Vì sao Việt Nam tạm ngừng nhập khẩu nông sản từ một số nước
Thời gian qua, liên tiếp nhiều mặt hàng nông sản, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nhiều thị trường đã bị Bộ NN-PTNT tạm ngừng NK
Chúng tôi đã trao đổi với ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV về nguyên nhân các mặt hàng NK bị “tuýt còi”.
Trong ảnh: Mọt TG, đối tượng dịch hại đặc biệt nguy hiểm bị phát hiện trong nhiều lô hàng NK thời gian qua.
Gần đây nhất, ngày 17.10.2016, ba quốc gia gồm Hoa Kỳ, Sudan và Hồng Kông đã bị Bộ NN-PTNT ký quyết định tạm ngừng NK đối với một số mặt hàng gồm bột bã ngô (Distiller’s dried grains with soluble - DDGS) từ Hoa Kỳ do nhiễm mọt Trogoderma variabile Ballion; lạc từ Sudan và Hồng Kông do bị nhiễm mọt cứng đốt Trogoderma granarium Everts (mọt TG) và mọt lạc serratus Caryedon serratus Olivier. Trước đó, ngày 11.7.2016, Bộ NN-PTNT cũng đã quyết định tạm ngừng NK lạc từ Senegal; bông thô của Ghana do bị nhiễm loài mọt TG và một số đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) khác (quyết định ngày 11.10.2016).
Như vậy chỉ trong vòng gần 4 tháng qua, đã có 5 quốc gia có sản phẩm XK sang Việt Nam bị quyết định tạm ngừng NK do nhiễm các đối tượng thuộc diện KDTV.
Theo ông Hoàng Trung, vừa qua, hơn 6.000 tấn bột bã ngô được NK từ Hoa Kỳ đã bị buộc phải tái xuất.
Thưa ông, một số DN nhập khẩu phàn nàn rằng, các lô hàng NK về cảng nhiễm dịch hại thì nên cho phép được xử lí tại chỗ. Buộc tái xuất và tạm ngừng NK gây thiệt hại cho họ?
- Theo Luật Bảo vệ và KDTV và các quy định hiện hành, tùy từng đối tượng KDTV mà chúng ta buộc phải tiêu hủy ngay hoặc áp dụng các biện pháp cảnh báo trước khi quyết định tạm ngừng NK hoặc tái xuất, chứ không phải đột nhiên bị cấm NK ngay.
Ví dụ đối với sản phẩm DDGS nhập từ Mỹ, theo quy định nếu bị phát hiện lô hàng đầu tiên nhiễm dịch hại thuộc đối tượng KDTV, chúng ta vẫn cho phép áp dụng các biện pháp khử trùng tại chỗ để thông quan, đồng thời có thông báo cảnh báo ngay cho cơ quan KDTV của nước XK có các biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên nếu đơn vị NK mặt hàng đó tiếp tục vi phạm lần thứ hai, sẽ áp dụng biện pháp tái xuất. Nếu DN vẫn cố tình vi phạm lần thứ 3 liên tiếp, cơ quan KDTV Việt Nam mới có quyền quyết định tạm dừng NK.
Từ năm 2012, chúng ta đã từng phát hiện hàng chục lô hàng DDGS nhập từ Mỹ bị nhiễm các loại mọt nguy hiểm và từng có thông báo cho họ để khắc phục.
Sau giai đoạn 2013-2014 được kiểm soát tốt thì từ 2015 đến nay, đã có hơn 10 lô hàng DDGS do 13 doanh nghiệp Việt Nam NK về bị phát hiện có nhiều đối tượng thuộc diện KDTV nguy hiểm, đặc biệt là mọt TG. Không chỉ đối với riêng Hoa Kỳ mà tất cả các trường hợp bị ngừng NK thời gian qua, Cục BVTV đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam về KDTV cũng như thông lệ quốc tế.
Ông Hoàng Trung
Vậy các nước XK bị tạm ngừng NK họ có phản hồi thế nào?
- Nhiều nước họ có phản hồi và thắc mắc về điều này, tuy nhiên chúng ta làm đúng theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế thì họ phải chịu thôi!
Chẳng hạn việc ngừng nhập DDGS của Mỹ vừa qua, Hiệp hội ngũ cốc Mỹ cùng nhiều nhà xuất khẩu, tham tán thương mại Mỹ tại Việt Nam đã làm việc với Cục BVTV xem nguyên nhân tại sao chúng ta ngừng NK.
Sau khi nghe Cục BVTV trình bày nguyên nhân, có đầy đủ các chứng cứ khoa học, quy định pháp luật, thông lệ quốc tế…, họ không có ý kiến gì, mà chỉ mong muốn cơ quan KDTV hai bên thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau hơn để kịp thời thông tin, khắc phục các vi phạm của DN hai bên vấp phải.
Cục cũng đã đề nghị các nhà XNK tìm các thị trường mới tốt nhất để tái xuất các lô DDGS bị Việt Nam buộc tái xuất, hiện toàn bộ các lô đã được tái xuất đi theo yêu cầu…
Trước đây, Ấn Độ cũng là nước từng phản ứng với quyết định ngừng NK ngô của Việt Nam. Họ cử đoàn công tác sang tận nơi để kiểm tra.
Cục BVTV đã đưa họ ra tận các tàu chở lô hàng bị nhiễm dịch hại để kiểm tra thực tế, và họ hoàn toàn đồng ý sẽ phối hợp với cơ quan KDTV của Việt Nam để khắc phục…
Hơn 6.000 tấn DDGS nhập từ Mỹ vừa bị buộc tái xuất (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng có nhiều nước mặc dù nhận được thông báo của chúng ta, nhưng họ chẳng phản hồi, nhất là các nước châu Phi như Senegal, Ghana như vừa qua. Với các trường hợp này, chúng ta buộc phải theo thông lệ quốc để thực hiện. Chỉ khi nào họ có báo cáo kỹ thuật, có biện pháp khắc phục và phản hồi, chúng ta sẽ kiểm tra và có thể mở cửa trở lại.
Riêng thị trường Mỹ từ 2012 đến nay đã dính 26 lô nhiễm các đối tượng kiểm dịch, 2012 đã từng phát hiện nhiều lô, sau đó 2013-2014 rất tốt, gần như không phát hiện lô nào, tuy nhiên đến 2015 lại có nhiều lô dính vi phạm, buộc Cục phải thực hiện theo quy định và thông lệ quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Mọt TG là đối tượng KDTV đặc biệt nguy hiểm, các nước đều đưa vào danh mục đối tượng KDTV nghiêm ngặt, thậm chí áp dụng biện pháp cấm NK ngay nếu phát hiện sự hiện diện của loài này ngay tại nước XK, một số nơi thậm chí còn đặt bẫy kiểm tra mọt TG ngay tại kho trước khi xuất hàng.
Chính vì vậy, việc chúng ta buộc phải cảnh báo, thậm chí tạm ngừng NK khi phát hiện các lô hàng nhiễm mọt TG nói riêng cũng như các đối tượng thuộc diện KDTV theo thông lệ quốc tế là điều hoàn toàn bình thường. Hiện nay, Cục BVTV cũng đã phát hiện một số lô hàng quả me NK bị nhiễm dịch hại, nếu DN không khắc phục thì có thể bị ngừng NK.
(Ông Hoàng Trung)
Có thể bạn quan tâm
Xuất phát điểm là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ mạnh dạn đầu tư, tích lũy kinh nghiệm thực tế và kiến thức từ khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Trong vòng một tuần, giá chanh dây ở Gia Lai rớt từ 56.000 đồng xuống còn 10.000 đồng mỗi kg nhưng người dân vẫn trồng ào ạt.
Với nhiều cách làm sáng tạo: bắt cây na dai trổ quả trên thân, cắt cành hợp lý nông dân ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tạo nên một vụ na bội thu