Vụ Lúa Đông Xuân Được Mùa Lớn
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, bà con nông dân trong tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân, chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Dưới cái nắng tháng 5 như đổ lửa, họ như quên đi nỗi vất vả, mệt nhọc bởi niềm vui được mùa.
Năng suất cao nhất từ trước đến nay
Yên Khánh và Yên Mô là hai huyện điển hình về sản xuất lúa của tỉnh. Những ngày này, người nông dân đang hối hả thu hoạch lúa trên những cánh đồng, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười rạng ngời bởi vụ lúa này họ bội thu.
Dõi theo chiếc máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch ruộng lúa của gia đình, ông Nguyễn Văn Lơi, xóm 3, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh không giấu nổi niềm vui: Lúa nhiều bông, chắc hạt! Vụ này tôi cấy 5 sào, giống Bắc thơm số 7, ước tính, mỗi sào sẽ thu được 2,5 tạ lúa khô, tăng 0,5 tạ so với đông xuân năm ngoái”.
Vụ này, toàn huyện Yên Khánh gieo cấy trên 7.467ha lúa đông xuân, tăng 69 ha so với kế hoạch. Mặc dù năm nay huyện tiếp tục mở rộng cơ cấu lúa thuần, lúa chất lượng cao lên 86,5% diện tích nhưng năng suất lúa toàn huyện vẫn ở mức rất cao, bình quân ước đạt 67 tạ/ha (cao hơn vụ đông xuân 2013).
Cùng chung với niềm vui được mùa của bà con Yên Khánh, tại huyện Yên Mô, Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Việt Dũng phấn khởi cho biết: Vụ xuân vừa qua, toàn huyện gieo cấy trên 6.500 ha lúa, với trên 40% diện tích được cấy bằng giống lúa lai như Nhị ưu 838,Thục hưng số 6, Phú ưu 1...; 60% diện tích còn lại được cấy bằng giống lúa thuần như khang dân, nếp, chất lượng cao.
Qua kiểm tra, đánh giá thực tế đồng ruộng cho thấy đây là vụ mùa thắng lợi nhất từ trước đến nay, năng suất bình quân chung toàn huyện ước đạt 67,5 tạ/ha, trong đó lúa lai là 71 tạ/ha, lúa thuần đạt 69 tạ/ha, lúa chất lượng cao là 64 tạ/ha; thậm chí nhiều diện tích được chăm bón tốt, năng suất còn đạt từ 75 đến 79 tạ/ha.
Không chỉ Yên Khánh, Yên Mô mà vụ đông xuân năm nay, ngay cả những huyện có đồng đất sản xuất khó khăn như thị xã Tam Điệp hay huyện Nho Quan năng suất lúa cũng đạt rất cao với năng suất lần lượt là 61,15 tạ/ha và 64,2 tạ/ha.
Ông Lã Quốc Tuấn, Phó Phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được trên 40% diện tích lúa đông xuân. Mặc dù chưa có số liệu đánh giá một cách cụ thể sản lượng và năng suất nhưng qua báo cáo sơ bộ từ các địa phương cho thấy địa phương nào cũng được mùa, năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt xấp xỉ 66 tạ/ha tức là cao hơn mức 65,4 tạ/ha của năm 2011 là năm được mùa kỷ lục kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Với diện tích gieo cấy gần 42 nghìn ha, sản lượng lúa toàn tỉnh ước đạt từ 275-276 nghìn tấn.
Theo những người gắn bó lâu năm với nông nghiệp thì chính những khó khăn của thời tiết đầu vụ lại là cơ sở cho thắng lợi của vụ đông xuân: Khi mới cấy, cây lúa gặp rét đậm, rét hại giúp kéo dài thời gian sinh trưởng, cây có khả năng tích lũy thêm vật chất khô. Đến tháng 4, tháng 5 thời tiết nắng ấm, nông dân chăm bón tốt nên đã tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển đồng đều, đẻ nhánh khỏe tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao do vậy hầu hết các trà lúa ngoài đê, trong đồng đều đạt năng suất cao.
Tuy nhiên ngoài yếu tố về thời tiết góp phần vào thắng lợi vụ đông xuân này phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để chủ động, linh hoạt trong ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Đặc biệt công tác bảo vệ thực vật, nhất là việc diệt chuột năm nay được các huyện, thành phố, thị xã thực hiện một cách quyết liệt, không để xảy ra dịch hại trên diện rộng.
Sẵn sàng cho vụ mùa thắng lợi
Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp &PTNT, vụ mùa 2014, toàn tỉnh sẽ gieo trồng khoảng 43.000 ha cây trồng các loại; trong đó, diện tích trồng lúa là 39.000 ha. Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, hiện nay bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nguồn giống, vật tư, phân bón để bắt tay vào sản xuất vụ mùa 2014.
Chia sẻ niềm vui với bà con nông dân về thắng lợi của vụ xuân, ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Yên Mô nói: Vụ đông xuân thắng lợi sẽ là tiền đề tốt để bà con có điều kiện đầu tư thâm canh sản xuất vụ mùa.
Hiện nay xã Yên Hòa đang chỉ đạo các HTX tập trung tối đa lao động, ngày công, công cụ, máy móc hoạt động hết công suất, tranh thủ thời gian, cùng giúp đỡ nhau để thu hoạch nhanh lúa xuân đã chín, đẩy nhanh tiến độ làm đất vụ hè thu; phối hợp với công ty thuỷ nông trên địa bàn rà soát, cân đối nguồn nước, mở nước, bơm nước phục vụ bà con nông dân sản xuất; thực hiện phương châm "thu hoạch lúa xuân đến đâu triển khai sản xuất vụ hè thu đến đó", phấn đấu kết thúc gieo cấy trước 10-7 nhằm tránh bão, lụt, chủ động sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa.
Để đảm bảo vụ mùa đạt năng suất cao, Sở Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo: điều kiện sản xuất vụ mùa hết sức phức tạp, đầu vụ có thể xảy ra mưa úng và cũng có thể là hạn hán bất thường. Do vậy tùy thuộc vào điều kiện đất đai, trình độ thâm canh, cơ sở hạ tầng… các đơn vị bố trí trà và các giống lúa để đạt hiệu quả cao nhất, phương châm là tăng trà mùa sớm để thu hoạch sớm, hạn chế thiệt hại do mưa bão, giải phóng đất sớm làm vụ đông.
Các địa phương cũng cần dự phòng lượng giống bằng 20% diện tích cấy và mạ cho khoảng 10% diện tích cấy để phòng lụt, úng làm mất lúa mới cấy.
Do thời điểm thu hoạch lúa đông xuân muộn hơn từ 7-10 ngày so với vụ đông xuân 2013 nên để chủ động và làm đất nhanh cần phải giữ nước từ khi lúa trỗ đến thu hoạch, đồng thời tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch đến đâu làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó để tăng khả năng phân hủy gốc rạ, tránh cho lúa mới gieo cấy bị ngộ độc hữu cơ trong điều kiện nắng nóng.
Trong điều kiện bình thường, toàn tỉnh phấn đấu cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân trước ngày 20-6, tập trung mọi nguồn lực gieo cấy vụ mùa càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm
Vụ chiêm-xuân 2013-2014 xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, đặc biệt là ở 2 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc luôn duy trì ở mức 0.10-5 phần nghìn khiến các trạm bơm vùng triều gặp khó khăn do nguồn nước bị xâm nhập mặn nặng, thời gian bơm bị giảm đến mức báo động, một số cống lấy nước vùng triều phải đóng cửa.
Năm 2014, Công ty CP Nông sản Phú Gia, khu D - Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đã sản xuất được 55.000 tấn thức ăn chăn nuôi, tăng 10% so với năm 2013, doanh thu đạt 380 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2,2 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho người lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng...
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2014, kim ngạch XK tôm sang thị trường Hàn Quốc đạt 318 triệu USD, tăng hơn 41% so với năm 2013. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này trong năm vừa qua với thị phần lên đến hơn 40%.
Trước thực trạng trên, huyện Nga Sơn đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khắc phục tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế 6 xã ven biển, giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”. Thời gian thực hiện chưa nhiều, song hiệu quả của đề án bước đầu đã được khẳng định.
Ngày 1/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị triển khai việc mua tạm trữ thóc gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ.