Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vui Buồn Trên Cánh Đồng Nghêu

Vui Buồn Trên Cánh Đồng Nghêu
Ngày đăng: 15/05/2012

Cơ cực nghề cào nghêu.

Đã thành lệ, cứ đến tháng 5, tháng 6, khi vào mùa thu hoạch nghêu, hàng ngàn người dân ở các huyện Bình Đại, Thạnh Phong (Bến Tre) lại rủ nhau đi cào nghêu giống. Tuy nhiên, thay vì được hưởng niềm hạnh phúc thu lợi từ biển, năm nay, nông dân nơi đây phải mang tiếng là “nghêu tặc”.

Xóm “nghêu tặc”

Men theo Quốc lộ 57, từ phía bờ Nam cầu Rạch Miễu (TP. Bến Tre), chúng tôi tới bãi biển Thạnh Phong khi trời đã xế trưa. Dọc con đê ven biển, phía sau những hàng mắm, bần, trang chắn sóng là bãi cát dài mịn trắng với hàng trăm con người đang thi nhau hụp lặn.

Nằm ngay ở cửa Hàm Luông là một xóm nghèo với khoảng 90 hộ dân, chuyên sinh sống bằng nghề chài lưới, bắt cua, ghẹ, xóm còn có tên gọi khác là “nghêu tặc” vì hầu hết dân cư ở đây đều đi cào nghêu. Chị Nguyễn Thị Đào, người dân trong xóm tâm sự, sáng sớm, chị đã phải gửi con cho mẹ rồi theo mấy chị em trong xóm đi cào nghêu. Nếu chăm chỉ, một ngày cũng kiếm được 100.000 – 120.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Chị Đào cũng biết cào nghêu là vi phạm pháp luật nhưng người dân ở đây bao đời chỉ sống dựa vào biển nên không có nghề nào khác. Hơn nữa, cào nghêu chẳng cần vốn liếng gì nhiều, chỉ một chiếc cào sắt và cái bao tải là xong. Đến trưa, mang lên bờ cân cho các chủ vựa là có tiền. “Không riêng gì tôi, tất cả phụ nữ, trẻ con, người già trong xóm đều tranh thủ đi cào nghêu. Nhiều thì kiếm vài trăm, không cũng vài chục nghìn đồng một ngày, ở nhà thì có mà chết đói”, chị Đào nói.

Theo ông Phạm Văn Bên, 61 tuổi, nghêu là tài sản của thiên nhiên ban tặng cho địa phương, bao đời nay, người dân quanh vùng Thạnh Phong vẫn sống nhờ nguồn lợi này. Bỗng dưng nay họ bị cho là “nghêu tặc” khiến nhiều người bức xúc. Cũng vì tranh chấp nghêu mà nhiều người đã phải vào tù vì tội chống người thi hành công vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương đã thành lập các hợp tác xã nghêu theo kiểu góp tiền khai thác. Nghĩa là, xã viên góp tiền và khai thác chung rồi chia phần trăm theo số tiền đóng góp. Vấn đề nảy sinh là, từ bao đời nay, cuộc sống của những nông dân ở đây chỉ trông chờ vào một vụ nghêu chừng 3 tháng, nay bắt họ đóng hàng chục triệu đồng thì lấy đâu ra tiền. Thế nên, nguồn lợi hải sản trời ban lại rơi vào túi các ông chủ nhiều tiền ở các địa phương khác vì họ mua được những bãi lớn. Còn những nông dân nghèo, không có đất canh tác, sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ biển, nay bỗng dưng không có chỗ mưu sinh. Thế nên, dù biết là sai, họ vẫn phải ra biển, dầm mình xuống bãi kiếm cơm.

Niềm vui nhỏ nhoi

Gần 10 năm trở lại đây, nghêu trở thành vật nuôi có giá trị kinh tế nhưng do chưa nhân giống bằng phương pháp nhân tạo được nên nghêu giống ngoài tự nhiên là nguồn cung cấp duy nhất. Chính vì thế, từ một nguồn lợi chỉ thuộc về những hộ dân nghèo, ít người chú ý thì nay, nghêu được coi là mỏ “vàng trắng” của những địa phương ven biển, thu hút nhiều người tham gia đánh bắt, khai thác và nuôi trồng.

Nhân lúc nghỉ tay trên bãi biển, anh Nguyễn Tấn Kiên ở xã An Nhơn (Thạnh Phong) cho biết: “Nghề cào nghêu này khá cực, nhưng may mắn là có tiền. Hiện nay, đang đầu mùa, giá nghêu giống khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg. Nếu chịu khó, một ngày có thể kiếm cả 200.000 – 300.000 đồng. “Tôi và vợ thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để đi cào bởi sau một đêm, cát lắng xuống cũng là lúc nghêu dày hơn. Suốt mấy chục kilômét bờ biển ở đây đều có nghêu giống cả. Những nơi nào có chòi canh là của hợp tác xã, còn lại, bà con vẫn có thể khai thác tự do. Tuy nhiên, nhiều người vì ham nên lấn sang bên của hợp tác xã và xảy ra xô xát. Vả lại, nếu không khai thác thì mai mốt lớn, nghêu cũng trở về biển hết”, anh Kiên tiết lộ.

Trong những lao động cào nghêu ở đây, chúng tôi bắt gặp nhiều học sinh tranh thủ ngày nghỉ đi kiếm tiền giúp gia đình. Em Bùi Văn Hoàn, lớp 7, Trường Trung học cơ sở Thạnh Hải tâm sự: “Thấy mấy cô chú cào nghêu có tiền nên con cũng làm theo. Chẳng thấy vất vả gì mà ngày nào cũng được gần trăm ngàn mang về cho mẹ mua gạo. Ở đây không riêng gì con mà nhiều bạn trong ấp cũng đi cào nghêu”.

Gần một ngày rong ruổi ở những cánh đồng nghêu Thạnh Phong, chúng tôi thấy, hầu hết bà con làm nghề này đều nghèo. Con nghêu vẫn là tài sản quý giá nhất mà biển cả quê hương ban tặng cho họ từ ngàn đời qua.

Thiết nghĩ, chính quyền các huyện Thạnh Phong, Bình Đại… nên chừa ra một số bãi để nông dân kiếm kế sinh nhai, không nên đưa toàn bộ vào hợp tác xã. Theo đó, cuộc sống của người dân nghèo vẫn được đảm bảo.

Có thể bạn quan tâm

Đa Dạng Cơ Cấu Vật Nuôi Với Mô Hình Gà Lai Đông Tảo Đa Dạng Cơ Cấu Vật Nuôi Với Mô Hình Gà Lai Đông Tảo

Nhằm đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tháng 4/2014, Hội Nông dân TP. Điện Biên Phủ đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm nuôi gà lai Đông Tảo trên địa bàn 5 phường: Tân Thanh, Mường Thanh, Him Lam, Noong Bua, Thanh Bình với số lượng 1.250 con gà cho 70 hộ dân. Sau hơn 2 tháng triển khai, bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực.

27/06/2014
Mãng Cầu Xiêm Và Khóm Rớt Giá Mạnh Mãng Cầu Xiêm Và Khóm Rớt Giá Mạnh

Tương tự, tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) - địa bàn có diện tích khóm lớn nhất ĐBSCL với hơn 14.000ha, giá khóm hiện chỉ dao động ở mức 1.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá 3.000 - 3.500 đồng/kg cuối tháng trước, do đang vào thu hoạch vụ chính.

27/06/2014
Lối Đi Nào Cho Công Nghiệp Nông Thôn ? Lối Đi Nào Cho Công Nghiệp Nông Thôn ?

Với xuất phát điểm thấp, các ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Hậu Giang còn lạc hậu so với các địa phương khác. Cả tỉnh có trên 4.224 cơ sở CNNT, nhưng đa số hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ. Do vậy, công nghiệp nông thôn vẫn loay hoay chưa tìm ra chỗ đứng.

28/11/2014
Thêm Những Mùa Vàng Thêm Những Mùa Vàng

Trong sản xuất nông nghiệp, ông cha ta vẫn truyền nhau kinh nghiệm: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" đó là những điều kiện không thể thiếu để đạt năng suất cao.

27/06/2014
Mất Mùa, Rớt Giá Mất Mùa, Rớt Giá

Dự báo, năng suất chỉ đạt khoảng 50-60% so với năm ngoái. Ông Đỗ Văn Thành, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, cho hay: “Vào thời điểm để trái, thấy cây ra bông mà mừng trong bụng, vì nghĩ rằng năm nay sẽ trúng mùa. Nhưng không hiểu vì sao, tuy có ra bông nhưng số trái đậu rất thấp và trái bị rụng khá nhiều, mặc dù đã không ít lần xịt thuốc phòng chống sâu bệnh”.

28/11/2014