Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vua rừng giữa hồ Núi Cốc

Vua rừng giữa hồ Núi Cốc
Ngày đăng: 03/09/2015

Ngoài khí hậu trong lành, cảnh quan hồ Núi Cốc luôn tươi mát bởi khu rừng phòng hộ có diện tích xấp xỉ 3.500 ha cùng 89 hòn đảo lớn nhỏ nằm trên diện tích mặt nước rộng hơn 25 km2.

Trực tiếp trồng, quản lý và bảo vệ hơn 40 ha rừng cảnh quan hồ Núi Cốc, nông dân Trần Hữu Phúc ở xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (Đại Từ) thực sự là "vua" rừng phòng hộ Núi Cốc.

Cả đời đắm đuối với cây

Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi đến gặp "vua rừng" là sự ngạc nhiên xen thất vọng.

Bởi lẽ, tiếng tăm về ông Trần Hữu Phúc ở hồ Núi Cốc từ lâu đã được nhiều người nhắc đến. Gia sản của ông, chỉ tính bề nổi là 30 ha keo đến kỳ khai thác thì cũng đã vài tỷ, ngoài ra còn ruộng vườn... đâu đâu cũng ngợp hoa trái mùa nào thức nấy, rồi tiền bạc của các kỳ đốn rừng suốt bao năm qua...

Ấy thế nhưng tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ, thậm chí căn bếp còn từ thời nhà tranh vách đất đã bong từng tảng, hầu như chẳng có tài sản gì đáng tiền, ông Phúc nói: "Tiền tiêu trong nhà toàn bộ trông vào vườn chè của bà vợ".

Tiếp lời chồng, bà Trần Thị Chất thêm: "Nào đâu chỉ có nuôi ăn, bao nhiêu tiền bạc thu được từ chè tôi cũng phải "nộp" hết để ông ấy "ném" vào rừng. Mang tiếng là tỷ phú rừng nhưng đã bao giờ đưa vợ được đồng bạc nào đâu".

Nhẩn nha bên ấm trà vừa được lấy hương từ bàn tay đảm của người vợ làm chè chuyên nghiệp, ông Phúc kể: "Nhà còn có 2 vợ chồng già, tôi với bà ấy cùng tuổi, năm nay 54 rồi, với thằng con út mới đi làm.

Ba đứa lớn đã dựng vợ gả chồng, trước đây là sáu, giờ còn ba miệng ăn, rồi tiền cưới xin giỗ chạp là bà ấy phải lo hết, mỗi ngày đi hái đổi công cho láng giềng, hơn bù kém đâu cũng được 20 - 30 kg chè búp tươi, tối về lại hì hục sao sấy.

Năm nay giá chè thấp, chè búp chỉ trên dưới trăm nghìn. Giá tập trung vào chè như người ta thì kể ra cũng giàu được nhưng chết cái tôi không giúp gì được, mình bà ấy lo khéo lắm mới đủ cơm ăn".

Cái lý do để người đàn ông trụ cột có vẻ chểnh mảng với gia đình, được bà Chất "tố": "Là do ông ấy chỉ biết đắm đuối với rừng, cứ y như bị rừng bắt vía ấy, ngày nào không vào rừng thì không chịu được".

Cũng chẳng có gì cao siêu đâu, ông Phúc giải thích vậy, ban đầu đến với rừng cũng chỉ vì nghèo quá, không biết làm gì khác kiếm sống nên trồng rừng thuê cho nhà nước, để lấy gạo ăn.

"Tôi vốn quê huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, năm 1960 cha mẹ lên trên này khai hoang. Trước tiên là phá rừng để lấy củi, trồng lúa, trồng sắn. Sau khi có công trình thủy điện hồ Núi Cốc thì Nhà nước lại phát động trồng rừng.

Năm 1990, tôi bắt đầu nhận khoán trồng rừng. Nhà nghèo, con đông, thôi thì có đất để trồng thêm ngô, sắn cũng đỡ. Rồi trên là bạch đàn, keo, dưới mép nước là chè.

 Nhận rừng, tận dụng được cành khô cành gãy, sao chè không phải lo kiếm củi, ấy là cái lợi trước mắt", ông Phúc tâm sự.

Nói cho công bằng, ông cũng đã từng có khoản thu lớn từ rừng, khi chu kỳ bạch đàn đầu tiên khai thác và gia đình được hưởng toàn bộ.

Nhưng "vua rừng" đã không tận dụng được cơ hội này đề làm giàu vì: "Hồi đấy có ý thức gì đâu, bán tống bán tháo đi, đủ tiền mua được cái xe máy giờ đang bỏ han gỉ".

Đổi lại, ông đã có kinh nghiệm và nhận thức rõ lợi ích của việc trồng rừng. Cần cù mỗi ngày, trời đẹp thì đưa cả vợ con vào, ngày mưa thì một thân một mình phát cỏ, cuốc hố, trồng cây, cứ thấy đất bỏ hoang là cuốc vỡ, hết đồi gần đến đồi xa.

Chính ông cũng ngạc nhiên khi biết mình có đến 40 ha rừng.

Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường (BQL RPHBVMT) hồ Núi Cốc, ông Nguyễn Văn Quý, ghi nhận: "Hầu như toàn bộ rừng ven hồ Núi Cốc là của gia đình ông Trần Hữu Phúc, trong số đó có 11 quả đồi trong lòng hồ, có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và chức năng phòng hộ.

Chúng tôi đang triển khai thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc bền vững có sự tham gia của người dân giai đoạn 2014 - 2020, lồng ghép các nội dung đầu tư bảo vệ và phát triển rừng với chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án khác để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn khu rừng".

Những dự định táo bạo

Là một trong những người tiên phong chuyển đổi, ông Trần Hữu Phúc đã được cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng trám, lát.

Ông Phúc cùng cán bộ kiểm lâm kiểm tra cây lát

Ông cho biết: "Dân làng người ta bảo tôi là "ông dở người", vì keo trồng 3,4 năm là khác hẳn, nếu đất tốt thì 7 - 8 năm đã cho khai thác, mỗi ha bỏ rẻ cũng lãi vài chục triệu.

Còn cây trám, có nhanh thì cũng phải 10 - 15 năm mới cho thu quả, cây lát thì xác định đời mình trồng cho đời cháu chắt hưởng. Cây bản địa tốn nhiều công, lâu được thu hoạch, phải có tiềm lực kinh tế và kiên trì.

Có thể lắm, trong tương lai, những đảo ngọc của “vua rừng” sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách. Nhưng trước mắt, những cánh rừng xanh ngút ngàn đã và đang góp phần nuôi sống hệ sinh thái hồ Núi Cốc, hứa hẹn sinh kế lớn đối với người gieo mầm cây xanh.

Tôi xác định trồng cây gây rừng để xây dựng cảnh quan cho hồ. Cha mẹ sinh được đứa con gái đẹp đã tự hào, nữa là vẻ đẹp của hồ Núi Cốc đã nổi tiếng cả nước, hàng triệu người về đây thưởng thức vẻ đẹp.

Cây bản địa tuy lâu cho thu nhập nhưng bền vững với tuổi thọ tới hàng trăm năm, thêm nữa là còn tại ra nét độc đáo riêng.

Tìm hiểu về phương án quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc bền vững, tôi cũng thấy yên tâm với quyền lợi được đảm bảo.

Trước mắt thì tôi được cấp giống cây bản địa và lợn rừng, bước đầu thấy hiệu quả, riêng trám và lát tôi đã trồng được 5.000 cây trên diện tích 10 ha, tỷ lệ sống cao. Đàn lợn rừng 8 con cũng đã sinh thêm 4 lợn con.

Về quyền lợi, hiện tôi được thuê khoán bảo vệ 200 nghìn đồng/ha/năm và được khai thác củi cành, nhưng đối với 30 ha keo đã đến kỳ khai thác, tôi đang làm thủ tục xin chuyển đổi, tự bỏ vốn trồng cây lâu năm sau khi được cấp phép khai thác diện tích keo.

Trên cơ sở "lấy rừng nuôi rừng", vừa làm vừa "nghe ngóng", tôi dự định trên một số đảo sẽ trồng từng loại cây đặc sản như đảo mít, đảo nhãn, đảo trám, đảo sấu...

Về lâu dài, Nhà nước cũng đã có chủ trương cho chúng tôi làm du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ".

Có lẽ, chúng tôi đã vô cùng may mắn khi được là những khách du lịch đầu tiên được chính "vua rừng" đích thân dẫn đi dưới những tán rừng ven hồ Núi Cốc.

Này đây đảo Hang Rắn, có vết tích của thác nước đổ vào đoạn sâu nhất của lòng hồ khi chưa đắp đập thuỷ lợi, nằm cách bờ 200m, chỉ mất 5 phút đi thuyền.

Còn kia là đảo Bàn Tay, còn gọi là đảo Năm Chân với 5 mỏm xoè ra như bàn tay, diện tích 4 ha đang trồng trám, xung quanh mép nước là những hàng chè đang tua tủa búp. Mỗi hòn đảo của “vua rừng” đều có nét độc đáo, hấp dẫn lôi cuốn.


Có thể bạn quan tâm

Bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình Bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình

Ngày 24/10, tại xã Thung Nai (huyện Cao Phong, Hòa Bình), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Hòa Bình tổ chức thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng hồ Hòa Bình.

27/10/2015
Phát điện từ khí sinh học Phát điện từ khí sinh học

Tỉnh Tiền Giang có tổng đàn gia súc (heo, trâu, bò) khoảng 674.000 con và khoảng 7,1 triệu con gia cầm. Để giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi thì giải pháp xây dựng, lắp đặt hầm biogas là tối ưu nhất.

27/10/2015
Trồng đu đủ ruột vàng Trồng đu đủ ruột vàng

Giống đu đủ ruột vàng F1 Sinta và Carinosa do Cty TNHH East-West seed (Hai mũi tên đỏ) cung cấp với đặc điểm ăn ngon, thịt chắc, đang được thị trường ưa chuộng và bán được giá cao.

27/10/2015
Liên kết sản xuất lúa ST20 Liên kết sản xuất lúa ST20

ST20 mang nhiều đặc điểm nổi trội của các giống tham gia tổ hợp lai như có mùi thơm; hạt gạo trong, cơm dẻo, vị ngọt; hàm lượng đạm cao ( ≥ 10%) lớn hơn gấp rưỡi gạo thường.

27/10/2015
Bình Định đặt mục tiêu mới Bình Định đặt mục tiêu mới

Thực hiện xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2015, Bình Định đã gắn kết chặt chẽ với việc đổi mới trong SXNN.

27/10/2015