Vươn Lên Khá Giàu Từ Nuôi Bò Lai Và Trồng Rừng
Nói về những người nông dân vươn lên làm ăn khá giàu từ nuôi bò, trồng keo lai ở thôn Gia Vấn (xã Mỹ Hòa - huyện Phù Mỹ - Bình Định), phải kể đến ông Hà Văn Ba.
Gia đình ông Ba “đùm túm” từ thôn Mỹ Hội 1 (xã Mỹ Tài) lên đất Gia Vấn này lập nghiệp cũng đã khá lâu. Bên cạnh làm ruộng để có gạo nấu; đào ao trong vườn thả cá; rồi trồng rau màu lấy thức ăn và bán để tích cóp thêm cho cuộc sống, ông bà tận dụng và phát huy quỹ đất khá rộng ở đây để nhen nhúm nuôi 1 - 2 con bò cỏ dưới tán vườn điều…
Sau khi kiên trì theo đuổi phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông mạnh dạn chuyển sang nuôi bò lai, rơm ruộng lúa kết hợp trồng cỏ voi cho bò ăn, gạo có dư thì nấu cháo, trộn với cám cho bò sinh sản uống, lấy sức khi bò có chửa, khi bò sinh đẻ, nên hàng năm mỗi bò cái sinh một bê con khỏe, chắc, chóng lớn, bán giống rất chạy, mà cao tiền, nên có năm bán vài nghé giống đã thu 70- 80 triệu đồng, có năm thu về cả trăm triệu đồng, giờ cả đàn bò lai hiện vẫn còn 20 con lớn nhỏ.
Bà Võ Thị Chí, vợ ông Ba, đang cắt cỏ voi trong vườn nhà cho bò ăn, bộc bạch: “Nhà tui trồng 3 sào cỏ voi, cắt cho bò ăn rồi, bón phân, tưới nước, cứ vậy mà vẫn không kịp cho bò cái sinh sản và bê con ăn, chứ bò thịt thì họa hoằn khi thúc vỗ béo để bán thì mới cho ăn cỏ voi. Mình lo cho bò chu đáo, mà lo cho nó chu đáo chừng nào thì nó lại cho mình thu nhập cao chừng nấy”.
Cùng với nuôi bò, từ buổi đầu đặt chân lên đây, ông Ba đã trồng vài ha điều, nhưng hiệu quả không cao, nên từng bước chuyển sang trồng keo, kết hợp tận dụng thêm đất rừng từ các chương trình, dự án của nhà nước đầu tư phát triển được 10 ha keo lai. Hiệu quả từ trồng rừng rất rõ rệt, ông đã xuất bán một số diện tích rừng đến kỳ thu hoạch, đem về mấy trăm triệu đồng, số còn lại giá trị cũng trên nửa tỉ đồng.
Hơn chục năm qua, từ nuôi bò, nhất là bò lai, chủ yếu bán bê giống, gia đình ông Ba có thu nhập khá cao, ngoài việc lo 7 người con ăn học, dựng vợ gả chồng, đầu tư mua sắm đất đai, rẫy rừng cho con cái…, vợ chồng ông còn dành một phần tiếp tục xây dựng trang trại, gồm đào hai ao nuôi cá, chuyển dần diện tích điều kém hiệu quả sang trồng keo lai kết hợp phát triển đàn bò lai chất lượng tốt hơn.
Ông vừa đầu tư hàng trăm triệu đồng làm chuồng trại chăn nuôi bò kiên cố, quy mô, nhiều gian rộng thoáng, có chỗ đi lại, có máng ăn, có chậu nước uống cho riêng từng con bò và hệ thống nước rửa chuồng mỗi sáng sau khi bò đi ăn…
Tạm biệt trang trại của ông Ba, chúng tôi tin rằng, gia đình ông sẽ có những mùa thu hoạch tốt hơn trên con đường vươn lên khá giàu từ nuôi bò, trồng rừng kinh tế...
Có thể bạn quan tâm
Nhiều năm qua, ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) không xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc. Để có địa bàn “sạch bệnh” các ngành, các cấp, người dân ở đây đã triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp phòng bệnh.
Thời gian qua, nhiều nông dân thu hoạch mủ cao su theo kiểu tận thu, dẫn đến vắt kiệt sức cây cao su. Bên cạnh đó, việc chăm sóc vườn cao su chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện dự án liên tục đến năm 2017.
Đối với người làm kinh tế, doanh nhân và nhà quản lý, đôi khi những yếu tố, vấn đề rất xa nhau, tưởng chừng không có liên hệ gì với nhau, nhưng thực ra lại có mối liên hệ rất mật thiết, cái này chi phối quyết định cái kia và ngược lại.
Hiện do thời tiết thất thường, các loại sâu bệnh sẽ có cơ hội phát triển mạnh, gây hại cây tiêu. Trạm BVTV huyện khuyến cáo bà con trồng tiêu thường xuyên kiểm tra, vệ sinh vườn nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.