Vực Dậy Vương Quốc Trái Cây Chuyện Cũ Nhắc Lại
Tiền Giang nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều lợi thế phát triển vùng cây ăn trái. Để tạo bước chuyển biến, tỉnh ta đã xác định 7 loại trái cây đặc sản cần khuyến khích đầu tư phát triển và đã hình thành các vùng chuyên canh như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, khóm Tân Phước.
Những năm qua, cây ăn trái của tỉnh phát triển theo hướng tăng diện tích và đầu tư các giống cây đặc sản, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP, ổn định vùng nguyên liệu cung cấp cho chế biến và xuất khẩu.
Nhưng nhìn trên bình diện chung, việc sản xuất và tiêu thụ trái cây của tỉnh ta còn nhiều bất cập. Nông dân không biết trồng cây gì? Canh tác sao cho có hiệu quả? Sản phẩm bán cho ai và giá cả bao nhiêu?... Đã đến lúc, các ngành chức năng cần phải có cái nhìn tổng thể để khắc phục những yếu kém nêu trên, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng.
Có một thực tế, nông dân bán trái cây tại vườn như: khóm, sầu riêng, mãng cầu, xoài… với giá thấp nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại bị đẩy giá lên cao ngất. Nghịch lý này tồn tại từ rất lâu do những bất cập trong lưu thông phân phối hàng hóa, do thiếu mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, phân phối và tiêu dùng…
Trung gian “được lợi”
Sau thời gian khảo sát, chúng tôi nhận thấy “đường đi” của trái cây từ vườn ra chợ còn quá nhiều bất cập. Trong khi nông dân là người làm ra sản phẩm nhưng lại hưởng lợi nhuận rất ít, thậm chí còn chịu lỗ do thương lái ép giá hay mất mùa. Còn ở khâu trung gian như thương lái và doanh nghiệp thì lợi nhuận cao. Từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng, trái cây phải qua tay ít nhất 3 khâu trung gian và giá cả đã bị đội lên quá cao.
Bà Phạm Thị Ngọc Vân, ấp Tân Hòa, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông trồng 0,3 ha mãng cầu xiêm. Bà bức xúc: “Gia đình mới bán 20.000 đồng/kg vào buổi sáng, buổi chiều chạy ra chợ thì giá đã đẩy lên đến 27.000 - 28.000 đồng/kg. Trong khi chợ cách nhà chỉ vài km. Còn tại các chợ ở TP. Mỹ Tho thì giá mãng cầu xiêm lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg. Mãng cầu xiêm mà vào siêu thị thì giá cả không biết còn đẩy lên đến bao nhiêu?”.
Trong những lần trò chuyện với nhiều nhà vườn, họ luôn than vãn rằng mình tự “bơi” trong khi thị trường diễn biến khó lường. Cùng với tâm lý “có sao bán vậy”, cứ đến vụ nhà vườn mới kêu thương lái thu mua mà trước đó chưa tìm hiểu cặn kẽ. Do vậy, có được mùa người nông dân vẫn phải lo âu.
Thương lái Nguyễn Minh Tiến bán trái cây tại chợ Thạnh Trị, TP. Mỹ Tho giải thích vì sao trái cây bị đẩy giá lên cao: “Chúng tôi đi vào tận vườn thanh long ở xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo để thu mua và về bán lại cho các vựa. Tại nhà vườn, chúng tôi mua “sô”, với giá 15.000 đồng/kg và bán lại cho các vựa trên 22.000 đồng/kg. Bởi xe máy của tôi chỉ chở được trên 120 kg và tốn hết 3 - 4 lít xăng.
Ngoài ra, buôn bán thì phải có lời chứ”. Song, mỗi vụ mùa đến thương lái lợi dụng giá cả xuống thấp để ép giá nông dân, dẫn đến tình trạng người sản xuất lãi thấp, đôi khi lỗ, nhưng người tiêu dùng mua với giá đắt, chỉ có các khâu trung gian là hưởng lợi cao nhất.
Trái cây của tỉnh Tiền Giang chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng ăn tươi, một lượng rất ít được tiêu thụ thông qua chế biến. Theo Sở NN&PTNT, các kênh tiêu thụ chủ yếu là: Nhà vườn trồng trái cây bán trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc thông qua một bước trung gian là người bán lẻ. Nhà vườn hoặc người bán lẻ ở vùng trồng cây ăn trái lập các lán trại ven đường để bán cho khách đi đường dọc theo quốc lộ.
Khi bán qua kênh này thì nhà vườn thu được giá cao hơn (từ 10 - 20%) so với bán cho thương lái thu gom hay vựa đóng gói địa phương. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3% lượng trái cây được tiêu thụ qua kênh này do nhà vườn không có thời gian.
Kênh thứ 2 là nhà vườn trồng cây ăn trái bán cho người thu gom đến mua tại vườn hoặc ở điểm tập trung của người thu gom ở gần nơi trồng cây ăn trái. Người thu gom phân loại sản phẩm và chuyển đến các vựa đóng gói địa phương ở các chợ hoặc các điểm tập kết sản phẩm lớn hơn.
Từ đây, trái cây được phân loại lại một lần nữa và đóng gói, sau đó vựa đóng gói bán cho thương lái đường dài hoặc vận chuyển đi bán cho các vựa phân phối ở các tỉnh hoặc thành phố khác. Sau đó, các vựa phân phối hoặc thương lái đường dài bán cho các siêu thị hoặc những người bán lẻ ở chợ hay khu dân cư, rồi mới đến tay người tiêu dùng. 15% sản phẩm trái cây được tiêu thụ qua kênh này.
Sở NN&PTNT cũng cho biết thêm, ngoài những kênh trên, trái cây Tiền Giang còn được tiêu thụ thông qua các kênh như: Nhà vườn thu hoạch trái cây, sau đó mang ra chợ bán trực tiếp cho vựa đóng gói địa phương. Nếu bán theo cách này thì nhà vườn có thể bán giá cao hơn so với bán cho người thu gom. Ngoài ra, trái cây của tỉnh ta còn được tiêu thụ theo kênh xuất khẩu, nhưng không đáng kể.
Tỉnh Tiền Giang cung cấp lượng lớn những loại trái cây đặc sản như: Xoài, vú sữa, khóm, sầu riêng, thanh long… cho thị trường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản vẫn phụ thuộc vào các thương lái. Hiện kể cả các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ trái cây vẫn “khoán trắng” việc thu mua cho thương lái. Với quyền quyết định “vận mệnh” đầu ra trong tay, các thương lái dễ dàng ép nông dân từ giá đến chất lượng theo ý chủ quan của mình.
Còn nhiều bất cập
Trước đây, tỉnh ta khuyến khích nhà vườn đốn bỏ vườn tạp, chặt những cây có hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Một số địa phương khuyến khích và hỗ trợ nhà vườn hình thành các vườn chuyên canh tập trung, mạnh dạn sử dụng các giống cây trồng sạch bệnh, áp dụng những kỹ thuật canh tác mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới trong thời buổi hội nhập kinh tế.
Làm việc với ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang mới đây, ông Nguyễn Thế Bình, Quyền Phân Viện trưởng Phân Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam cho biết, mấy năm gần đây, khi đến mùa thu hoạch thì trái cây bị rớt giá thê thảm, điệp khúc “được mùa mất giá” liên tục diễn ra, khiến những người chuyên canh cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang điêu đứng, nhiều người tỏ ra bi quan, không biết phải trồng cây gì? tiêu thụ ở đâu?...
Thêm vào đó, ngành Nông nghiệp khảo sát có 30% hộ làm vườn trồng cây ăn trái theo phong trào, chưa định hướng cây trồng và thị trường. Giải pháp của nông dân trong thời buổi “được mùa mất giá” như hiện nay là phá bỏ vườn chuyên canh, quay sang trồng vườn đa canh.
Trên cùng một diện tích, nông dân trồng từ 2 - 3 loại cây khác nhau với mục đích cây này rớt giá thì còn cây khác… Đây được xem là giải pháp tình thế trong thời buổi giá cả trái cây bấp bênh. Chính vì những vướng mắc của sản xuất - thị trường đã làm đời sống người dân bấp bênh. Thị trường tiêu thụ trái cây như một bài toán đầy ẩn số, làm nhà vườn đau đầu.
Cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng có nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ. Nguyên nhân những hạn chế trên được Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện Trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam chỉ rõ:
Quy hoạch chi tiết vùng chuyên canh chưa được thực hiện, chính sách hỗ trợ vùng chuyên canh chưa hoàn chỉnh. Quy mô nông hộ nhỏ và trồng tạp nên không phù hợp cho sản xuất mang tính hàng hóa do sản lượng nhỏ, chất lượng trái không đồng đều và ổn định.
Công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng cây giống kém chất lượng hoặc không sạch bệnh được bán tràn lan. Tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất và doanh nghiệp về cây ăn trái còn ít về số lượng và mang tính hình thức, chưa có mô hình làm ăn thật sự hiệu quả để làm mô hình mẫu. Diện tích đạt chứng nhận GAP còn khiêm tốn đã làm hạn chế việc xuất khẩu trái cây.
Sự liên kết giữa người sản xuất với nhau, giữa người sản xuất và nhà phân phối rất lỏng lẻo, giữa các Viện, Trường chưa chặt chẽ. Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực cây ăn trái rất ít và thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu. Cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản trái cây hầu như không có, dẫn đến thất thoát sau thu hoạch còn khá lớn…
Nguồn bài viết: http://baoapbac.vn/kinh-te/201411/vuc-day-vuong-quoc-trai-cay-chuyen-cu-nhac-lai-556695/
Có thể bạn quan tâm
Vào mùa khô, mùa thu hoạch cá đồng, người nuôi cá lựa bắt những con cá lớn để bán, con nào còn nhỏ giữ lại để làm cá giống cho mùa sau. Khi mùa mưa đến, cá mang trứng ra môi trường tự nhiên để đẻ con. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cả cá mẹ và cá non bị săn bắt ráo riết, nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết thì nguồn lợi cá đồng sẽ cạn kiệt nhanh.
Những năm trước, nông dân xã Đồng Nai (Bù Đăng - Bình Phước) vui mừng vì trồng xen ca cao trong vườn điều cho hiệu quả kinh tế cao. Hai năm qua, người trồng ca cao ở đây lại “nản” vì giá cả thất thường và nấm bệnh xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà vườn có kinh nghiệm, giá ca cao đang ổn định và vấn đề sâu bệnh không đáng ngại, chỉ cần chủ động chăm sóc, phòng trị bệnh, cây sẽ cho năng suất cao.
Thời gian qua nhờ trồng rau màu, nhiều hộ dân ở Sóc Trăng đã có thu nhập ổn định. Ưu điểm của mô hình này là không cần nhiều đất sản xuất, có thể canh tác quanh năm, chỉ cần nông dân siêng năng và chọn cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết và nhu cầu thị trường.
Theo dự báo, mức giá này không dừng lại và sẽ tiếp tục tăng lên 30.000 đồng từ nay đến Tết Nguyên đán. Nguyên nhân được xác định là vào cuối vụ, bà con nhà vườn đang xử lý ra hoa đậu trái cho vụ mùa nghịch. Hiện nay, Hợp tác xã Thạnh Phước mỗi ngày chỉ cung ứng cho thị trường hơn 1 tấn trái.
Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh đã triển khai thực hiện mô hình trồng thâm canh cây keo tai tượng tại xã Quảng Đức (Hải Hà), xã Điền Xá (Tiên Yên) và xã Thuỷ An (Đông Triều) với diện tích 70ha. Sau 3 năm triển khai, đến nay cây keo phát triển tốt, dự kiến sau 5 năm sẽ cho sản lượng hơn 120 m3 gỗ/ha.