Vì sao ngư dân chưa thể làm giàu từ biển?
Chất lượng hải sản thấp do khâu bảo quản còn hạn chế chính là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân chưa thể làm giàu từ biển.
Mỗi chuyến tàu cập Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang đều mang về hàng tấn hải sản. Chủ “nậu” T.V.R (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) ở chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang cho biết, hải sản mua về được phân ra rất nhiều loại. Có những hầm cá do ướp kỹ nên còn tươi, được phân làm loại 1; những con cá bị dập, đổi màu… được phân thành loại 2, 3 hoặc cá cho heo ăn (thường là cá ươn-PV). “Tụi tui mua giá rẻ bởi chất lượng cá chưa được cao. Chưa kể vào doanh nghiệp họ còn tuyển chọn nên hao hụt rất lớn”, chủ nậu R., giải thích.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một phần vì chất lượng hải sản còn thấp nên các “đầu nậu” mới có thể hạ giá cá kiếm lời. Trên nhiều tàu cá của ngư dân Đà Nẵng hiện nay bảo quản cá ở các hầm bao bọc xung quanh là xốp. Tuy nhiên lớp xốp đó dùng lâu ngày đã thấm nước, nhiều mùi hôi và ảnh hưởng đến những con cá sau. Tại nhiều tàu cá khi cập cảng, các hầm chứa, ướp cá truyền thống, cũ kỹ, từng lớp xốp đã úa vàng vì muối đá, vì cá. Các tàu cá khi về đất liền, bốc cá lên thì cá đã dập, ươn, mặc dù ngư dân cho biết chuyến biển đi chỉ có một tuần. Nguyên nhân chính là do hầm chứa đã quá cũ và hư hỏng…
Thực tế hiện nay, ngư dân đánh bắt hải sản đưa về đất liền thì chất lượng bị “rớt” mất từ khoảng 30% do khâu bảo quản. Nếu dùng hầm bảo quản thủy sản truyền thống thì hiệu suất sử dụng nước đá chỉ 50 - 60% nên chất lượng sản phẩm có thể giảm đến 30% - 40% tùy thuộc vào lượng ngày đi biển. Như vậy, việc bảo quản theo kiểu truyền thống dẫn đến chất lượng thủy sản bị hao hụt, cũng là một phần nguyên nhân khiến giá thành hải sản chưa cao. Tính nhẩm, nếu chất lượng cá không tốt, mỗi tấn bán khoảng 20 triệu đồng thì có thể bán được 30 triệu đồng/tấn cá nếu bảo quản một cách tốt hơn. Tính ra mỗi năm cho thu lợi hàng trăm triệu đồng nếu bảo quản được hải sản
“Tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, dù sản lượng họ đánh bắt ít, nhưng giá trị kinh tế rất cao, ngư dân được hưởng lợi. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống bảo quản họ rất tốt. Vì vậy, hơn ai hết, ngư dân phải nâng cấp, đầu tư trang thiết bị. Phải làm sao một tấn cá khi đánh bắt trên biển, khi đem về đất liền còn nguyên chất lượng một tấn, khi đó mới có thể làm giàu từ biển”, ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng nói...
Để đầu tư khâu bảo quản, điều ngư dân cần nhất là vốn. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 63 và Quyết định 65 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông thủy sản. Gần đây, Nghị định 67 của Chính phủ cũng có chính sách ưu đãi tín dụng dành cho ngư dân khi đóng mới tàu cá nên cơ hội để ngư dân tiếp cận các công nghệ bảo quản tiên tiến đối với tàu cá mới rất cao.
Trong khi đó, đi tìm giải pháp giúp ngư dân, vừa qua TS Phan Quý Trà và Th.S Hồ Quốc Sơn (Trường Cao đẳng Công nghệ, ĐH Đà Nẵng) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng nghiên cứu thành công “Hệ thống lạnh cho tàu đánh bắt xa bờ”. Hệ thống này đã được lắp đặt và vận hành thử nghiệm thành công trên tàu cá ĐNa 90621 TS của ông Đồng Văn Đền (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) từ tháng 9-2014.
Ông Đền cho biết, qua các chuyến đi biển, hệ thống lạnh mới giúp đá ít tan, cá được bảo quản tươi hơn, đặc biệt là số cá hư hao do lớp đá và cá ở trên đè xuống lớp dưới cũng ít hơn, hiệu quả trên mỗi chuyến biển tăng. Còn theo các kỹ sư, thì ưu điểm lớn nhất của hệ thống lạnh cho tàu cá xa bờ là giảm tổn thất lạnh, nâng cao chất lượng hải sản và bảo đảm an toàn thực phẩm trong đánh bắt hải sản xa bờ…
* Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Tổ chức khai thác theo tổ đội
Để khắc phục tình trạng rớt giá sản phẩm đánh bắt, cần tổ chức khai thác theo tổ đội để tạo thành đầu mối giữa các chủ tàu và nhà máy chế biến nhằm tránh bị trung gian ép giá, đồng thời Nhà nước sẽ xây dựng một kho đông lạnh loại lớn để ngư dân ướp cá khi đánh bắt về mà chưa tiêu thụ được…
* Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng: Cần xây dựng một khu chợ đấu giá hải sản
Sở NN&PTNT Đà Nẵng cùng các cơ quan quản lý sẽ nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân vì sao giá cả không ổn định, từ đó tuyên truyền, hỗ trợ cho ngư dân xây dựng các mô hình hữu hiệu. Thời gian đến, với chính sách cho vay vốn lưu động theo Nghị định 67/NĐ-CP, ngư dân được vay tối đa 70% cho một chuyến tàu khai thác hải sản; lãi suất vay 7%/năm.
Với nguồn vay này, ngư dân sẽ trang trải đủ mỗi chuyến đi, không bị áp lực về việc vay tại “đầu nậu” hay ký nợ xăng dầu, để rồi buộc phải bán cá rẻ cho họ.
Để phát triển ngành thủy sản vươn ra tầm khu vực và thế giới, Chính phủ đã phê duyệt, đầu tư, nâng cấp cảng cá Thọ Quang trở thành một trong những trung tâm nghề cá hiện đại, gắn với ngư trường truyền thống Hoàng Sa, duyên hải miền Trung.
Do đó, thời gian tới ở Cảng cá Thọ Quang sẽ được đầu tư hiện đại. Vì vậy, cần phải có các mái che để bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, sẽ tiến đến xây dựng một khu chợ đấu giá thực sự như ở các nước tiên tiến. Các loại hải sản vào chợ đấu giá phải đúng chủng loại, có chất lượng cao. Khi làm được như vậy, đời sống của ngư dân sẽ được nâng lên…
* Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng): Đầu tư cho ngư dân nhưng nhà máy không mua được cá
“Cá phải được phân loại và chọn lựa tùy phẩm chất, kích cỡ, chủng loại chứ không phải cái nào cũng mua để xuất khẩu được. Trong khi đó, tàu cá của mình không phải là tàu cá chuyên dùng mà chủ yếu là tàu nhỏ, không có sự phân loại. Trước đây chúng tôi đã đầu tư cho ngư dân một khoản tiền lớn nhưng về họ không bán cho nhà máy như cam kết ban đầu khi giá ngoài cao hơn.
Cuối cùng đành xóa nợ. “Đầu nậu” có những mối ràng buộc, liên hệ mang tính cộng đồng, bền chặt với ngư dân nên họ làm được cái mà mình hiện chưa làm được. Ở nước ngoài đánh cá bằng công nghiệp, có lưới chuyên dùng, bảo quản rất tốt. Họ có hệ thống phân loại, có chợ đấu giá, lúc đó “đầu nậu” không còn.
Có thể bạn quan tâm
Dịch bệnh rình rập, đầu ra bấp bênh, chi phí sản xuất liên tục tăng, trong khi giá bán sản phẩm lại thấp... Đó là những gì mà người chăn nuôi trong tỉnh Quảng Ngãi đang phải gánh chịu từ nhiều năm qua.
Chăm chỉ và quyết tâm, ông Lục Văn Thắng, dân tộc Nùng, thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ trâu kết hợp với làm vườn mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Đăk Lăk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”.
Nếu tận dụng tối đa các nguồn rơm rạ để sản xuất nấm rơm thì sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở các địa phương.
Cùng với việc đưa các giống đậu nành chất lượng cao vào sản xuất, huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông phối hợp với các doanh nghiệp, viện khoa học, trường đại học, trung tâm nghiên cứu… định hướng cho nông dân các giải pháp kỹ thuật về thâm canh, xen canh tăng năng suất.