Đổi thay Măng Lùng
Cách trung tâm huyện gần 40km nhưng muốn lên tới nơi phải mất hơn nửa ngày đường vì Măng Lùng nằm chót vót trên sườn núi Ngọc Linh cao 2.596m, mây mù giăng bao phủ quanh năm.
Nơi đây có cây sâm Ngọc Linh - loại dược liệu quý hiếm, đã giúp người dân thoát được đói nghèo.
Bây giờ cả làng đều lo trồng sâm làm giàu, không phải phá rừng tỉa rẫy như trước đây.
Ban đêm làng đã có điện thủy luân, có âm nhạc thay tiếng thú rừng.
Người Măng Lùng kể rằng, trước đây cuộc sống khó khăn, chật vật, quanh năm bám rẫy trồng bắp, trồng sắn nên tình trạng thiếu đói diễn ra thường xuyên.
Cái bụng già làng không vui, cái thân lũ trẻ trong làng kiệt quệ.
Cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm.
Nhiều người cũng muốn tìm cho mình con đường làm ăn, khổ một nỗi, làng nằm ở địa hình dốc núi cao và quá xa xôi hẻo lánh, nuôi bò thì bị chết vì rét lạnh, trồng lúa nước một năm chỉ cấy được một vụ, năng suất bấp bênh.
Đời sống cơ cực, túng thiếu đủ bề.
Thế nhưng, 15 năm trở lại đây, khi cây sâm Ngọc Linh được mọi người trong và ngoài nước biết đến, cuộc sống dân làng nơi đây đã thoát khỏi cảnh cơ cực.
Làng Măng Lùng đã thay da, đổi thịt.
Cái tên Măng Lùng ngày càng xuất hiện nhiều trên truyền thông.
Người dân xứ sở sâm Ngọc Linh đã biết trồng và khai thác cây thuốc quý để có một cuộc sống khá giả.
Làng Măng Lùng có hơn 50 hộ với hơn 200 nhân khẩu.
Cả làng đều tham gia trồng sâm Ngọc Linh.
Mỗi gia đình đều có 1 - 2 vườn sâm.
Việc đi nương, đi rẫy chỉ là phụ vào những ngày sâm rụi lá, ngủ đông.
Hiện ở Măng Lùng nhà trồng nhiều nhất có tới 30.000 gốc sâm trên 10 năm tuổi, nhà ít nhất cũng được 1.000 gốc.
Sâm được người dân trồng trên khu rừng già cách làng khoảng một giờ đi bộ.
Hiện tại, sâm 10 năm tuổi có giá bán tại vườn là 3 - 4 triệu đồng/lạng.
Củ sâm có trọng lượng từ 1 lạng trở lên, giá khoảng 4 - 5 triệu đồng/lạng.
Người trồng sâm Ngọc Linh nhiều nhất ở Măng Lùng là anh Nguyễn Văn Lượng.
Hiện gia đình anh có 2 vườn sâm với hơn 20 nghìn cây trên 10 tuổi và gần 5 nghìn cây sâm giống trị giá hàng chục tỷ đồng.
Anh Lượng được mệnh danh là vua sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Năm ngoái gia đình anh tự bỏ ra hơn 500 triệu đồng để mua lưới B40 về rào quanh vườn rộng cả héc ta.
Để giúp người dân trong làng phát triển sâm, anh Lượng cũng bán cây giống giá rẻ và thành lập tổ gồm 10 hộ ở Măng Lùng trồng sâm.
Nhờ đó, có đủ nhân công thay nhau chăm sóc, bảo vệ cho cây sâm quý.
Sâm Ngọc Linh – Tương lai thịnh vượng cho làng Măng Lùng
Việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đã mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người Xê Đăng ở Măng Lùng.
Bình quân mỗi năm, có hộ thu nhập từ 100 triệu đến gần 1 tỷ đồng.
Có tiền, người dân đã biết sắm sửa, lo toan cho cuộc sống gia đình.
Cả làng nhà nào cũng có ti vi, máy phát điện thủy luân, đầu đĩa...
Một số hộ còn mua gạch men dưới xuôi lên lót nền nhà, mua chăn nệm lót ngủ cho ấm áp.
Hàng ngày các thương buôn cõng cá tươi, thịt, rau lên bán ngay tại làng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân.
Ở Trà Linh, Măng Lùng được xem là làng khá giả nhất xã, bởi không còn hộ nghèo đói.
Tinh thần đoàn kết trong nhân dân luôn được thắt chặt.
Các gia đình biết giúp đỡ về giống sâm và chia sẻ kinh nghiệm trồng để cùng nhau xây dựng cuộc sống sung túc.
Từ những củ sâm Ngọc Linh quý hiếm mà ngôi làng Măng Lùng đã thực sự đổi thay rõ rệt.
Nhà cửa được kiên cố, mức hưởng thụ vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao.
Và tới đây, khi đề án sâm quốc gia được triển khai, chắc chắn Măng Lùng sẽ có thêm bước phát triển không ngừng khi hệ thống giao thông, điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc… được đầu tư đồng bộ để xứ sở sương mù này trở thành thủ phủ sâm của cả nước, là điểm đến của các nhà khoa học, là nơi tìm hiểu khám phá của du khách thập phương về một ngôi làng huyền ảo trên đại ngàn Ngọc Linh.
Có thể bạn quan tâm
Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết, năm 2014 sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhiều thành tựu. Kết quả uớc giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2.041 tỷ đồng, tăng 0,17% so kế hoạch; trong đó trồng trọt đạt 834,055 tỷ đồng, chăn nuôi ước đạt 202,044 tỷ đồng, thuỷ sản ước đạt 304,800 tỷ đồng.
Dự án do Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bình Định và Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp thực hiện, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng kiệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao trình độ thâm canh cây kiệu cho nông dân trồng kiệu ở huyện Phù Mỹ.
Lợi dụng dịp này, một số người thu mua hạt tiêu đưa ra nhiều thông tin gây nhiễu nhằm mua được tiêu giá rẻ làm cho giá tiêu trong khoảng 10 ngày qua đã đột ngột giảm từ 10 - 15.000 đồng/kg mặc dù việc mua bán rất ít vì tiêu trong dân đã hết. Trước diễn biến phức tạp của thị trường, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần bình tĩnh chủ động điều tiết việc mua bán hạt tiêu, không ồ ạt bán hàng khi tiêu xuống thấp.
“Cây giống sản xuất bằng nuôi cấy mô có giá thành cao hơn so với sản xuất truyền thống, nhưng có ưu điểm là chất lượng tốt, đồng đều và sản xuất với số lượng lớn được”, anh Ngô Quang Hưởng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ươm Mầm Việt (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), chia sẻ.
Khi quả chín, vỏ dày và có màu vàng sáng, hương vị thơm ngon, mẫu mã đẹp lại để được lâu hơn các giống chuối thường nên tiêu thụ rất thuận lợi vào các dịp lễ, Tết. Hiện nay, một buồng chuối tiêu hồng được bán với giá từ 200 - 400 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí người trồng chuối sẽ thu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào (cao gấp 3 lần giống chuối thường).