Đầu tháng tư âm lịch, người nuôi tôm ở Phú Thuận đã hoàn tất việc vệ sinh nền đất, tu sửa bờ bao vuông ruộng và bắt đầu thả con giống dự kiến khoảng 337 héc-ta. Đây là vùng nuôi tôm càng xanh lớn nhất của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang, với mô hình “1 vụ lúa + 1 vụ tôm” hơn 10 năm nay.
Kết thúc vụ tôm trên chân ruộng năm 2011, 112 hộ nông dân ở Phú Thuận rất phấn khởi, bởi thắng lợi lớn cả về diện tích, năng suất và sản lượng; đặc biệt là bán được từ 220.000đ – 230.000đ/kg, giá cao nhất từ trước đến nay. “Nhờ tôm bán được giá cao, sau khi hạch toán chi phí, có thể lãi năm mươi phần trăm; còn hộ nào tốn nhiều chi phí, mỗi ký cũng kiếm lãi được từ ba mươi lăm đến bốn mươi phần trăm” – ông Văng Công Hường, vui mừng cho hay. Khâu tiêu thụ tôm ở Phú Thuận lệ thuộc vào bạn hàng và đầu mối quen biết. Song, mùa nước rút năm rồi và những ngày cận Tết Nhâm Thìn, sức hút thị trường có mạnh hơn và đẩy giá mua lên “ngất ngưỡng”. Còn ông Đặng Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thuận nói vui: “ Năm vừa rồi, người nuôi tôm ở đây trúng đậm, ông nào ông nấy tiền vô bạc tỷ”.
Thắng lợi vụ tôm, không chỉ có người nuôi mừng, mà lãnh đạo xã cũng cảm thấy vui lây. Bởi lẽ, nó trải qua quá trình “giằng co” giữa con cá tra và tôm càng xanh trên vùng đất này, trong khi có biết bao kỳ vọng giữ được mô hình “1 vụ lúa + 1 vụ tôm” của nhiều cá nhân và tập thể dày công gầy dựng. Theo anh Phùng Duy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã, năm 2011 Phú Thuận thả nuôi được 372,6 héc-ta và năm 2012 kế hoạch duy trì khoảng 337 héc-ta. Đến đầu tháng 5 này, có 31 hộ thả tôm giống nuôi được 72 héc-ta, thời vụ trung bình hơn 15 ngày. Nhiều người nuôi cho biết, do nhuần hai tháng tư âm lịch, ai nấy cũng đang nấn ná, vả lại thấy thời tiết còn nắng nóng sợ tổn thương con giống và ngại vất vả trong khâu chăm sóc. Năm nay, con giống đều mua từ Lấp Vò, Cao Lãnh và một số ít do Đại học Cần Thơ cung cấp.
Năm 2012 này, vùng tôm Phú Thuận có thêm nét mới, đó là mô hình nuôi tôm càng xanh chất lượng cao do Trung tâm Giống thủy sản An Giang và Đại học Cần Thơ tổ chức phục vụ “1 vụ lúa + 1 vụ tôm”, bước đầu chọn ra 6 hộ với 15 héc-ta để triển khai và được hỗ trợ 50% chi phí (tương ứng với 1 hộ/1 héc-ta/50 triệu đồng). Ông Văng Công Hường là 1 trong 6 người vừa đi tập huấn về cho biết, cách làm mới hay ở chỗ là thả con giống mật độ dày và khoanh khu vực nuôi với diện tích nhất định, sau đó 75 đến 90 ngày tuổi bắt đầu phân loại cái và đực tách riêng sẽ cho năng suất rất cao. “Trước đây, người nuôi tôm Phú Thuận cũng đã mần tương tự, hiệu quả tốt. Nếu tính nội phần tôm cái tách ra và đem bán cũng đủ lấy lại chi phí. Song do thả mật độ thưa, năng suất thấp” – ông Hường thừa nhận.
Nằm trên tuyến kênh Sua Đũa, ông Văng Công Trân có 3 héc-ta và thả tôm giống khoảng 15 ngày tuổi. Hỏi về vốn cho sản xuất năm nay, ông thẳng thắn: “Con giống trả chậm, thức ăn và thuốc đều có sẵn. Lúc nào cần tiền, chạy ra Phú Hòa sẽ được ngân hàng hỗ trợ. Nhưng, không gấp”. Hàng năm, ông Trân vay khoảng 200 triệu đồng để nuôi tôm, trả lãi và hoàn vốn đúng hạn, là khách “thân tín” của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thị trấn. Khi đề cập vấn đề này, ông Trần Văn Săn, người nuôi tôm cũng không giấu giếm, vốn vay sử dụng đúng mục đích và làm ăn có hiệu quả, nhất định phía ngân hàng sẽ tạo điều kiện. Qua triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh chất lượng cao, đầu tư 1 héc-ta lên đến 100 triệu đồng, tăng trên 3 lần so với 10 năm trước; do vậy đối với người nuôi tôm có diện tích lớn thì vốn trở nên nhu cầu cấp thiết hơn.
Thực tế cho thấy, trúng vụ tôm năm ngoái đã kích thích tâm lý người nuôi có sự chuẩn bị tốt bước vào vụ mới. Thế nhưng, tại vùng tôm Phú Thuận vẫn còn những mảng “da beo” lúa – tôm xen kẽ, còn kênh Sua Đũa – nơi duy trì vùng nuôi (15 hộ) lại cạn kiệt, gây không ít băn khoăn về môi trường nước và thuốc trừ sâu tác động đến con tôm.