Giá Rau Xanh Tăng Vọt Do Mưa Kéo Dài
Rau xanh tiêu thụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ yếu được nhập từ tỉnh Quảng Nam và một lượng không nhỏ từ những làng rau mới hình thành tại địa phương. Tuy nhiên, mùa mưa năm nay kéo dài cộng với thời tiết lạnh khiến người trồng rau rơi vào tình trạng lao đao, giá rau cũng theo đó mà tăng vọt.
Rau xanh “mọc xuống”!
Anh Trần Thành – một hộ dân trồng rau tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết hiếm có năm nào mưa nhiều và liên tục như năm 2014. Đây cũng là năm hi hữu miền Trung không có một trận bão lụt nào, nhưng ngược lại mưa triền miên nên rau gieo trồng là mất, rất khó được thu hoạch.
Anh Thành giải thích: “Năm nay mùa mưa kéo dài, nước mưa độc (hàm lượng axit trong nước mưa cao hơn bình thường ) vì thế rau chỉ có “mọc xuống” chứ không phát triển. Thông thường một đợt thu hoạch cải gieo là từ 22 đến 25 ngày thì bây giờ phải đến 35 đến 40 ngày, đối với cải nhân giống ra cấy phải 40 đến 45 ngày mới thu hoạch. Các loại rau xanh khác như rau muống, rau khoai, mồng tơi, bột ngọt… cũng không ngoại lệ.”
Tại làng rau Xuân Thiều, thành phố Đà Nẵng, nơi cung cấp rau xanh chủ yếu cho hai khu công nghiệp (KCN Hòa Khánh va KCN Liên Chiểu) và 2 chợ lớn tại Đà Nẵng là chợ Hòa Khánh (Nam) và chợ Hòa Hiệp cũng rơi vào tình trạng “đất không, vườn trống”, kéo theo gần 50 hộ trồng rau tại đây “thất nghiệp” và cả ngày chỉ mở biết cửa nhìn ra. Ông Mai Tấn Danh – Tổ trưởng Tổ hợp tác rau Xuân Thiều cho biết: “Vùng rau Xuân Thiều tương đối trũng (thấp), 2 tháng vừa qua mưa hoài đất lúc nào cũng ướt chẹt nhẹt (ướt sũng) gieo hạt xuống thì bị úng và thối. Tạnh được một hay hai ngày gieo hạt, mưa xuống rau mầm bị bó gốc, rễ không phát triển được nên rau chỉ vàng úa ra mà không phát triển được.”
Không đủ rau để bán
Mùa mưa năm nay tình trạng tranh giành rau giữa những tiểu thương tại chợ Hòa Khánh - nơi phân phối rau xanh, thực phẩm lớn của thành phố Đà Nẵng diễn ra mạnh hơn những năm trước. Lý do bởi vì lượng rau phân phối lại cho tiểu thương không đủ đáp ứng dù là 1/2 nhu cầu tiêu thụ của người dân. Giá rau tăng mạnh, nhu cầu mua rau xanh cũng một phần bị kìm nén, nhưng lượng rau cung cấp vẫn không đủ phục vụ thị trường.
Chị Hồng, tiểu thương kinh doanh rau xanh lớn tại chợ Hòa Khánh cho biết bình thường mỗi ngày chị nhập trên 100 bó cải, các loại rau khác như mồng tơi, rau khoai, rau muống, bột ngọt (rau ngót) phải từ 4 – 5 chục bó nhưng hiện tại con số đó chưa được 1 nửa. Cũng theo lời chị Hồng, do mưa kéo dài nên rau xanh tại các chợ đều khan hiếm, kể cả chợ đầu mối Hòa Cường của thành phố Đà Nẵng. Thời điểm này giá mỗi loại rau tăng lên gần như gấp đôi. Vì vậy, giá bán rau cũng theo đó mà tăng lên, mỗi bó rau thay vì 6.000 đến 7.000 đồng như trước kia thì giờ dao động từ 9.000 – 12.000 đồng.”
Không riêng gì rau xanh, các loại rau phụ gia như húng, quế, cải mầm, ngò gai, ngò cũng tăng giá mạnh. Cá biệt như rau quế (húng chó) đại mùa chỉ 7.000 – 8.000 đồng/kg thì hiện tại giá đã lên đến 40.000 – 50.000 đồng/kg, húng chanh lên đến 90.000 đồng/kg. Các loại đồ la gim, củ quả cũng theo đó mà tăng giá.
Mưa còn kéo dài, giá rau còn tiếp tục tăng
Đã gần kết thúc năm 2014, nhưng mưa tại khu vực miền Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm và tạnh hẳn. Anh Bảo, một thương lái chuyên cung cấp, phân phối rau cho các chợ tại thành phố Đà Nẵng cho biết với tình hình thời tiết mưa không có dấu hiệu tạnh như hiện tại thì giá rau rất khó cải thiện, thậm chí còn có thể bị đẩy lên cao hơn. “Hiện tại để thu mua 1 xe tải rau từ các vườn tại các huyện trong Quảng Nam rất vất vả. Giá rau cao đã đành, nhưng rau không có mà thu mua. Những vùng đất thấp như huyện Điện Bàn, một phần của huyện Đại Lộc gần như là không thể gieo trồng được rau”.
Anh Bảo cũng cho biết thêm, với thời tiết xấu như hiện tại, người dân trồng rau rất dễ lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để duy trì sự tồn tại của rau màu trong đó bao gồm các loại thuốc kích thích phát triển nhanh, nếu không tuân thủ đúng thời gian theo quy định thu hoạch có thể sẽ rất độc hại đối với người dân khi mua phải những bó rau có sử dụng các loại thuốc này.
Có thể bạn quan tâm
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập bền vững với chỉ tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 1 triệu ha mặt nước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,5 triệu tấn, trong đó có 450.000 tấn tôm.
Nuôi tôm trên cát là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì mô hình này cũng tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn do các DN, hộ nuôi sử dụng các thiết bị lạc hậu, không có tính năng tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.
Toàn tỉnh Cà Mau đã có trên chín nghìn ha các loại hình tôm nuôi bị dịch bệnh chết trắng trong vài tháng qua; trong đó có 833 ha diện tích tôm nuôi công nghiệp. Dịch bệnh thường gặp trên tôm nuôi như đốm trắng, đỏ thân, gan tụy và đến nay vẫn chưa có cách phòng trừ, chữa trị dịch bệnh này.
Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, người nuôi nghêu không khỏi lo lắng do nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm gần đây vẫn chưa được xác định, đồng nghĩa “tai họa” có thể bất ngờ ập xuống bất cứ lúc nào mà người nuôi nghêu không có cách gì để phòng tránh.