Chanh dây rớt giá, người dân vẫn trồng ào ạt
Trong vòng một tuần, giá chanh dây ở Gia Lai rớt từ 56.000 đồng xuống còn 10.000 đồng mỗi kg nhưng người dân vẫn trồng ào ạt.
Hơn một tuần qua, giá chanh dây tại các huyện Mang Yang, Đắk Đoa (Gia Lai) ồ ạt rớt giá khiến người dân lo lắng.
Theo đó, chỉ một tuần trước giá chanh dây ở mức 56.000 đồng thì đến nay chỉ còn 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do trồng loại cây này có lợi nhuận nên người dân vẫn tiếp tục đầu tư vì nghĩ sẽ thu lại lợi nhuận cao.
Anh Lê Thành Công (thôn Tân Phú, xã Đăk Djrăng, Đắk Đoa) cho biết mặc dù giá giảm mạnh nhưng đến hiện tại gia đình vẫn còn lãi.
Theo anh Công, đây là giá này là giá thấp nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, thời gian tới gia đình vẫn tiếp tục trồng thêm 200 gốc nữa. "Mong là lúc ấy giá chanh dây sẽ lên vì giá nông sản dao động lên xuống là chuyện bình thường", anh nói.
Trong ảnh: Người dân thu hoạch canh dây. Ảnh: Hải Nam .
Một thương lái thu mua chanh dây ở huyện Mang Yang, cho biết mỗi ngày thu mua 3-5 tấn.
Hiện, chanh dây có ba loại gồm chanh chợ là loại kém chất lượng, được mua với giá 5.000-6.000 đồng/kg; chanh múc, là loại chanh bị dập, hư trong quá trình thu hái, vận chuyển, khi mua về sẽ múc ruột, bỏ vỏ, giá 7.000-8.000 đồng và cuối cùng là chanh tốt giá từ 12.000-15.000 đồng.
"Đây chỉ là giá tương đối, vì một ngày có nhiều giá khác nhau. Tôi thu mua rồi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu ở Lạng Sơn. Về giá cả thì chúng tôi không kiểm soát được vì còn phải phụ thuộc vào bạn hàng ở Trung Quốc”, người này nói.
Theo thương lái, giá chanh thay đổi liên tục nhưng giá cây giống có nguồn gốc từ Trung Quốc rất cao do giống được cung cấp độc quyền với giá 36.000 đồng/cây.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Cơ (Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mang Yang) cho biết, mới 3 ngày trước giá còn tăng vọt ở mức hơn 50.000 đồng/kg. Theo ông, chanh dây được tiêu thụ chính ở thị trường Trung Quốc nên họ tự tăng giảm giá là chuyện không tránh khỏi.
Một điểm thu mua chanh dây tại Gia Lai. Ảnh: Hải Nam.
"Ở nước ta chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp nên trước mắt huyện cũng chỉ đưa ra khuyến cáo cho bà con nông dân. Ngoài ra, chanh dây không nằm trong quy hoạch của tỉnh nên huyện cũng đã cảnh báo bà con nông dây không nên tự phát trồng ồ ạt", ông Cơ nói.
Ông Hà Ngọc Uyển (Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai) cho biết người dân chạy theo phong trào trồng chanh dây ào ạt dễ dẫn đến rủi ro lớn. Giá chanh tăng cao nhưng chúng ta lại không làm chủ về giá, không liên kết được với nhà sản xuất, công ty chế biến thu mua, bao tiêu sản phẩm nên rủi ro là không tránh khỏi.
"Người dân cần nghe khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Hiện, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã xem xét đưa cây chanh dây vào diện quy hoạch, vấn đề bà con cần kiên nhẫn chờ đợi để trách gặp thiệt hại", ông Uyển nói.
Có thể bạn quan tâm
Năng suất, chất lượng trái giảm do mưa bão, trong khi đó phía Trung Quốc lại chuyển hướng thu mua sang quốc gia khác khiến giá xoài giảm mạnh
Trước khi trở thành tấm gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi trong xã với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, gia đình anh Hiền thuộc dạng hộ nghèo.
Xuất phát điểm là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ mạnh dạn đầu tư, tích lũy kinh nghiệm thực tế và kiến thức từ khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn