Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Trái Cây Tết Kém Vui

Vụ Trái Cây Tết Kém Vui
Ngày đăng: 24/12/2013

Nhiều nhà vườn làm trái cây bán tết dịp này buồn nhiều hơn vui. Vì năm nay thời tiết bất thường, đa số các vườn chọn cách xử lý cây cho trái bán dịp Tết Nguyên đán đều không thành công.

Vào dịp cuối năm, nông dân ở Đồng Nai thường dùng biện pháp kỹ thuật để có bưởi, xoài, quýt, mãng cầu bán Tết Nguyên đán. Song năm nay theo các nhà vườn, tỷ lệ trái xử lý bán tết chỉ đạt 30-40% so với năm 2012.

* Thất mùa xoài tết

Trong tỉnh có 3 vùng trồng xoài lớn là: Vĩnh Cửu, Định Quán và Xuân Lộc. Mỗi năm nông dân thường xử lý cho cây xoài ra trái 2 vụ: vào dịp Tết Nguyên đán và dịp tháng 3, 4. Nếu xoài xử lý đạt vào dịp tết, nông dân thường bán được giá cao hơn, nên hầu hết các nhà vườn đều thực hiện.

Ông Nguyễn Đăng Bông, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) than: “Các xã viên trong hợp tác xã đều xử lý xoài trái vụ bán tết, song tỷ lệ đậu trái chỉ đạt khoảng 30% so với năm trước. Vì thế, dịp tết này rất ít xã viên có xoài bán”. Cũng theo ông Bông, các hộ trồng xoài khác của xã cũng gặp tình cảnh tương tự.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), người có trang trại xoài rộng trên 20 hécta và có thâm niên nhiều năm trong nghề trồng xoài cũng ngao ngán: “Vườn của tôi được nhiều người đánh giá là xử lý đạt, nhưng so với dịp gần tết năm 2013 năng suất chỉ bằng một nửa”.

Do thất mùa nên giá xoài năm nay cao hơn năm trước 3-4 ngàn đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Đảm, ấp 2B, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), nói: “Hơn 2 hécta xoài của tôi xử lý cho trái bán vào dịp Noel và Tết Nguyên đán. Tuy năng suất năm nay thấp, nhưng bù lại đầu ra rất thuận lợi, thương lái vào tận vườn mua với giá từ 11-12 ngàn đồng/kg”.

Theo các hộ nông dân trồng xoài, mọi năm xoài quá xấu nông dân thường đổ bỏ thì dịp này thương lái vào vườn mua hết với giá 7-8 ngàn đồng/kg. Và một số thương lái nhận định, tết này giá xoài sẽ mắc hơn trong năm, vì không chỉ Đồng Nai mà các tỉnh miền Tây xoài tết cũng bị thất mùa.

* Bưởi tết hiếm hàng

Về vùng bưởi Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) dịp này, tìm những vườn bưởi trĩu trái dành bán tết rất hiếm. Tỷ lệ trái các nhà vườn giữ lại chỉ bằng 20-30% so với năm trước. Lý do khiến bưởi tết Tân Bình năm nay hiếm hàng là do thời tiết không thuận, nhiều nhà vườn thấy giá bưởi dịp này cao nên đã bán bớt, chỉ giữ lại số lượng ít.

Phó chủ nhiệm HTX bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) Ngô Văn Thân chia sẻ: “Dịp tết năm trước, HTX có hơn 300 tấn bưởi bán tết, song năm nay số lượng chỉ còn chừng trên 100 tấn, bằng 40% so với tết trước. Thời điểm này, các vườn có bưởi bán tết đều được thương lái vào đặt mua”. Một số nhà vườn trồng bưởi ở xã Tân Bình cho hay, năng suất bưởi năm nay không đạt, từ chính vụ đến thời điểm này, giá bán cao gấp 1,5 lần so với năm trước nên nhiều nhà vườn đã bán dần, không neo lại chờ tết.

“Năm 2012, vào chính vụ bưởi chỉ có hơn 200 ngàn đồng/chục, tôi đã neo lại khoảng 5 ngàn trái để bán tết. Còn năm nay từ chính vụ cho đến dịp này, giá dao động từ 350-400 ngàn đồng/chục, tôi đã bán gần hết chỉ để lại khoảng 500 trái bán tết” - ông Lê Văn Tự ở ấp Tân Triều, xã Tân Bình cho biết. Giữ bưởi bán tết là việc không dễ, đòi hỏi các nhà vườn phải có kỹ thuật, kinh nghiệm tốt mới làm được. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay khá bất thường, bưởi hay bị sâu bệnh nên nhiều nhà vườn thấy bưởi được giá là bán ngay mà không đợi tết.

Ngoài bưởi, xoài thì quýt xử lý bán Tết 2014 cũng rất ít hàng. Vì diện tích quýt trong tỉnh hiện giảm rất nhiều, một số vùng trồng quýt lớn của huyện Long Thành, Tân Phú gần như bị xóa sổ. Ngay nơi được mệnh danh “thủ phủ” của quýt đường ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) diện tích quýt chỉ còn 1/3. Mãng cầu xiêm ở vùng Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) diện tích còn không đáng kể nên lượng trái cho dịp tết sẽ rất ít.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng không dễ như mong đợi Phát triển chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng không dễ như mong đợi

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 – 2020 đã bắt đầu bộc lộ những khó khăn nhất định. Sự kỳ vọng về giảm nghèo bền vững từ nghề nuôi bò sữa vì thế cũng khó đạt được như mong đợi.

06/08/2015
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi lúng túng, thiếu đồng bộ Tái cơ cấu ngành chăn nuôi lúng túng, thiếu đồng bộ

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi trong cả nước, đặc biệt là thời gian tới khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức có hiệu lực thì nhiều sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm nhập của các nước có thuế bằng 0% sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam, sẽ tác động mạnh vào ngành chăn nuôi trong nước, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai ở một số địa phương còn nhiều bất cập…

06/08/2015
Bình Thuận chú trọng phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm Bình Thuận chú trọng phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận chưa xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên heo. Hiện tại, ngành đang tập trung chỉ đạo chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm…

06/08/2015
Tác động của TPP đến ngành chăn nuôi Tác động của TPP đến ngành chăn nuôi

Sáng ngày (3/8), Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Khía cạnh kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi”.

06/08/2015
Nghề nuôi đà điểu hết thời Nghề nuôi đà điểu hết thời

Cách đây 5 năm, người dân vùng ven biển Quảng Nam chọn nuôi đà điểu để xóa đói giảm nghèo. Nhưng thời gian gần đây người dân không còn mặn mà với mô hình này bởi khó tìm đầu ra.

06/08/2015