Vỡ Quy Hoạch Trồng Cao Su, Hàng Nghìn Diện Tích Bị Chặt Hạ
Tình trạng diện tích cao su được trồng mới ồ ạt đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết
Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 là 800.000ha và giữ diện tích ổn định ở mức này.
Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến nay diện tích cây cao su cả nước đã vượt hơn 155.700ha so với quy hoạch; trong đó, vùng Đông Nam Bộ vượt trên 135.000ha, chủ yếu do dân tự chuyển đổi từ cây trồng khác (mía, sắn, điều...) sang trồng cao su vì đây là vùng thuận lợi cho cây cao su phát triển và năng suất cao.
Phá vỡ quy hoạch
Tại hội nghị sản xuất cao su năm 2014 tổ chức vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong 10 năm qua, diện tích cao su của Việt Nam đã tăng gần gấp 2 lần, từ 454.000ha năm 2004 tăng lên trên 955.000ha vào năm 2013.
So với Quyết định số 750/QĐ-TTg, diện tích cao su đã vượt khoảng trên 115.000ha. Hiện cả nước có khoảng 29 tỉnh, thành trồng cao su; trong đó, có 11 tỉnh có diện tích cao su vượt so với định hướng quy hoạch khoảng 162.000ha, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ như: Bình Phước vượt 82.000 ha, Tây Ninh vượt 33.200 ha, Bình Thuận vượt 10.800 ha, Bình Dương vượt 7.300 ha,…
Đặc biệt, có 9 tỉnh chưa nằm trong quy hoạch gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Long An, nhưng vẫn có trên 13.000ha cao su.
Lý giải việc diện tích cao su tăng mạnh những năm gần đây, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trong giai đoạn 2009-2013, giá xuất khẩu cao su ở mức cao nhất kể từ năm 1961 đã khiến nhiều người đổ xô trồng mới cao su. Chỉ trong giai đoạn này, diện tích cao su cả nước đã tăng thêm 375.000ha.
Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng cho rằng, do lợi ích và hiệu quả của cây cao su trong thời gian qua nên người dân trên cả nước đã đua nhau trồng cao su, rất khó kiểm soát, dẫn đến diện tích vượt so với quy hoạch.
Những năm trước cao su bán được giá, nhiều bà con nông dân cũng đã mạnh dạn vay ngân hàng mua lại nhiều diện tích cao su với kỳ vọng lớn, thậm chí có thời điểm một héc-ta cao su có giá từ 800 triệu đến1 tỷ đồng; đến nay giá thấp, thu lợi từ cao su không thể trả lãi vay ngân hàng, dẫn đến bị lỗ.
Tình trạng diện tích cao su được trồng mới ồ ạt đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Theo ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, mặc dù Bình Phước là địa phương có khí hậu, đất đai rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây cao su.
Tuy nhiên, do việc tăng diện tích trong những năm gần đây, công tác giám sát, quản lý quy hoạch chưa được tốt nên nhiều diện tích trồng mới không phù hợp cho cây cao su sinh trưởng. Hiện Bình Phước có khoảng 2.600ha cao su đang được trồng trên những vùng đất không thích nghi về độ dốc, nhóm đất, mực nước ngầm, tầng mặt đất…
Cao su không phải là cây công nghiệp số một
Do sự biến động của thị trường cao su thế giới, từ đầu năm đến nay, giá cao su trong nước liên tục giảm mạnh. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các hộ nông dân trồng cao su tiểu biều trong cả nước. Tuy nhiên, thực tế việc người dân chặt phá hàng loạt diện tích cây cao su để chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn không quá nguy so với thông tin dư luận vừa qua.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có trên 3.800ha diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi sang cây trồng khác. Trong đó, có tới trên 3.100ha (chiếm 81%) cây cao su do mưa bão gãy đổ, già cỗi,… người dân tranh thủ giá cao su xuống thấp nên đã tiến hành thanh lý sớm để giải phóng đất, tái canh cao su bằng giống mới năng suất cao hơn song cũng có khoảng 733ha cao su (19%) mới trồng hoặc bắt đầu thu hoạch bị chặt phá, chuyển đổi tự phát sang cây trồng khác có giá trị cao hơn như tiêu, càphê, chanh dây,...
Theo ông Trần Ngọc Thuận, việc chặt bỏ cây hàng năm là bình thường, nếu cứ nhìn hình ảnh này rồi nói chặt phá cao su thì không đúng.
Chỉ tính riêng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, mỗi năm đơn vị cũng tiến hành chặt 10.000-12.000ha vườn già cỗi để thanh lý trồng mới. Mặc dù, thời điểm này, trồng cao su lợi nhuận không thể bằng như những năm trước đây, song trong điều kiện giá cao su hiện nay, người dân vẫn làm ăn có lãi.
Về thông tin người dân chuyển đổi một số diện tích cao su vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng với số liệu 3.800ha bị thanh lý so với tổng diện tích trồng cao su cả nước là 950.000ha thì không phải là lớn. Một số diện tích do nông dân chặt bỏ để tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng chủ yếu rơi vào vườn cây cho hiệu quả kinh tế không cao, do cạo quá sức, đất không phù hợp hay giống kém chất lượng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý cây cao su là cây lâu năm, bài toán hiệu quả cây cao su không thể nói con số của 1 năm mà phải nói con số của 25 năm. Vì vậy, ngành nông nghiệp ở các địa phương cần phải theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để tránh việc chặt bỏ cây không đáng có, gây thiệt hại cho người dân.
Việc người dân tự phát tăng diện tích cây trồng dẫn đến phá vỡ quy hoạch khi được giá, rồi tự ý chặt bỏ khi sản phẩm rớt giá. Đó là tình trạng chung của một số nông sản ở Việt Nam trong thời gian qua.
Để tránh tình trạng này xảy ra trong ngành cao su, ông Trần Ngọc Thuận khuyến cáo, cao su không phải là cây trồng số một mà chỉ là loại cây ổn định lâu dài. Các địa phương và bà con nông dân cần tính toán kỹ, thấy cây nào hiệu quả hơn thì trồng, không nhất thiết phải trồng cao su.
Đặc biệt, đối với những vườn cây cao su cho năng suất thấp, trồng đất không phù hợp thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn.
“Để người dân sản xuất hàng hóa không có hiệu quả thì bản thân chúng tôi cũng có trách nhiệm, nhưng trong bối cảnh chung, chúng ta cần bình tĩnh. Với dự báo hiện nay, tình hình cao su không phải là bế tắc, hướng phát triển vẫn có. Vì vậy, chúng tôi mong các lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở các tỉnh, thành có cao su triển khai các biện pháp thắt chặt, giảm giá thành đầu tư đối với diện tích trồng mới để có hiệu quả và lợi nhuận,” ông Thuận chia sẻ...
Có thể bạn quan tâm
Gần 329 ha rừng trồng của 57 hộ dân tại xã Lộc Bổn (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) được cấp chứng chỉ rừng (CCR) thí điểm thông qua Dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3). Lợi ích
Trung bình mỗi sào sắn dây cho thu 1,4 tấn củ. Với giá bán trung bình từ 9.000 - 10.000 đ/kg, trừ chi phí, nông dân thu lãi 10 - 12 triệu đ/sào.
Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy, Nam Định) được thành lập từ đầu năm 2014 trên cơ sở hình thành từ cơ sở sản xuất nấm Tuấn Hiệp.
Hiện nay, mặc dù giá hạt tiêu đang cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng người trồng tiêu và kinh doanh mặt hàng này không vui.
Niên vụ mía năm 2015 - 2016, UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh phối hợp với Công ty Mía đường Trà Vinh xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) đối với cây mía tại ấp Long Hưng, có 28 hộ tham gia với diện tích 21,9ha.