Vụ Lúa Hè Thu 2014 Nông Dân Tập Trung Xuống Giống Né Rầy
Vào thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và làm vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ vụ hè thu 2014. Để vụ lúa hè thu đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xuống giống đúng lịch thời vụ, né rầy…
Tranh thủ những cơn mưa đầu mùa, nông dân trong tỉnh đã xuống giống gần 10.000ha lúa hè thu. Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng xuống giống đúng theo lịch thời vụ nhằm né rầy và tránh các dịch bệnh khác phá hại lúa.
Sau khi sạ được 10 ngày, tôi cho nước vào ruộng để giảm mật số rầy đeo bám lúa. Đây là phương pháp phòng trừ rầy hiệu quả và bảo vệ thiên địch”. Ngoài ra, gia đình ông Dũng còn áp dụng phương pháp sạ hàng, canh tác theo hướng “3 giảm - 3 tăng”.
Nông dân huyện Phước Long cũng đang xuống giống lúa hè thu. Theo anh Nguyễn Văn Bảy (xã Vĩnh Thanh) - người có hơn 10 công đất sản xuất lúa: “Vụ hè thu năm nay, tôi chọn giống lúa OM 4900 để trồng trên toàn bộ diện tích đất. Đây là giống lúa chất lượng cao được ngành chức năng khuyến khích sử dụng”.
Huyện Phước Long đã xuống giống khoảng 2.000ha lúa hè thu, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Thanh và Hưng Phú.
Các giống lúa chủ lực được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sản xuất là OM 4900, OM 7347, OM 4218, OM 5451… Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long nhận định: “Khoảng 15 ngày nữa nông dân sẽ xuống giống lúa hè thu đại trà, và xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 5/2014 theo đúng lịch thời vụ”.
Ở huyện Hòa Bình, nông dân bơm nước vào đồng ruộng để xuống giống vụ hè thu. Dự kiến, đến cuối tháng 5/2014, bà con sẽ xuống giống dứt điểm theo lịch thời vụ.
Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đã có lịch xuống giống lúa hè thu và lịch né rầy. Theo đó, huyện Hồng Dân xuống giống từ ngày 1 - 10/5/2014; các huyện, thành phố còn lại tùy điều kiện xuống giống từ đầu tháng 5 đến ngày 25/5/2014.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chọn các loại giống chất lượng cao (nhưng mỗi loại giống không quá 20%), giống cấp xác nhận và áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” vào sản xuất…”.
Để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất trong vụ hè thu 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn chương trình “3 giảm - 3 tăng”, hướng dẫn nông dân xuống giống né rầy… Đồng thời, khuyến cáo nông dân tiết kiệm, không bón phân, xịt thuốc theo kiểu trừ hao để phòng ngừa sâu bệnh.
Cần lưu ý cho nước vào ruộng lúa, dựa vào bảng so màu lá lúa để bón phân một cách hợp lý, tránh bón thừa phân đạm, gây phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại lúa.
Có thể bạn quan tâm
Một lần nữa ngành chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao. Cách đây hai năm, ngành chăn nuôi cũng rơi vào khó khăn. Năm 2012, để cứu ngành này, nhiều ý kiến đề xuất gói cứu trợ 9.000 tỷ đồng. Giờ đây, một đề xuất tương tự đang lặp lại.
Nhiều người cho rằng để ao “trắng” như vậy khá là phí, khi mà ngay sau vụ tôm có thể nuôi kế vài loại cá khác. Thế nhưng theo ông Việt khẳng định, là người nuôi tôm có kinh nghiệm thì không nên tiếc rẻ như vậy, ngược lại nên chuẩn bị tốt các điều kiện để tập trung cho vụ nuôi mới.
Sau hơn mười năm phát triển ở vùng đất cù lao Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhãn Idor (còn gọi là nhãn Thái) từng bước khẳng định vị thế là cây trồng đầy tiềm năng ở xứ cồn. Nhờ trồng nhãn Idor mà nhiều gia đình thoát được cảnh nghèo túng, phất lên làm giàu.
Trong sản xuất nông nghiệp, giống luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng. Còn trong nuôi thuỷ sản, con giống lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn, góp phần không nhỏ vào sự thành công hay thất bại của vụ nuôi.
Bước vào vụ cá nam năm nay (từ tháng 4 - 10/2014), cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư phương tiện vươn khơi đánh bắt, hứa hẹn đem lại vụ mùa bội thu.