiền mua giống lúa, thuốc trừ sâu..., nông dân chỉ lấy công làm lãi.

 Năm 20 tuổi, anh quyết định theo học nghề thợ mộc với mong muốn kiếm được cái nghề tạm gọi là ổn định, nhưng ở làng quê này người theo nghề mộc như anh ngày một nhiều mà nhu cầu của bà con thì không nhiều hơn được là bao. Nghề thợ mộc dần trở nên bấp bênh. Luôn ấp ủ trong mình khát vọng vươn lên thoát nghèo chính đáng bằng sức lực của mình, sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ tìm kế thoát nghèo, anh Dũng quyết định nuôi thử chim cút.
 Anh phấn khởi kể về những ngày đầu khởi nghiệp của mình: "Nhận thấy nhu cầu trứng cút thị trường ở quê mình khá nhiều, nhất là vào mùa cưới hỏi, tiệc tùng, trong khi người nuôi cút ở tỉnh mình còn ít nên tôi quyết định chọn nghê này.

Mặc dù những ngày đầu còn e ngại vì ở Cam Lộ chưa có hộ gia đình nào nuôi chim cút, nhưng cứ nghĩ nếu mình quyết tâm chắc sẽ thành công. Hồi đó (năm 2002), suốt hơn 2 tháng trời, tôi lặn lội tận Thừa Thiên- Huế, tìm đến những trang trại nuôi chim cút để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi loại chim này, rồi về bàn với vợ vay 10 triệu đồng mua 1.000 con giống về nuôi lấy trứng, chưa đầy một năm vợ chồng tôi hoàn trả hết số nợ ban đầu". Ước tính thu nhập từ chim cút trong năm đầu của vợ chồng anh Dũng lên đến 50 triệu đồng. Đây là một số tiền rất lớn đối với hoàn cảnh kinh tế còn nghèo khó như gia đình anh.

Công việc làm ăn đang xuôi chèo mát mái được khoảng 2 năm, thì đùng một cái, dịch cúm gia cầm cuốn sạch cơ ngơi chim cút, làm vợ chồng anh trắng tay, nợ nần lên đến 40 triệu đồng. Những tưởng như thế đã sạt nghiệp, nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên, anh đã gượng dậy gây dựng lại cơ nghiệp.

Anh Dũng kể lại: "Cả cơ ngơi chim chết sạch, nợ nần chồng chất, thấy con cực quá, ngày mô mẹ tôi cũng khuyên hai vợ chồng đừng theo đuổi nghề nuôi chim nữa. Nhưng tôi thì nghĩ khác, làm ăn có lúc phải chấp nhận rủi ro. Cũng may là hai vợ chồng đều đồng sức, đồng lòng, cùng chung lưng đấu cật quyết tâm làm lại từ đầu nên khó khăn dần được khắc phục". Để có vốn làm lại chuồng chim cút, vợ chồng anh mua vịt về nuôi, rồi sau đo bán vịt để mua lại con giống chim cút. Cứ thế mà phát triển dần lên. Đến nay, trang trại của anh có đến 3.000 con, lúc đông nhất lên đến 4.000 con.
 Anh cho biết: "Chim cút đẻ trứng quanh năm, cứ bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi xuất bán ra thị trường 1.000 quả trứng và 300 con chim thịt. Theo thời giá hiện tại, ước tính tổng số tiền thu được mỗi ngày khoảng 500 đến 600 ngàn đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 ngàn đồng".

Không dừng lại ở đó, vợ chồng anh Dũng còn dự định mở rộng trang trại nuôi cút và xây dựng lò ấp để chủ động nguồn con giống, cũng như kịp thời cung cấp sản phẩm chim thịt đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhờ vào thu nhập từ mô hình nuôi chim cút, vợ chồng anh Dũng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, 4 đứa con được tạo điều kiện ăn học đầy đủ. Ngoài ra, anh luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ bà con trong thôn có hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm nuôi chim cút cho những hộ nông dân muốn làm theo mô hình này.

Chị Phạm Thị Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An cho biết: "Anh Dũng là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo ở địa phương, đồng thời mô hình nuôi chim cut của anh là một mô hình điểm của xã Cam An. Hiện chúng tôi đang khuyến khích hội viên mở rộng phương thức phát triển kinh tế theo mô hình này".
 Với nhu cầu thị trường lớn như hiện nay, phát triển nuôi chim cút là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Tấm gương về nghị lực vượt khó, lòng quyết tâm và sự táo bạo trong nếp nghĩ, cách làm của anh Dũng xứng đáng cho nhiều nông dân noi theo để phát triển kinh tế gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Nhân Rộng Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Kính Nhân Rộng Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Kính

Trước đây, xã Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một - Bình Dương) nổi tiếng là vùng trồng rau diếp cá. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết vào khoảng năm 2000 diện tích trồng rau diếp cá ở xã lên đến 50 - 60 ha. Từ năm 2007 đến nay, khi các dự án quy hoạch được thực hiện ở địa phương nên đa số nông dân không còn nhiều diện tích đất để canh tác. Hiện diện tích canh tác nông nghiệp của xã chỉ còn khoảng 16 ha, chủ yếu trồng các loại rau màu.

01/11/2013
Hướng Đến Chăn Nuôi Heo An Toàn Sinh Học Hướng Đến Chăn Nuôi Heo An Toàn Sinh Học

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi heo trong tỉnh Phú Yên đang từng bước hướng đến nền chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

23/07/2013
Xây Nhà Lầu Nuôi Chim Yến Xây Nhà Lầu Nuôi Chim Yến

Trong suy nghĩ của tôi, cứ tưởng rằng chim yến là loài hoang dã chỉ quen sống ở những vùng biển khơi, hải đảo… Không ngờ loài chim “quý tộc”- được xem như sứ giả của mùa xuân ấy lại có thể chọn vùng đất biên giới Tân Biên để làm chỗ “định cư”.

02/11/2013
Hướng Dẫn Hội Viên Nuôi Bò Hướng Dẫn Hội Viên Nuôi Bò

Hội ND xã Lê Chánh (thị xã Tân Châu) phối hợp cùng Phòng Kinh tế thị xã vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò cho hội viên ND.

24/07/2013
Nuôi Cá Lóc Thương Phẩm Đem Lại Hiệu Quả Cao Nuôi Cá Lóc Thương Phẩm Đem Lại Hiệu Quả Cao

Sáng 1/11, UBND huyện Tuy An tổ chức tổng kết mô hình thí điểm nuôi cá lóc thương phẩm trong bể xi măng. Mô hình do Phòng NN-PTNT huyện Tuy An thực hiện và chọn hộ gia đình ông Trần Văn Tý ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ tham gia.

04/11/2013