Vị Đắng Dong Riềng
Nằm trong chương trình xóa đói giảm nghèo, dong riềng từ nhiều năm qua đã được chính quyền tỉnh Bắc Kạn coi là cây trồng chủ lực. Nhưng chính sự phát triển ồ ạt đã biến cây này thành gánh nặng nợ nần cho nông dân.
Những ngày này ở Bắc Kạn, trên khắp địa bàn các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn, Na Rì… còn có tới cả trăm héc ta cây dong riềng bị người dân bỏ lại từ năm ngoái, không thu hoạch.
Những năm trước đây, nhằm thoát nghèo, chính quyền đã đưa ra chương trình vận động bà con nhân dân trồng cây dong riềng. Năm 2013 trên toàn tỉnh trồng được gần 3.000 ha. Tuy nhiên, do không có nhà máy chế biến, hàng nghìn tấn củ chỉ biết chờ vào bao tiêu của các thương lái và những hợp tác xã công suất nhỏ lẻ. Tình trạng ép giá xảy ra, củ dong riềng còn đúng 300 đồng/kg. Không có lãi, thậm chí còn bị lỗ nếu thuê lao động thu hoạch.
Mang nợ vì... cây thoát nghèo
Ba Bể và Na Rì là hai huyện có diện tích trồng cây dong riềng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nên chẳng có gì lạ khi mà đi tới đâu PV cũng dễ dàng bắt gặp hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn, cảnh nợ nần do vay vốn mua mầm giống.
Hộ ông Hoàng Văn Thiết, người xã Mỹ Phương (H.Ba Bể) là một ví dụ. Vụ mùa năm 2013, gia đình ông đã trồng tới 5.000 m2. “Tin tưởng vào chương trình thoát nghèo của tỉnh đề ra, nên không những gia đình tôi, mà gần như toàn bộ các hộ trong thôn, trong xã đều tích cực hưởng ứng, tận dụng hết diện tích đất vốn có để trồng.
Nhưng đầu vụ, khi các hộ chưa ồ ạt thu hoạch thì thương lái còn trả giá từ 1.200 - 1.500 đồng/kg. Tới khi chính vụ, giá 1 kg chỉ còn dao động từ 300 - 500 đồng/kg. Biết chắc cầm lỗ nên người dân chẳng ai buồn đào củ nữa”, ông Thiết ngao ngán.
Thời điểm chính vụ, đi tới đâu người ta cũng thấy củ dong được đánh đống to lù, bị bỏ lại ven đường, bởi thương lái trả giá quá bèo, không đủ cả tiền phân gio, tiền công chăm bón.
Thua lỗ, rất nhiều hộ chẳng buồn thu hoạch, diện tích lớn cây dong bị bỏ lại từ vụ mùa năm ngoái. “Đất thì cứng, rễ cây, rễ củ dong ăn sâu nên giờ muốn có đất để quay lại cấy lúa, trồng ngô, sắn, gia đình tôi lại phải mất tiền mướn thêm người và mất cả tháng trời để làm sạch hết phần nương rẫy trồng dong riềng trước đây”, ông Thiết than.
Do không thuộc diện hộ nghèo, nên toàn bộ số tiền mua mầm giống, gia đình ông phải đi vay mượn mất hơn nửa, tương đương tới 2 triệu đồng và hiện phải xoay xở tìm cách trả nợ.
Trong khi đó, dù thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ mầm giống, nhưng với hơn 2 ha dong riềng không tiêu thụ được, số tiền 4 triệu đồng vay vốn ngân hàng để mua phân bón hiện đang là nỗi lo rất lớn đối với gia đình ông Kiểm ở xã Khang Ninh.
Ông Kiểm cho biết cuộc sống còn rất khó khăn, hằng tháng vẫn hưởng trợ cấp chính sách hộ nghèo, do vậy khoản tiền vay vốn ngân hàng để trồng cây dong riềng sẽ là cả một vấn đề. Trước mắt ông sẽ gọi người bán con trâu, đàn lợn để có tiền trả nợ. Trong khi đó, con trâu cũng chính là kết quả từ chương trình 30A xóa đói giảm nghèo.
Điều đáng nói, trường hợp hộ gia đình ông Kiểm cũng chỉ là một trong số gần 200 hộ nghèo của xã Khang Ninh được tài trợ tiền giống mầm cây dong riềng. Theo đó số tiền ngân sách bỏ ra để tài trợ mầm giống cho các hộ chính sách của H.Ba Bể cũng đã lên tới nhiều tỉ đồng.
“Có vận động cũng không trồng nữa”
Còn tại Na Rì, nơi có diện tích trồng dong riềng lớn nhất Bắc Kạn, lên tới 1.200 ha (70.000 tấn củ), PV cũng chứng kiến sự tụt giá thảm hại. Anh Nông Văn Thắng, một hộ gia đình trồng hơn 6.000 m2 ở xã Côn Minh, cho biết khi được vận động, các hộ gia đình trong xã đều tích cực làm theo. Hầu hết đất trống đều được tận dụng để trồng dong riềng.
Cuối năm dong riềng được mùa, lập tức nông dân bị các cơ sở thu mua chế biến tinh bột ép giá. Giá thu mua hiện chỉ đạt 300 đồng/kg. Trong khi đó, một ngày, một lao động khỏe cũng chỉ có thể thu hoạch được tối đa 1 tạ củ. Nếu trừ chi phí vận chuyển, gồng gánh, tiền mua bao bì đựng củ dong… tính ra sẽ lỗ.
“Dù chính quyền có đang vận động trồng tiếp nhưng tôi nhất quyết không. Vụ năm ngoái gia đình tôi coi như mất trắng rồi. Mấy hôm nữa vợ chồng tôi và các cháu sẽ nhổ bỏ hết số dong riềng còn lại từ năm ngoái, để trồng sắn và ngô”, anh Thắng nói.
Nhiều hộ khó khăn, cận nghèo, nghèo tại các xã thuộc hai huyện Pắc Nặm và Ba Bể, được vận động trồng dong riềng để thoát nghèo thì sau vụ mùa 2013, họ đã thật sự nghèo hơn. Anh Hoàng Văn Biên ở thôn Phiêng Phường, xã Mỹ Phương (H.Ba Bể), người đã cùng gia đình trồng tới hơn 6.000 m2, cho hay: “Giá thu mua củ thấp như vậy thì không những tôi, mà nhiều hộ khác cũng sẽ không thể tiếp tục trồng nữa. Trước mắt chúng tôi phải nhổ bỏ đi để trồng lúa, sắn để có cái ăn cho gia đình”.
Ông Sẳm Văn Kinh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương, thừa nhận việc nhiều hộ dân nhổ bỏ những gốc dong riềng từng trồng, để lấy đất cấy lúa, trồng sắn là có thật. “Xã có vận động, tuyên truyền thế nào thì các hộ cũng không mấy quan tâm, mặn mà cho lắm”, ông Kinh chia sẻ.
Chỉ tại... giá
Bà Đặng Thị Anh Thơ, Trưởng phòng NN-PTNT H.Ba Bể, nhìn nhận vụ mùa năm 2013 trên toàn địa bàn huyện trồng được 770 ha cây dong riềng, đạt năng suất 65 tấn/ha. Nhưng chỉ có 2 công ty tư nhân thu mua củ dong riềng, 10 hợp tác xã sơ chế tinh bột, 60 cơ sở thu mua nhỏ lẻ… đáp ứng khoảng 30% sản lượng thu hoạch, nên đã xảy ra tình trạng ép giá.
Trong khi đó làm việc với Thanh Niên, ông Đặng Văn Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn, cho rằng: “Nếu dong riềng được thu mua với giá từ 1.200 - 1.500 đồng/kg, như thời kỳ đầu vụ, thì mỗi hộ gia đình cũng thu lãi được trên 60 triệu đồng/ha và thực sự cây dong riềng đúng là cây xóa đói giảm nghèo”. Ông Sơn xác nhận, cây dong riềng được tất cả các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở Bắc Kạn tin tưởng trồng.
Chính vì vậy, khi vụ mùa 2013 thất bát, những hộ gia đình này không tránh khỏi khó khăn. “Trên địa bàn tỉnh có trên 150 cơ sở thu mua, chế biến và có thể đạt mức bao tiêu cho 1.700 ha dong riềng.
Diện tích dong riềng toàn tỉnh mùa trước là ngót 3.000 ha, nên tình trạng thương lái thu mua ép giá là điều khó tránh khỏi và có thể nhìn thấy rõ từ đầu vụ”, ông Sơn nói.
Có thể bạn quan tâm
Phong trào trồng cây đặc sản, mới lạ như chuối tiêu hồng, hồng xiêm lai xoài, mít Thái Lan, mít Nghệ An phát triển khá mạnh ở xã Đông Dương (Đông Hưng - Thái Bình) trong mấy năm gần đây. Đến nay, nhiều loại cây đã cho thu hoạch, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Chuối tiêu hồng là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Đông Dương hiện nay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 11 sản lượng khai thác hải sản ước đạt 14.710 tấn. Lũy kế 11 tháng, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh Bình Thuận ước đạt hơn 173.131 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.
Vượt đoạn đường đất đá lởm chởm dài gần 20km từ trung tâm xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn - Yên Bái), chúng tôi đến thôn 1 Khe Nhao, nơi sinh sống của 54 hộ người Mông. Từng là thôn khó khăn nhất xã, nhưng mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người dân nơi đây ấm no hơn nhờ trồng ngô.
Năm công ty và nhóm hộ nuôi tôm trên cát vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đó là con số khiêm tốn khi biết hầu hết các công ty và hộ nuôi tôm trên cát chưa có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và đã thải nước tùy tiện.
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch tổ chức lại hoạt động khai thác cá ngừ đại dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.