Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng Nguyên Liệu Mía Bỏ Thì Thương, Vương Thì… Khó!

Vùng Nguyên Liệu Mía Bỏ Thì Thương, Vương Thì… Khó!
Ngày đăng: 02/10/2014

Hiệu quả kinh tế cây mía không cao, chính sách đầu tư, mua nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) chưa đáp ứng được yêu cầu của nông dân, nên nhiều nông hộ đã “chia tay” với cây mía.

Diện tích mía giảm mạnh

Trước đây, dọc theo tuyến quốc lộ 19 từ xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) đến xã Tây Giang (Tây Sơn) là những cánh đồng mía bạt ngàn. Bây giờ, trên những cánh đồng vẫn còn đó màu xanh, nhưng chủ yếu là của lúa, mì, bắp… Có vùng đất trước đây trồng mía, nay người dân đã trồng mì, đậu phụng, keo lai…

Ông Võ Đình Bảy, ở thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang, bộc bạch: Trồng mía rất vất vả, lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nên thu nhập thấp và không ổn định. Năm nào mưa thuận gió hòa, cây mía phát triển tốt thì còn có lãi chút đỉnh, nếu gặp nắng hạn kéo dài như năm nay thì cả làng cùng buồn. Riêng gia đình ông có 8 sào mía, nhưng có 70% diện tích đã bị chết do nắng hạn, diện tích còn lại thì èo uột, hơn 7 tháng mà mới cao được 1 m, vụ này chắc chắn thất thu rồi.

Ruộng mía của hộ ông Nguyễn Hùng, ở cùng thôn Tả Giang 2, cũng bị chết rất nhiều. “10 sào mía lưu gốc của tui bị chết quá nhiều, sản lượng chắc chắn sẽ giảm mạnh. Trường hợp có mía để bán cũng chưa biết bán cho ai, giá cả thế nào, vì đến nay BISUCO vẫn chưa thông báo cụ thể kế hoạch mua mía, giá mía như thế nào, để bà con chúng tôi định liệu. BISUCO làm ăn tắc trách quá, muốn chúng tôi gắn bó với Công ty cũng khó” - ông Hùng tâm sự.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang, cho biết: Nông dân ở địa phương đã gắn bó với cây mía từ lâu, cây mía cũng đã mang thu nhập đáng kể cho bà con. Tuy vậy, mấy năm gần đây chi phí sản xuất (phân bón, công làm cỏ, tiền công thu hoạch, vận chuyển) đều tăng, trong khi giá mía nguyên liệu tăng không đáng kể, nên thu nhập từ cây mía thấp.

Đã vậy, việc mua mía, trả tiền mua mía của BISUCO quá chậm khiến nông dân bất bình, nhiều hộ đã phá bỏ mía, chuyển sang các loại cây trồng khác. Diện tích mía còn lại của xã là 405 ha (chủ yếu là mía lưu gốc) đã bị chết 100 ha do nắng hạn, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sắp đến chắc chắn diện tích mía của xã sẽ giảm nhiều.

Nói về tương lai cây mía ở Tây Sơn, ông Phùng Ngọc Chí, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: Chủ trương của huyện là duy trì vùng nguyên liệu mía khoảng 1.500 ha, nhưng rất khó thực hiện được, bởi hiệu quả kinh tế cây mía thấp, trong khi đó BISUCO chưa thực sự quyết tâm duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía ở Tây Sơn.

Nhiều tháng qua, lãnh đạo BISUCO không hề liên hệ với ngành Nông nghiệp huyện để bàn giải pháp duy trì diện tích mía. Chính quyền và nông dân các địa phương trong vùng nguyên liệu mía cũng không biết kế hoạch đầu tư, mua nguyên liệu của BISUCO trong niên vụ 2014-2015 để có kế hoạch sản xuất cụ thể.

Không riêng gì Tây Sơn, diện tích mía ở Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Vân Canh cũng giảm mạnh. Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, năm 2013 diện tích vùng nguyên liệu mía của BISUCO trên địa bàn tỉnh là 2.819 ha, nhưng đến nay chỉ còn 1.650 ha; trong đó Tây Sơn còn 800 ha, giảm 719 ha so với cùng kỳ năm trước; Vĩnh Thạnh 313 ha, giảm 80 ha; Vân Canh 224 ha, giảm 150 ha, An Nhơn 150 ha, giảm 117 ha.

Vụ ép mới sẽ khó khăn

Cuối tháng 10 hàng năm, BISUCO sẽ vào vụ ép mía mới. Trước đó khoảng 1 tháng, doanh nghiệp này đã công bố kế hoạch mua, giá mua mía cho ngành chức năng, chính quyền và nông dân các địa phương biết để chủ động phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên đến nay, công tác nói trên vẫn chưa được BISUCO triển khai. PV Báo Bình Định đã liên hệ làm việc với lãnh đạo BISUCO, nhưng đã bị từ chối.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ đầu năm đến nay BISUCO không thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư trồng mía cho nông dân. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nông dân không còn mặn mà với cây mía.

Được biết, do không tìm được nguồn vốn đầu tư nên đến nay Dự án nâng cấp công suất nhà máy đường từ 3.000 tấn mía/ngày lên 5.500 tấn mía/ngày của BISUCO vẫn chưa xong.

Tiền nợ thủy lợi phí năm 2013 và 2014 trên 2 tỉ đồng cũng chưa được BISUCO hoàn trả cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định.

Theo Sở Công Thương, nhu cầu vốn cho vụ ép mới 2014-2015 (tiền mua mía, tiền mua bao bì, vật tư, hóa chất, lương công nhân) khoảng 90 tỉ đồng, nhưng đến nay BISUCO vẫn chưa tìm được nguồn vốn vay. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh từ chối không cho BISUCO vay vốn.

Với tình hình trên, niên vụ ép mía 2014-2015, hoạt động sản xuất kinh doanh của BISUCO chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Công tác mua mía, thanh toán tiền mua mía cho nông dân trong niên vụ 2014-2015 cũng là bài toán khó đối với doanh nghiệp này.

Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Khó khăn về tài chính thì BISUCO phải tự giải quyết. Đối với việc khôi phục và duy trì vùng nguyên liệu mía, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với BISUCO thực hiện, nhưng trước hết BISUCO cần phải chứng minh cho nông dân thấy hiệu quả kinh tế của cây mía và sự quyết tâm thực sự của Công ty trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đảm bảo lợi ích của bà con.

Khi hiệu quả kinh tế của cây mía cao, lợi ích của người trồng mía được bảo đảm, thì việc vận động nông dân trồng mía sẽ dễ dàng hơn. Trường hợp việc sản xuất và mua mía nguyên liệu của BISUCO gây bất lợi cho nông dân, chúng tôi sẽ thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng mía, nhằm đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Theo Đề án rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh đến năm 2020 của UBND tỉnh, diện tích mía tại Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, An Nhơn là 6.000 ha. Trong đó, huyện Tây Sơn 2.700 ha (mở rộng 1.661 ha); Vân Canh 1.200 ha (mở rộng 998 ha); Vĩnh Thạnh 785 ha (mở rộng 416 ha); Phù Cát 640 ha (mở rộng 416 ha) và thị xã An Nhơn 675 ha (mở rộng 415 ha). Tuy nhiên, mục tiêu nói trên rất khó thực hiện, bởi diện tích mía tại các địa phương đã và đang giảm mạnh.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu hồ tiêu tạo đột phá trong chế biến Xuất khẩu hồ tiêu tạo đột phá trong chế biến

Năm 2015, sản lượng hồ tiêu ước đạt khoảng 126.000 tấn, giá trị xuất khẩu (XK) khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại, tiêu chưa xay của Việt Nam chiếm đến 83% các mặt hàng hồ tiêu, cho nên giá trị đem lại chưa cao.

29/06/2015
Nông nghiệp Bắc Quang dấu ấn một nhiệm kỳ Nông nghiệp Bắc Quang dấu ấn một nhiệm kỳ

Song hành với vai trò là “Vùng động lực” trong phát triển KT-XH của tỉnh, Bắc Quang là huyện ít nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhưng chính điều đó đã trở thành cơ hội để huyện Bắc Quang bứt phá, tạo dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (SXNN) bằng chính nội lực của mình.

29/06/2015
Vượt khó sản xuất hè thu Vượt khó sản xuất hè thu

Vụ hè thu 2015, huyện Hương Sơn đặt kế hoạch gieo cấy 2.400 ha, nhưng do hạn hán, đỉnh điểm, kéo dài nên rút xuống còn 1.588 ha. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác chống hạn, Hương Sơn thực hiện vượt kế hoạch điều chỉnh, gieo cấy đạt trên 1.800 ha, đồng thời, gieo trỉa được 1.900 ha đậu, 500 ha ngô. Những kết quả đó đã phản ánh sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

29/06/2015
Tìm đầu ra cho hạt gạo Tìm đầu ra cho hạt gạo

Rớt thầu Philippines, gạo thơm đang xuất hiện thêm đối thủ khó chịu là Myanmar đang đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt trên thương trường. Không chỉ là chọn gạo thơm hay chăm bẳm vào gạo phẩm cấp thấp, chuyện xác lập những phân khúc xuất khẩu gạo của Việt Nam cần đặt trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải làm lại từ khâu giống đến việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

29/06/2015
Rau an toàn Tứ Xã hướng đi chưa bền vững Rau an toàn Tứ Xã hướng đi chưa bền vững

Sản xuất rau là nghề truyền thống và thế mạnh của xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Qua sản xuất, nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong luân canh, xen canh rau màu và việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT) là định hướng phát triển lâu dài của nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, mô hình trồng RAT tại Tứ Xã được triển khai từ năm 2006, đến nay vẫn chưa thực sự có một hướng đi bền vững.

29/06/2015