Phụng Công, xã tỷ phú nhờ hoa
Xã Phụng Công, huyện Văn Giang (Hưng Yên) là địa phương điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập kinh tế cao nhờ nghề trồng hoa.
Làng nghề trồng hoa cây ảnh xã Phụng Công hiện có gần 1.800 hộ tham gia làm nghề. Ảnh: Hoàng Dân.
Để có được thành công như ngày hôm nay, chính là nhờ những người nông cần cù, chịu khó, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, luôn luôn học hỏi, tìm hiểu để cho trồng những loại hoa chất lượng cao, đồng thời nhạy bén với thị trường vì thế đã hình thành những cánh hoa cho thu tiền tỷha canh tác.
Năm 2018, UBND tỉnh Hưng Yên công nhận xã Phụng Công (Văn Giang) là làng nghề trồng hoa cây cảnh. Đây là một trong 2 làng hoa lớn nhất tỉnh bên cạnh làng hoa Xuân Quan. Toàn xã, có 80% số hộ tương đương gần 1.800 gia đình đang làm nghề trồng hoa cây cảnh đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Anh Phạm Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết: “Nếu như trước năm 2010, xã Phụng Công chỉ có khoảng 30% số hộ làm hoa, cây cảnh với diện tích 30ha từ năm 2010 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi từ đất bãi trồng ngô sang trồng hoa từ đó tập trung thành vùng chuyên canh sản xuất hoa với hơn 100ha. Thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh đạt 800 triệu đến 1,5 tỷ/ha. Giá trị canh tác ngày càng tăng do người nông dân nơi đây mạnh dạn tiếp thu cái mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, vận dụng kinh nghiệm và tay nghề cao của mình để nâng cao giá trị và đa dạng sản phẩm hoa, cây cảnh”.
Gia đình chị Vũ Thị Phượng là một điển hình trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng hoa. Trước đây, chị cũng như nhiều hộ dân chỉ tập trung trồng các loại hoa truyền thống của địa phương như: trạng nguyên, hải đường, trà. Sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm trồng hoa, năm 2017 chị Phượng là người đầu tiên ở Phụng Công chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao với cây hoa lan Hồ Điệp.
Chị Phượng đã đầu tư 2 tỷ đồng để làm hệ thống nhà lưới, nhà kính đạt chuẩn phù hợp với cây lan Hồ Điệp, đồng thời 2 vợ chồng chị đi học tập phương pháp trồng hoa lan trong nhà lạnh tại học viện nông nghiệp Việt Nam và đi tham quan, học hỏi tại các làng hoa trong Đà Lạt để áp dụng vào trang trại hoa của mình.
Chị Phượng chia sẻ: “Hiện nay mô hình trồng hoa làn của gia đình rộng 4000m2 với 4 khu nhà lưới, nhà kính, trồng và bán hoa quanh năm. Mỗi năm bán ra thị trường từ 5 đến 6 vạn cây lan Hồ Điệp, giá trung bình 120.000đ/một cây, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động”.
Luôn luôn tìm tòi, đưa vào trồng những giống hoa mới để cây hoa cho giá trị cao hơn cũng là cách mà ông Cao Văn An đang áp dụng cho vườn hoa rộng hơn một mẫu của gia đình mình. Người nông dân này tự tay lai ghép thành công nhiều loại hoa hồng ngoại trên chính đồng đất quê mình.
Ông An đã tìm tòi, sáng tạo một quy trình lai ghép hoa chuẩn: đó là ghép cành hoặc ghép mắt hoa hồng ngoại vào cây hoa hồng truyền thống của địa phương. Cách làm này vừa giúp cây hoa hồng ngoại sinh trưởng và phát triển tốt vừa chủ động được giống, không phải mất chi phí nhập giống hoa ngoại.
Đưa cây hoa hồng ngoại về đồng đất Phụng Công giúp nâng cao giá trị canh tác, một chậu hồng ngoại có giá cao hơn từ 2 đến 3 lần so với hoa hồng nội , mặt khác người nông dân nơi đây được cập nhật, tiếp cận với các loại hoa trên thế giới và phương pháp trồng hoa hồng hiện đại
Cách vườn của ông An không xa là vườn của anh Trịnh Thành Long, anh Long có hướng đi mới cho riêng mình đó là “biến” những cây hoa giấy màu hồng truyền thống thành những cây hoa giấy ngũ sắc lạ mắt và rực rỡ sắc màu. Anh nông dân mê hoa đã bỏ nhiều công sức để lai ghép, tạo tác ra những cây hoa giấy đẹp, giá trị kinh tế cao
Mặc dù vườn hoa nhà anh Long chỉ rộng gần 1000m2 song giá trị kinh tế từ cây hoa giấy ngũ sắc đem lại khá cao bởi hiện nay loại cây cảnh này đang được thị trường ưa chuộng, dễ tiêu thụ và được giá.
Từng có hơn chục năm gắn bó với cây trà tại cánh đồng vùng bãi này, anh Chử Văn Biên được mệnh danh là vua trà đất Phụng Công bởi anh trồng nhiều trà và có kỹ thuật tạo tác cây vào loại nhất nhì trong xã. Qua bàn tay của anh những cây trà được tạo thế đẹp, độc, lạ.
Cây trà là cây được trồng nhiều nhất ở cánh đồng xã Phụng Công, tuy nhiên không phải ai cũng có con mắt thẩm mỹ, trí tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo léo như anh Biên. Một cây trà trồng tự nhiên chỉ có giá bán từ 200 đến 1 triệu đồng nhưng cây trà bonsai, trà thế tại vườn nhà anh Biên có cây lên tới hàng trăm triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Công Phạm Văn Sáng tự hào nói: “Chuyện 1ha canh tác cho thu từ 1 đến 2 tỷ/năm là điều không lạ ở Phụng Công. Trong tương lai gần, xã Phụng Công đang hướng tới xây dựng thương hiệu làng hoa, vừa phát triển sản xuất vừa thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm”.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi cá lồng kết hợp với du lịch trải nghiệm, giúp nhiều hộ dân sống xung quanh lòng hồ thủy điện Hòa Bình nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nếu đầu tư bài bản, đảm bảo kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh, nuôi thỏ cho lợi nhuận không hề thấp.
Trồng cây sắn, cây mía luôn bấp bênh đã khiến anh Nguyễn Văn Bính quyết tâm trồng nấm sò, làm giàu ngay trên quê hương mình.