Vựa Nếp Giống Ở Cù Lao Phú Tân (An Giang)

Với khả năng cung ứng mỗi năm 1.000 tấn nếp giống cho hơn 75% nông dân trồng nếp chuyên canh trong huyện và một số vùng lân cận, Tổ liên kết (TLK) sản xuất nếp giống xã Phú Hưng (Phú Tân - An Giang) được bà con ví như vựa giống của huyện cù lao. Không chỉ mạnh về số lượng, TLK sản xuất giống Phú Hưng còn đi đầu về giống nếp CK92 chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất nếp hàng hóa của người dân.
Anh Huỳnh Văn Tâm (Tổ trưởng của TLK sản xuất nếp) là một trong những nông dân đi đầu thử nghiệm trồng nếp giống ở địa phương. Trên 15 héc-ta đất sản xuất, gia đình anh cung cấp khoảng 360 tấn nếp giống cả trong và ngoài địa phương mỗi năm. Cũng với cách làm ăn này, liên tục từ năm 2005 đến nay, anh được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.
Anh Tâm cho biết, TLK sản xuất nếp giống Phú Hưng thành lập năm 2005, ban đầu là một câu lạc bộ chỉ có vài người, sau đó phát triển thành Tổ hợp tác và hiện nay là TLK, gồm 24 thành viên liên kết sản xuất giống trên 52 héc-ta. Quy trình sản xuất nếp giống trong tổ được khép kín từ khâu gieo sạ, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch cho đến bảo quản. Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị, giống nếp của tổ có chất lượng vượt trội và thương hiệu trên thị trường.
Trước đây, nông dân thường chọn những chỗ nếp trổ bông đẹp chừa lại để làm giống hoặc mua giống từ nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế không cao, năng suất đạt ngẫu nhiên theo vụ, có vụ phải loay hoay tìm đầu ra vì bị bạn hàng chê chất lượng nếp kém.
Từ thực trạng đó, tổ nhân giống quyết tâm nghiên cứu cho ra dòng nếp chất lượng. Kết hợp kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật tiến bộ từ các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, TLK còn phối hợp Trường đại học Cần Thơ phục tráng giống nếp thuần CK92 có chất lượng tốt. Hàng năm, các thành viên trong tổ thay phiên đi học các lớp học kỹ thuật, tập huấn và tham quan ở những vùng nhân giống quy mô để học hỏi kinh nghiệm.
“Nếu so về giá thành, nếp giống của TLK cao hơn chút đỉnh, vì vậy ban đầu bà con ngại mua lắm. Phải qua nhiều vụ, những khách hàng đầu tiên đánh giá hiệu quả trên ruộng nếp của mình, người truyền người, “thương hiệu” của TLK nhanh chóng lan tỏa. Thực tế, nếp giống của tổ đạt năng suất cao, phát triển khỏe mạnh giúp giảm chi phí phân bón, trọng lượng nếp cũng nặng hạt hơn nên tính trên toàn vụ thì chi phí lại thấp hơn giống nếp thông thường” - ông Tâm phân tích.
Một vụ, TLK sản xuất giống cung ứng trên 300 tấn nếp giống, một năm 3 vụ sản xuất ra hơn 1.000 tấn. Trên địa bàn huyện Phú Tân, TLK cung cấp nguồn giống cho trên 75% nông dân, đồng thời nông dân trồng nếp các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang cũng rất ưa chuộng.
Ông Tâm với vai trò là tổ trưởng đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư máy móc, làm dây chuyền đóng gói, đồng thời ưu tiên bao tiêu giống hàng hóa cho thành viên trong tổ, bảo đảm giá cả và đầu ra ổn định.
Với mô hình làm ăn hiện nay, TLK sản xuất nếp giống Phú Hưng còn giải quyết việc làm cho 84 lao động, thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thanh Tâm đánh giá: “Bên cạnh các mô hình nuôi trồng mới hàng năm, TLK sản xuất giống luôn duy trì hiệu quả sản xuất, được chọn là mô hình làm ăn tiêu biểu của xã, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Không chỉ sản xuất giống hiệu quả, tổ còn tích cực đóng góp cho địa phương bằng việc làm, tiền của, tham gia xây dựng nông thôn mới và hoạt động xã hội ý nghĩa”.
Có thể bạn quan tâm

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, năm 2014 UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục cấm các hoạt động bẫy bắt tôm hùm con trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9.

Không được học hành qua trường lớp nào nhưng ông Nguyễn Trí Công nổi tiếng là người đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin và du nhập tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước ngoài vào nghề chăn nuôi heo. Ông Công cũng là Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai.

Trước thông tin cá tra Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu vào Liên bang Nga vì lý do không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện có đến 400 xí nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào những thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao.

Đến giai đoạn này, lúa không phải là cây trồng độc tôn nữa. Chỗ nào trồng lúa tốt thì cứ trồng. Còn chỗ nào trồng lúa không tốt hoặc trồng lúa mà bán không được giá thì ta được phép chuyển đổi. Nhiều nơi đã đưa cây ăn quả vào.

Khoảng hơn 1 tháng nay, trong khi gà tiêu thụ chậm do người dân sợ dịch cúm gia cầm, thì lượng thịt lợn bán ra lại tăng đáng kể.