Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ươm Cây Con Cho Vụ Mùa Mới

Ươm Cây Con Cho Vụ Mùa Mới
Ngày đăng: 29/11/2013

Mỗi năm, khi nước lũ rút dần, những bãi bồi ven sông, kênh lại được phủ thêm lớp phù sa màu mỡ. Đó cũng là lúc nghề ươm cây con khởi động. Cây con được cung ứng cho các nhà vườn với đủ chủng loại, không chỉ quan trọng về số lượng mà còn quyết định chất lượng của “những mùa vàng” vào dịp cuối năm.

Ở xã Phú An (Phú Tân - An Giang), nghề ươm cây con tồn tại cả chục năm nay, nuôi sống những gia đình không đất đai từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phục vụ cho nhu cầu trồng hoa màu và cây ăn trái sau mùa nước, từ tháng 7 kéo dài đến tháng Chạp (âm lịch), nhà nhà đều ươm giống cây con để bán cho các xã lân cận và cả một số huyện của tỉnh Đồng Tháp. Bà Nguyễn Thị Nở (64 tuổi, ngụ ấp Bình Phú) cho biết, trong ấp có đến vài chục hộ trồng, ươm giống cây con.

Giống cây con chủ yếu được ươm bán là bạch đàn, đu đủ, cà chua, bầu, bí, ớt, mướp… Theo kinh nghiệm, người dân thường tìm đến các nhà vườn ở xã Tân Hòa (Phú Tân) chọn những loại cây có trái to và đẹp để làm giống.

Cũng có hộ sang tận Hồng Ngự, Thanh Bình (Đồng Tháp) mua giống do các cơ sở cung cấp. Hạt giống sau khi ươm thành cây con cao khoảng 3 đến 4 phân, được rửa sạch rễ và cấy vào bầu đất (làm từ lá chuối hột, cuộn tròn cùng đất trộn tro) và đem bán.

Riêng các loại cây to như bạch đàn, đu đủ thì phải sử dụng loại bầu đất lớn và chắc chắn bằng ny-lon để thời gian ươm giống và nuôi cây lâu hơn. Trung bình mỗi ngày, bà Nở bán được một thiên (1.000 cây) cây giống, giá bán mỗi thiên từ 150 – 200 ngàn, trừ chi phí còn lời khoảng 40 - 50 ngàn đồng. Để có đủ cây giống bán cho các bạn hàng, nhiều hộ còn tranh thủ thắp điện ngoài sân để cấy giống vào ban đêm.

Khác với ấp Phú Bình, người ươm giống cây con ở ấp Thị 2, xã Hội An (Chợ Mới) có lợi thế hơn bởi được thành lập hẳn một nghiệp đoàn và được hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm và các đầu mối tiêu thụ. Thương hiệu cây giống Hội An nay đã lan tỏa khắp các tỉnh đồng bằng và các thị trường lớn. Tùy theo quy mô diện tích, mỗi hộ có nguồn thu từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/tháng từ nghề này.

Ông Lê Hoàng Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn ươm giống cây con ấp Thị 2 cho biết, do cây màu bấp bênh theo vụ nên tìm hiểu thị trường đang cần cây gì nông dân ở đây mới ươm cây đó cung cấp cho nhà vườn. Như hiện nay, thế mạnh nhất là cây ớt, cải, cải bẹ xanh, cà trái dài. Thấy chuyện ươm cây con bán lại cho người trồng cũng đơn giản nhưng theo ông Phúc, nghề này đòi hỏi nhiều điều kiện lắm.

Cây con phải khỏe, sống được trong nhiều điều kiện, đặc biệt là trồng xuống đất rồi phải phát triển, có năng suất thì mới tạo được thương hiệu và làm ăn lâu dài được. Ông giải bày: “Hồi xưa trồng theo kinh nghiệm, chuyện trúng, thất cũng… hên xui, nhưng thời nay có khoa học kỹ thuật rồi, phải học theo cho kịp với người ta mới được.

Làm rẫy cực lắm, nếu ôm mãi kiểu canh tác truyền thống sẽ khó lòng khá lên được”. Một trong những nét đổi mới mà ông Phúc chia sẻ là công đoạn ươm cây được tiến hành trong khay, giúp giảm diện tích và chi phí hơn so với trước. Từ thành công này, ông còn chuẩn bị thực hiện ý tưởng ươm cây trong nhà kín, ghép giống trong vườn của mình.

Mỗi người có một “bí quyết” riêng để cây giống của mình phát triển tốt, bán được giá và được nhà vườn mua với số lượng nhiều. Cốt lõi nằm trong cách bón phân, tưới nước và chọn giống, làm sao chi phí không cao, mà lợi nhuận tương đối là thành công. Hiện nay, phần lớn các công đoạn của việc ươm cây giống còn làm thủ công nên số lao động tại địa phương tham gia cũng rất nhiều.

Người già, phụ nữ, trẻ em đều có những việc làm phù hợp, từ xé lá chuối, gianh, quấn thành bầu, sàng đất, trám bầu… đến tưới nước, bỏ hạt, phân loại. Việc được nhiều người làm nhất và cũng cực nhất là trồng cây vào bầu. Để trồng cây vào bầu đủ số lượng lớn, nhân công phải thức cả ban đêm, nhưng bù lại thu nhập khá cao, bình quân một người làm kiếm được từ 200 đến 250 ngàn đồng/ngày.


Có thể bạn quan tâm

Ngọt Ngào Hương Vị Mít Ninh Sơn (Ninh Thuận) Ngọt Ngào Hương Vị Mít Ninh Sơn (Ninh Thuận)

Hỏi về người trồng mít nhiều kinh nghiệm ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận), không ai qua được vợ chồng bà Nguyễn Thị Bé ở thôn Tầm Ngân 2. Hàng cây xà cừ tỏa bóng rợp mát con đường nhỏ chạy giữa khung cảnh làng quê thơ mộng. Một bên là kênh thủy lợi dẫn nước từ sông Ông, một bên là đồng lúa chấp chới cánh cò.

01/10/2014
Cả Nước Có Gần 18.000 Ha Cây Thanh Long Bị Dịch Bệnh Đốm Nâu Cả Nước Có Gần 18.000 Ha Cây Thanh Long Bị Dịch Bệnh Đốm Nâu

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), trên cả nước hiện trồng khoảng 33.600 ha cây thanh long thương phẩm. Trong đó, tại tỉnh Bình Thuận có 24.000 ha, Long An có 5.400 ha và tỉnh Tiền Giang trồng 4.200 ha.

01/10/2014
Sản Lượng Chuối Mô Đạt Hơn 6.300 Tấn. Sản Lượng Chuối Mô Đạt Hơn 6.300 Tấn.

Trong đó, diện tích chuối mô cho thu hoạch trong năm 2014 là 270 ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của trận gió lốc ngày 4/6/2014 đã làm 14,5 ha chuối trong giai đoạn có quả non bị gãy đổ. Vì vậy, diện tích cho thu hoạch trong năm 2014 chỉ còn 255,5 ha, sản lượng ước đạt hơn 6.300 tấn.

01/10/2014
Cảnh Giác Với Chế Phẩm Trị Bệnh Vàng Lá Gân Xanh Cảnh Giác Với Chế Phẩm Trị Bệnh Vàng Lá Gân Xanh

Lợi dụng nhu cầu cần trị bệnh trên cây có múi của nhiều nhà vườn, một số công ty đã đến tư vấn các chế phẩm nông nghiệp ngăn chặn bệnh vàng lá gân xanh (Greening) trên cây cam sành. Trong khi các cơ quan chuyên môn Hậu Giang khẳng định, đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại phân, thuốc nào có khả năng đặc trị được dịch bệnh nguy hiểm này.

01/10/2014
Bến Tre Tiến Tới Xây Dựng Thương Hiệu Cây Trái Đặc Sản Cái Mơn Bến Tre Tiến Tới Xây Dựng Thương Hiệu Cây Trái Đặc Sản Cái Mơn

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Chợ Lách (Bến Tre) phát huy tốt thế mạnh kinh tế vườn với nhiều loại hoa kiểng, cây ăn trái đặc sản. Làng nghề hoa kiểng - cây giống Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) có truyền thống trăm năm, đã đưa sản phẩm của vùng đi khắp cả nước.

01/10/2014