Vụ lúa xuân 2015 lại thêm mùa vàng bội thu
Đứng tốp đầu về năng suất lúa khu vực phía Bắc
“Năng suất vụ lúa xuân năm nay ước đạt gần 70 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Vụ xuân ấm mà được mùa lớn như vậy là điều khá bất ngờ - Thạc sĩ Trần Thị Nghĩa, Trưởng Phòng trồng trọt, lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp-PTNT) khẳng định - Kinh nghiệm những năm tiết trời ấm sẽ có nhiều vấn đề đáng lo ngại làm giảm năng suất lúa”.
Ngay từ đầu vụ, do thời tiết ấm, ẩm kéo dài, các chuyên gia dự báo có thể bị giảm năng suất trên diện tích lúa gieo cấy sớm và năng suất lúa cả vụ khó đạt cao. Xác định rõ khó khăn này, ngành nông nghiệp đề ra giải pháp chỉ đạo gieo cấy đúng lịch thời vụ, giảm trà lúa xuân sớm, tăng trà lúa xuân muộn để lúa trỗ tập trung từ ngày 1 đến 5-5, tránh việc trỗ bông vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 – thời điểm nguy cơ có thể gặp các đợt rét muộn, lúa không thể kết hạt.
Cùng với đó, để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, Sở Nông nghiệp- PTNT khẩn trương rà soát lại các diện tích cấy trước Lập xuân, diện tích giống ngắn ngày, những diện tích có nguy cơ chịu ảnh hưởng trong điều kiện thời tiết ấm. Sở yêu cầu các địa phương có số liệu chính xác từng vùng để từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp. Nhờ vậy, phần lớn diện tích gieo cấy lúa xuân của Hải Phòng không bị ảnh hưởng năng suất lúa do thời tiết ấm, ẩm kéo dài.
Cùng với đó ngành Nông nghiệp-PTNT chỉ đạo các địa phương tập trung chuyển mạnh từ phát triển năng suất sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thu nhập trên một đơn vị canh tác. Đặc biệt là chú ý quy vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Nhờ vậy, diện tích gieo cấy các giống lúa lai, giống lúa cho chất lượng gạo ngon trên địa bàn thành phố tăng nhanh.
Diện tích gieo cấy các giống lúa lai chiếm gần 14% diện tích gieo cấy, diện tích gieo cấy lúa thuần chất lượng cao chiếm hơn 57% diện tích gieo cấy. Nhiều kỹ thuật canh tác mới tiến bộ được áp dụng trong quá trình sản xuất. Diện tích xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới lên tới hơn 1000 ha, tăng 3 lần so với 5 năm trước; quy mô 5 - 10 ha/điểm.
Bằng hàng loạt giải pháp, nông dân Hải Phòng được mùa lớn. Đi khắp làng quê những ngày này, nơi đâu cũng nghe tiếng máy tuốt lúa rền vang, tiếng bước chân rộn rã gánh thóc vàng về sân kho, sân đình. Huyện Vĩnh Bảo tiếp tục dẫn đầu toàn thành phố về năng suất lúa, ước đạt hơn 71 tạ/ha. Các huyện khác cũng đều đạt năng suất lúa cao hơn vụ lúa xuân năm trước 4 - 5 tạ/ha. Đặc biệt, có nhiều giống lúa lai mới, đạt năng suất hơn 10 tấn/ha. Hải Phòng được ghi nhận là địa phương đứng top đầu về năng suất lúa của khu vực phía Bắc.
Khẳng định mô hình sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi
Vụ lúa xuân năm nay cũng là vụ thành công của nhiều mô hình mới, tạo động lực cho sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi. Điển hình là các mô hình liên kết sản xuất, cơ giới hóa đồng bộ sau dồn đổi ruộng đất ở Đoàn Xá và huyện Tiên Lãng. Sau khi hoàn thành chương trình dồn điền đổi thửa lần thứ 3, xã Đoàn Xá có 4 vùng sản xuất lớn. Mỗi hộ dân xã Đoàn Xá chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng; các thửa ruộng đều tiếp giáp hệ thống giao thông, thủy lợi, người dân phấn khởi, yên tâm đầu tư, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hơn 360 ha lúa của xã nhờ liền vùng, liền thửa nên được gieo sạ bằng dàn kéo tay, máy gặt đập liên hoàn và máy làm đất, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức lao động.
Huyện Tiên Lãng có 16 xã xây dựng vùng sản xuất tập trung với quy mô 5 - 30 ha/vùng trở lên; 4 xã xây dựng mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích 120 ha.
Vụ lúa xuân 2015, trên địa bàn thành phố bắt đầu xuất hiện mô hình tổ hợp tác, nông dân tích tụ ruộng đất, tạo vùng nông sản hàng hóa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đây được đánh giá là mô hình đột phá cho nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Chẳng hạn như mô hình thuê đất sản xuất mạ khay của nông dân Bùi Minh Họa ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo); mô hình thuê lại 40 ha ruộng đất của bà con địa phương,áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và tiến bộ KHKT vào sản xuất lúa tập trung, thu lãi hơn 8 triệu đồng/ha/vụ của nông dân Đào Trung Tụ ở xã Trấn Dương (Vĩnh Bảo).
Cùng với đó, là sự thành công của 10 mô hình cánh đồng mẫu lớn, 7 mô hình liên kết sản xuất giống lúa mới năng suất, chất lượng cao áp dụng theo quy trình VietGAP tại 7 huyện do thành phố hỗ trợ kinh phí. Ngoài mô hình hỗ trợ của thành phố, vụ lúa xuân năm nay, các huyện đều chú trọng quy vùng sản xuất lúa hàng hóa. Nhờ vậy, hiện trên địa bàn thành phố có 330 vùng sản xuất lúa chất lượng quy mô 10 - 30 ha/vùng.
Vụ lúa xuân được mùa lớn và sự xuất hiện của nhiều vùng sản xuất tập trung, các mô hình tích tụ, liên kết sản xuất góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành nông nghiệp năm 2015: chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng những ngành có giá trị, có thị trường; tăng quy mô sản xuất nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, phát triển mô hình cánh đồng liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Dâu Hạ Châu là một trong nhiều giống cây ăn trái đặc sản được nhà vườn Cần Thơ chọn lọc và nhân giống. Trước đây, Dâu Hạ Châu có tên là Dâu miền dưới, do giống dâu này có phẩm chất vượt trội (thơm, ngọt) hơn các giống dâu khác, vì vậy chúng được Cụ thân sinh của ông Lê Văn Bảy (Bảy Ngữ) chọn lọc, ươm trồng từ hạt vào những năm 1960.
“Giá urea có xu hướng tăng trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng làm tăng cước phí vận chuyển và tâm lý mua hàng tích trữ để chuẩn bị vào vụ HT” - ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó tổng giám đốc TCty PB và Hóa chất Dầu khí
Câu mực tầng đáy hiện được xem là nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân khai thác hải sản ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mực ống thường sống ở độ sâu gần 100m nước, tập trung nhiều ở vùng nước sâu khoảng 30 - 50m. Một số loài mực khác lại sống ở các vùng biển khơi với độ sâu hơn 100m nước
Mấy năm gần đây, cụm từ “tổ đội đánh bắt” được bổ sung vào “từ điển” của ngành hải sản. Nó như “cú hích” cho ngành hải sản, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển trong thời khốn khó và đầy bất trắc. Những tổ đội này ban đầu được thành lập ở Đà Nẵng rồi nhân ra Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đến nay nhiều địa phương miền Trung áp dụng như một điển hình trong hoạt động đánh bắt xa bờ.
Con giống sạch bệnh được người nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau hướng đến, nhất là ở mô hình nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, người nuôi tôm còn chủ quan đối với con giống có thương hiệu sạch bệnh, đã qua kiểm dịch nên dịch bệnh vẫn xảy ra