Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vị đắng thanh long Bình Thuận

Vị đắng thanh long Bình Thuận
Ngày đăng: 14/09/2015

Tại cuộc họp báo mới đây, Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Công an tỉnh Bình Thuận đã cho biết: Thời gian qua, nhiều người mang quốc tịch Trung Quốc, thông qua các công ty dịch vụ du lịch, lữ hành tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã xin cấp thị thực làm việc tại Bình Thuận.

Các thương lái Trung Quốc thường giao dịch mua bán thông qua trung gian là người Việt… Do đó, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các giao dịch thu mua thanh long thường diễn ra tại nhà vườn, nhà riêng giữa chủ vườn thanh long với thương lái trung gian người Việt hoặc “đầu nậu” là người địa phương thì cơ quan chức năng không có lý do gì can thiệp.

Người nông dân Bình Thuận từng một thời nhờ cây thanh long đổi đời, khá giả lên. Nhưng cũng chính cây thanh long đã mang đến nợ nần chồng chất khiến cho nhiều người điêu đứng, trắng tay. Vấn đề là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc, giá cả bấp bênh…

Hiện có khoảng 80% sản lượng thanh long Bình Thuận được xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, khi “thâu tóm” các vựa thanh long, thương lái Trung Quốc tha hồ “làm mưa làm gió” về giá.

Ông Tư Chẩn ở thôn Ninh Thuận, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Sáng sớm họ mua 6.000đ/kg - 8.000đ/kg, nhưng trưa, chiều họ hạ xuống còn 3.000 - 4.000 đồng, không bán thì đổ cho bò ăn. Trái thanh long đã cắt, nếu để thêm lâu lỗ càng thêm nặng.

Nếu giá cỡ 12.000đ/kg thì người trồng hòa vốn, còn dưới mức đó… thì tiền vay ngân hàng đầu tư nọc trụ, thuốc, phân bón, làm cỏ, điện hạ thế, chong đèn, thuê nhân công tưới, hái… nợ ngập tận cổ sau mỗi vụ thanh long.

Anh Lê Văn C. “cò” mua bán thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam thú thật: Chủ vựa làm “trung gian” cho thương lái Trung Quốc không có quyền gì cả. Giá cả do họ quyết định và thông báo qua điện thoại từng ngày, từng giờ như chơi chứng khoán vậy.

Chiêu trò “làm xiếc” giá thanh long của thương lái Trung Quốc không phải chuyện lạ. Thông thường, vào buổi sáng, thương lái Trung Quốc báo cho chủ vựa giá khá cao, nhưng chỉ mua khoảng vài container. Đến trưa, chiều, đột ngột hạ giá xuống thấp bằng 1/3 buổi sáng, mua số lượng nhiều gấp đôi, ba lần khiến cho nhiều chủ vườn lo cuống lên vì thanh long đã lỡ cắt buổi sáng.

Nếu không chấp nhận giá thấp hôm nay lại phập phồng lo sợ giá xuống thấp hơn ngày mai. Do nắm hơn 80% các chủ vựa thu mua, nên thương lái Trung Quốc biết rõ diện tích trồng, sản lượng từng vụ, trái vụ, từng thời điểm nên ép giá.

Thống kê của huyện Hàm Thuận Nam, trong tổng số 126 cơ sở thu mua thanh long của huyện, có 33 cơ sở thường xuyên hợp tác với thương lái Trung Quốc, 20 cơ sở có thương lái Trung Quốc trực tiếp thu mua tại vườn và 5 cơ sở đang được người Trung Quốc thuê lại. Trong số “trùm thương lái” người Trung Quốc, có A Lục và A Tam điều hành khoảng 5 vựa thanh long lớn có tên HTD. Do trước đây, A Lục từng làm ăn với Công ty XK thanh long M nên nói tiếng Việt rất sõi.

Trung Quốc hiện đang là thị trường “tiêu thụ” thanh long số một thế giới. Năm 2014 Trung Quốc tiêu thụ 603.000 tấn thanh long trị giá 529 triệu USD. Hầu như tất cả là thanh long nhập từ Việt Nam. Riêng Bình Thuận, sản lượng thanh long thu hoạch hằng năm hơn 500.000 tấn, chiếm khoảng 80% cả nước và phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Công an tỉnh đã chỉ đạo tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp người Trung Quốc đến địa phương hoạt động không đúng mục đích. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 trường hợp, mỗi trường hợp 20 triệu đồng về hành vi “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề, hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam” theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng với xử phạt hành chính, Công an tỉnh còn làm thủ tục rút ngắn thời hạn tạm trú đối với những trường hợp giá trị thị thực còn trên 15 ngày, buộc đương sự phải xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Mỗi ngày có 3.000 tấn thanh long

xuất sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Tân Thanh

Đến cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn thời điểm này dễ dàng bắt gặp hàng đoàn xe container chở nông sản, trong đó chiếm phần lớn là thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc. Xe container xếp hàng dài vài cây số chờ thông quan. Thanh long đang vào chính vụ, đến lứa cắt nên trái nhiều khiến giá thu mua tại vườn đang giảm mạnh.

Bà Đặng Thị Ngân, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn cho biết, mỗi ngày tại Cửa khẩu Tân Thanh có 220 xe container chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có khoảng 170 xe chở thanh long.

Lý giải về việc xe chở thanh long kéo dài ở cửa khẩu, bà Ngân cho biết, việc thông quan các mặt hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt là mặt hàng thanh long, mỗi ngày xuất khẩu sang Trung Quốc 3.000 tấn. Do đang vào chính vụ thanh long nên xe container chở từ miền Nam ra rất nhiều, các xe cứ nối tiếp nhau thành hàng dài chứ không phải tắc.

“Mùa dưa hấu xe container còn xếp hàng dài từ TP Lạng Sơn lên đến Tân Thanh. Sau vụ thanh long thì lại nối tiếp vào mùa xuất khẩu nhãn, chôm chôm, chuối xanh, dừa khô, lạc, đỗ, xoài, sầu riêng…”- bà Ngân cho biết.

Giá thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh theo tờ khai của doanh nghiệp dao động từ 10.000- gần 20.000đ/kg, còn tại vườn nông dân bán buôn là 5.000 – 7.000đ/kg loại ngon; loại nhỏ, xấu chỉ có 2.000 -3.000đ/kg.

Tại TP Hồ Chí Minh, giá thanh long hiện bán lẻ là 10.000 – 13.000đ/kg, trong khi ở Hà Nội có giá từ 18.000 -30.000 đ/kg loại ruột trắng và 22.000-35.000đ/kg loại ruột đỏ. Tiểu thương ở Hà Nội cho biết, vì thanh long đang vào chính vụ, giảm giá nên sức tiêu dùng trong nội địa đã mạnh hơn.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Điên Điển Làm Chơi, Ăn Thiệt Trồng Điên Điển Làm Chơi, Ăn Thiệt

“Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, điên điển ươm của tôi đã cao gần gang tay. Thế là cứ 2m, tôi trồng xuống 1 - 2 cây, sau đó xả nước vào xăm xắp, rải chút ít phân để kích thích phát triển, qua 4 tháng, khi nước tràn đồng thì điên điển vàng rực cánh đồng.

18/10/2014
Nông Dân Vĩnh Long Trồng Khoai Lang Tím Nhật Đang Bị Lỗ Nông Dân Vĩnh Long Trồng Khoai Lang Tím Nhật Đang Bị Lỗ

Thương lái Từ Văn Tư (Tân Quới - Bình Tân) mua khoai lang xuất khẩu ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Khoảng 2 tháng nay, có thời điểm giá khoai tím Nhật ở mức 300.000 đ/tạ nhưng hiện chỉ còn 260.000 - 270.000 đ/tạ, giảm so cùng kỳ năm rồi khoảng 400.000 đ/tạ.

18/10/2014
Bà Rịa Vũng Tàu Chuyển Hướng Dùng Cây Sống Làm Trụ Tiêu Bà Rịa Vũng Tàu Chuyển Hướng Dùng Cây Sống Làm Trụ Tiêu

Hiện nay, việc dùng các loại cây sống như điều, mủ trôm, mức… làm trụ tiêu đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, tiêu là cây trồng rất khó tính, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu và khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây sống làm trụ cho cây tiêu.

18/10/2014
Vườn Tiêu Xanh Lại Trên Đất Tân Hội (Lâm Đồng) Vườn Tiêu Xanh Lại Trên Đất Tân Hội (Lâm Đồng)

Cây hồ tiêu đã có mặt ở xã Tân Hội, Đức Trọng (Lâm Đồng) hơn 20 năm nay nhưng do giá cả bấp bênh, năng suất, hiệu quả thấp nên cây tiêu ở đây không phát triển được. Đã có lúc người dân phá bỏ cây tiêu để chuyển sang các loại cây trồng khác. Hiện nay, tiêu được giá, cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân Tân Hội quay lại đầu tư phát triển vườn tiêu. Những vườn tiêu đang xanh lại trên đất Tân Hội và mở ra triển vọng mới cho người nông dân nơi đây.

18/10/2014
Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Lợi Nhuận Cao Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Lợi Nhuận Cao

Mô hình nuôi tôm càng xanh của anh đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 6 lần so với trồng lúa đã được phổ biến để giúp bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2014, anh được Hội Nông dân tỉnh bình chọn là nông dân tiêu biểu cấp tỉnh, được đề nghị UBND tỉnh tặng thưởng bằng khen.

18/10/2014