Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nữ Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi

Nữ Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi
Tác giả: Thương Huyền - Việt Anh
Ngày đăng: 28/10/2016

Xuất phát điểm là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ mạnh dạn đầu tư, tích lũy kinh nghiệm thực tế và kiến thức từ khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gia đình chị phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gà sinh sản quy mô hàng nghìn con.

Đến thăm trang trại gà của gia đình chị Lưu Thị Tuyết, ấn tượng đầu tiên là sự ngăn nắp, sạch sẽ dù phần lớn thời gian chỉ có hai vợ chồng chị bỏ công chăm sóc. Toàn bộ diện tích chăn nuôi rộng gần 300 m2 được chia làm ba khu chuồng nuôi nhốt gà tập trung, khép kín. Chị Tuyết chia sẻ: “Mối lo thường trực nhất của những người chăn nuôi gà là dịch bệnh.

Trong ảnh: Chị Lưu Thị Tuyết (thôn Yên Hậu, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong) chăm sóc đàn gà Ai Cập sinh sản cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Để phòng tránh, đàn gà 2 nghìn con của gia đình tôi đều được tiêm phòng cẩn thận, nuôi nhốt riêng theo từng khu, gối các đàn cách nhau từ 3 đến 5 tháng. Khu chăn nuôi được tổng vệ sinh, tiêu độc thường xuyên, có quạt thông gió thoáng mát, đường ống nước sạch đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, chất lượng trứng luôn được bảo đảm”.

Gắn bó với việc nuôi gà gần 10 năm nay, chị Tuyết đã trải qua nhiều thời điểm thất bại, thành công. Như nhiều người nông dân khác, ban đầu chị chăn nuôi chỉ với mong muốn giản đơn là có thêm thu nhập những lúc đồng ruộng nông nhàn. Từ vài chục con gà nuôi thả đơn giản, nhận thấy nguồn thu khá hơn hẳn so với làm ruộng, hai vợ chồng chị quyết định táo bạo rẽ hướng sang chăn nuôi.

Đã làm là phải đến nơi đến chốn, chị Tuyết cùng chồng lặn lội đi khắp nơi cả trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà sinh sản Ai Cập theo mô hình tập trung từ việc xây dựng chuồng trại đến lựa chọn con giống, thức ăn, chăm sóc đàn gà… Chị mạnh dạn vay ngân hàng để có đủ vốn đầu tư cải tạo diện tích đất vườn thành khu chuồng trại khép kín đạt tiêu chuẩn.

Chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng với sự chăm chỉ, cần cù cùng tinh thần chịu khó học hỏi của hai vợ chồng, những khó khăn ban đầu từng bước được khắc phục, đàn gà dần phát triển ổn định và cho hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt, năm 2012, chị Tuyết được tham gia khóa dạy nghề chăn nuôi thú y do Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Phong tổ chức. Lớp học đã mở mang kiến thức và cung cấp cho chị nhiều kỹ năng thiết thực bổ trợ cho việc chăm sóc đàn gà, chủ động phòng tránh dịch bệnh. Chị tâm sự: “Giống gà Ai Cập có quy trình chăm sóc khó hơn các giống gà khác nhưng tỷ lệ đẻ trứng cao, khoảng trên 80%, trứng gà to, đều, chất lượng trứng tốt.

Tuy nhiên để thu được thành quả bền vững, người chăn nuôi cũng phải có quyết tâm, kiên trì vượt qua thời điểm khó khăn bởi nuôi gà sinh sản nhiều khi thua lỗ nặng do trứng mất giá, dịch bệnh nhưng khi giá trứng cao thì lãi lớn”.

Nhớ lại thời điểm năm 2013, giá trứng xuống thấp kỷ lục chỉ còn 800-900 đồng/quả, để duy trì đàn gà gia đình chị chịu mất trắng hàng trăm triệu đồng. Nhưng chỉ năm sau giá trứng tăng cao trở lại, với năng suất trung bình khoảng 1.200 quả trứng mỗi ngày, số lãi mà gia đình chị  thu được lên tới gần 200 triệu đồng/năm. Hai năm gần đây, chị Tuyết tiếp tục đầu tư vào trồng cây ăn quả trên diện tích 4 sào gồm nhiều loại như: Ổi, táo, đu đủ…

Làm kinh tế gia đình thành công nhưng chị Tuyết vẫn luôn nhiệt tình, tâm huyết trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, chị luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bà con, lối xóm cùng nhau phát triển kinh tế; đồng thời là đầu tàu quy tụ, động viên các hội viên nông dân tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Lời nói luôn đi đôi với việc làm, nhiều năm liền chị Tuyết đều được khen thưởng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình tiên tiến về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cấp huyện, tỉnh. Nhiều hộ nông dân trong thôn nhờ sự giúp đỡ của chị đã chuyển hướng sang chăn nuôi với quy mô tập trung, trồng rau theo mô hình rau an toàn… từng bước vươn lên khá giả, góp phần đổi thay bộ mặt vùng quê thuần nông Yên Hậu. 


Có thể bạn quan tâm

ĐBSCL: Thương lái ngoảnh mặt, xoài rớt giá thê thảm ĐBSCL: Thương lái ngoảnh mặt, xoài rớt giá thê thảm

Năng suất, chất lượng trái giảm do mưa bão, trong khi đó phía Trung Quốc lại chuyển hướng thu mua sang quốc gia khác khiến giá xoài giảm mạnh

28/10/2016
Trùm hoa lan tuổi 70 ở đất thép Củ Chi Trùm hoa lan tuổi 70 ở đất thép Củ Chi

Nghe cách lão nông Nguyễn Thị Bé (ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM) kể rõ từng quy trình kỹ thuật trồng lan, tính toán chuyện kinh doanh

28/10/2016
Có mới nới cũ, vườn - ao - chuồng đem lại sung túc Có mới nới cũ, vườn - ao - chuồng đem lại sung túc

Trước khi trở thành tấm gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi trong xã với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, gia đình anh Hiền thuộc dạng hộ nghèo.

28/10/2016