Vốn Ưu Đãi Cho Ngư Dân Bám Biển

Cùng với gói 3.000 tỷ mà Ngân hàng Đầu tư -Phát triển (BIDV) đã công bố cho ngư dân vay vốn ưu đãi, với lãi suất 3%/năm (có sự tài trợ của Nhà nước), các ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ngãi đã có hàng loạt các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Phó Giám đốc Viettinbank Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Hương, cho biết: “Ngân hàng đã chuẩn bị gói 3.000 tỷ đồng để cho nông dân, ngư dân vay vốn ưu đãi với lãi suất chỉ 7%/năm, thấp hơn cho vay thông thường từ 2,5 -3%/năm. Quảng Ngãi là một trong 3 khu vực được ưu tiên hưởng lợi từ gói tín dụng này của Viettinbank”.
Hiện Viettinbank cũng tổ chức quyên góp mỗi nhân viên một ngày lương để hỗ trợ cho ngư dân, lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đang bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngân hàng đã quán triệt nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho ngư dân sớm tiếp cận nguồn vốn, khi họ cần.
Đối với ngư dân vay đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, Viettinbank chỉ cần tài sản đảm bảo là con tàu cộng với tài sản bất động sản là có thể vay được vốn. Sau khi làm thủ tục, trong vòng 2 ngày ngân hàng sẽ giải ngân cho ngư dân.
Với cách làm này, các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút một lượng khách hàng lớn là ngư dân đến với mình. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng TMCP SeAbank chi nhánh Quảng Ngãi tăng trưởng ở lĩnh vực ngư nghiệp gần 20 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ ở lĩnh vực này lên 40 tỷ đồng, với 200 khách hàng vay. Hiện SeAbank cũng đã dành gói 1.000 tỷ đồng để cho vay phát triển hậu cần nghề cá.
Đặc biệt, ngân hàng đã mạnh dạn cho đối tượng vay là bạn thuyền. Trước đây, các ngân hàng đều hướng đến khách hàng là chủ tàu (bởi họ có tài sản thế chấp là con tàu), nhưng thực tế bạn tàu, các cơ sở hậu cần nghề cá cũng rất khát vốn. Đối tượng này, ngân hàng nới lỏng điều kiện vay thì họ sẽ đến với ngân hàng khá đông.
Trong khi đó, Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi cũng đã thực hiện ký kết với Liên đoàn lao động tỉnh cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tiếp cận với nguồn vốn vay nhanh gọn, hiệu quả. Nhiều đoàn viên đã đóng mới, cải hoán, nâng cấp, sửa chữa tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ và phí tổn để ra khơi, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Sau hai năm, Vietcombank cho 320 ngư dân và 20 hộ kinh doanh hậu cần nghề cá vay với dư nợ đến tháng 5.2014 đạt 260 tỷ đồng.
Sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại hướng vào lĩnh vực ngư nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi trong tình hình Biển Đông đang “nóng” như hiện nay đã góp phần hạn chế việc vay nóng với lãi suất quá cao. Đồng thời, giúp ngư dân có điều kiện đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi xa bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 6 tháng đầu năm, mặc dù ngư trường có nhiều sóng gió, nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển, đánh bắt đạt trên 70.000 tấn hải sản, là một trong 10 tỉnh có số lượng khai thác đạt và vượt chỉ tiêu cao.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi Trần Luyện đã đánh giá cao các ngân hàng thương mại đã linh hoạt, chủ động, có những chính sách phù hợp đến với ngư dân, mang nguồn vốn tín dụng có lãi suất thấp cho ngư dân vay, phát triển kinh tế biển tại địa phương và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bởi, mỗi một con tàu xuất bến, góp thêm một lá cờ tung bay trên vùng biển Việt Nam là tăng thêm sức mạnh, ý chí, sự đoàn kết của ngư dân trên biển.
Có thể bạn quan tâm

Giá tiêu sọ ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã giảm từ 20 – 30% trong vòng một tuần qua và hiện dao động ở mức 100.000 – 110.000 đồng/kg.

Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp vừa kết hợp với UBND xã Bình Hàng Trung tổ chức hội thảo mô hình canh tác mè trên nền đất lúa.

Vài năm trở lại đây, ở Tiền Giang, tình hình dịch bệnh trên tôm sú nuôi quảng canh cải tiến ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi đó các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh đối với mô hình này dường như không có hiệu quả. Vậy mà, hiện nay bà con nuôi tôm quảng canh cải tiến vẫn còn xem nhẹ vấn đề chất lượng con giống khi chỉ mua loại tôm sú giống được xem là dành riêng cho hình thức nuôi này với giá chỉ bằng 40% so với tôm giống thả nuôi thâm canh, bán thâm canh. Đây chính là mầm móng dễ xảy ra dịch, bệnh báo động.

Sau hơn 15 năm triển khai sản xuất, mô hình lúa lai F1 đang có dấu hiệu chững lại. Lãnh đạo nhiều huyện, xã, đặc biệt các chủ nhiệm HTX không còn mặn mà với mô hình một thời là vấn đề thời sự trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vậy nguyên nhân vì sao?

Vụ 1 năm nay, toàn huyện Núi Thành thả nuôi tôm trên diện tích 600ha (bằng 60% kế hoạch). Mặc dù các hộ thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ nhưng do nguồn nước, con giống chưa đảm bảo nên đã có 29ha bị dịch bệnh.