Đất Lạ Cho Khoai
Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng quy trình tạo “đất lạ” cho khoai lang Nhật tăng năng suất và chất lượng, đáp ứng tại chỗ nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.
Hàng chục năm làm “nghề trồng trọt”, anh Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên (gọi tắt là Công ty Đà Lạt Tự Nhiên) “nhận biết” rằng, vùng đất Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đà Lạt rất thích hợp để trồng và phát triển vùng nguyên liệu khoai lang Nhật đạt chất lượng cao, nhưng diện tích và năng suất lại giảm dần trong vòng 3 năm trở lại đây.
Anh đúc kết 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là: Thứ nhất, do người sản xuất tự giữ lại nguồn giống đã thoái hóa (để lại phần thân dây hoặc củ của mùa trước để xuống giống cho mùa sau); thứ hai, việc cải tạo đất chưa đảm bảo các yêu cầu của “đất lạ” cho khoai lang sinh trưởng tốt nhất (theo kinh nghiệm truyền thống “khoai đất lạ, mạ đất quen”).
Để góp phần phục tráng giống khoai lang Nhật trên đất Lâm Đồng, đầu năm 2010, Công ty Đà Lạt Tự Nhiên đã dành 1.000m2 đất tại thôn Phú Trung, xã Phú Hội (Đức Trọng) để trồng thực nghiệm cây giống cấy mô tự sản xuất từ cây đầu dòng sinh trưởng tốt nhất. Sau 2 vụ thu hoạch, tháng 8/2010, công ty đã đưa ra “công thức mẫu” hợp tác với 4 hộ nông dân các huyện, thành nói trên ở Lâm Đồng, cùng tiến hành trồng 4ha khoai lang Nhật giống cấy mô của công ty. Hợp đồng hợp tác với các phần trách nhiệm gồm: Công ty cung cấp giống cấy mô sạch bệnh, thực hành kỹ thuật chuyên sâu và bao tiêu sản phẩm; hộ nông dân bố trí đất sản xuất, công lao động và nguồn vốn để mua vật tư, phân bón….
Trong 4ha diện tích mô hình nói trên gồm 2ha đất đang chuyên canh các loại cây hoa màu và 2ha đất trồng khoai lang Nhật vụ trước. Trong vụ mùa 4 tháng đầu tiên, công ty triển khai các biện pháp tuần tự như cải tạo đất tơi xốp và làm vệ sinh đất sạch sẽ; tiến hành bón vôi lót, bón phân đa lượng kết hợp với phân trung, vi lượng theo từng “công thức” phối trộn mới, xuống cây giống trên từng luống đất với mật độ thích hợp… đã đạt năng suất thu hoạch trên dưới 25 tấn/ha, tăng hơn từ 5 - 10 tấn so với vườn khoai lang Nhật giống cũ, canh tác bằng các biện pháp thông thường.
Công ty Đà Lạt Tự Nhiên đã thu mua tất cả 100 tấn khoai lang Nhật theo thỏa thuận liên kết với nông dân, trong đó chiếm 70% sản phẩm xuất tươi sang thị trường Singapore; 30% sản phẩm còn lại được chế biến sấy khô, sấy giòn, ướp dẻo, đông lạnh… xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc.
Đến cuối năm 2011, dây chuyền chế biến khoai lang xuất khẩu của công ty tiếp tục được nâng cấp thiết kế, lắp đặt khép kín với tổng trị giá khoảng 10 tỷ đồng, đạt công suất 1.500tấn thành phẩm/năm (Trung bình 100 tấn khoai lang tươi chế biến thành 15 tấn sản phẩm khoai lang khô, giòn, dẻo…).
Bước sang năm 2012, công ty đã mở rộng hợp tác với nông dân Lâm Đồng và nông dân tỉnh Đắk Nông, cải tạo khoảng 12 ha “đất lạ” để trồng khoai lang Nhật, bao tiêu tổng sản lượng thu hoạch 300 tấn, sau đó xuất khẩu sản phẩm tươi và chế biến sang thị trường các nước châu Á. Và 11 tháng đầu năm 2013, bên cạnh các đối tác quen thuộc ở Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, công ty tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm khoai lang Nhật của nông dân Lâm Đồng và một phần của nông dân Đắk Nông, trung bình mỗi tháng tiêu thụ bằng cả năm 2012 - khoảng 300 tấn. Công ty đã chế biến và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường hợp tác mới khá nghiêm ngặt về chất lượng như Nhật và châu Âu.
Bởi trong thời điểm đó - vào ngày 6/10/2013, sản phẩm khoai lang đông lạnh và khoai lang sấy khô của Công ty Đà Lạt Tự Nhiên đã được “bảo chứng” khi chính thức được Tập đoàn BSI (Vương quốc Anh) cấp Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với các yêu cầu của hệ thống ISO 22000:2005, có hiệu lực trên toàn cầu trong 3 năm.
Kế hoạch sản xuất năm 2014 của Công ty Đà Lạt Tự Nhiên sẽ tiếp tục xây dựng mới một dây chuyền chế biến khoai lang Nhật theo công nghệ hiện đại, đạt công suất 40 tấn thành phẩm/tháng. Có thêm một dây chuyền tự động hóa vận hành, công ty đang đàm phán để được đầu tư giống cấy mô mới và kỹ thuật chuyên sâu cùng với nông dân Lâm Đồng ổn định quanh năm vùng nguyên liệu khoảng 100ha “đất lạ” để trồng khoai lang Nhật chế biến xuất khẩu, thu về khoản “lãi ròng” cho người trồng trên dưới 300 triệu/ha/năm.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 18.7, tại Long Xuyên (An Giang), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông (Sở NNPTNT An Giang) tổ chức Diễn đàn “Phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học”.
Vài ngày gần đây, trên địa bàn xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh), hàng vạn con tôm sú bỗng dưng bị chết, gây lo lắng cho các hộ nuôi trên địa bàn.
Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.
Từ TP Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), chúng tôi vượt qua 52 km đường nhựa, chạy về hướng đi Nha Trang quanh co đồi núi uốn lượn. Được chỉ dẫn tận tình của bà con, chúng tôi đến ngôi nhà ba tầng của hộ trồng vải đầu tiên ở xã Ea Kaly, huyện Krông Păk.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang vừa triển khai dự án nuôi cá và tôm càng xanh trên ruộng lúa cho 5 hộ dân ở xã Trường Long Tây, Trường Long A và thị trấn Bảy Ngàn. Trong đó, có 2 hộ nuôi tôm càng xanh và 3 hộ nuôi cá ruộng với tổng kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng.