Vị Bình Xây Dựng Nông Thôn Mới
Dù không phải xã điểm của tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng sau 3 năm triển khai, đến nay, diện mạo xã Vị Bình, huyện Vị Thủy đã có nhiều thay đổi. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị đều được củng cố và phát triển, đời sống của người dân đang từng bước được nâng lên.
Ông Ngô Quốc Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình, cho biết: Chương trình xây dựng NTM là chủ trương lớn, phải thực hiện toàn diện trên các mặt kinh tế, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng.
Để thực hiện thắng lợi chủ trương này, cùng với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và huyện, xã đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Từ đó, động viên nhân dân phát huy sức mạnh nội lực, bắt tay vào xây dựng. Để làm tiền đề cho phát triển những năm tiếp theo, ngay từ đầu năm, xã đã củng cố và xây dựng lại Ban quản lý và Ban phát triển ấp về xây dựng NTM, đồng thời, xây dựng kế hoạch từng tiêu chí cho năm 2014.
Đến nay, xã đã đạt được 7/19 tiêu chí đó là: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, bưu điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, an ninh trật tự xã hội. Trong năm nay, ngoài việc nâng chất những tiêu chí đã đạt, xã đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành thêm 5 tiêu chí mới gồm: chợ nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, giáo dục, hệ thống tổ chức chính trị xã hội.
Vốn là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, để giúp nhân dân nâng cao đời sống và tăng thu nhập, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các giống cây trồng có năng suất cao, phù hợp vào sản xuất.
Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, Vị Bình còn tổ chức lại sản xuất, củng cố và nâng chất những tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, cũng như hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Hiện toàn xã có 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và nhiều tổ liên kết sản xuất làm ăn có hiệu quả. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 15 mô hình làm ăn hiệu quả đạt lợi nhuận trên 30%.
Anh Trần Quốc Trung, ở ấp 9A1, chia sẻ: “Trước đây, gia đình có nuôi ba ba nhưng quy mô nhỏ, lợi nhuận không cao. Mấy năm trở lại đây, do ba ba thương phẩm tiêu thụ mạnh với giá cao, cùng với việc tham gia tổ hợp tác sản xuất, tôi được học hỏi thêm kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật.
Sẵn có ao nuôi, gia đình quyết định mở rộng quy mô với số lượng 2.000 con”. Theo anh Trung, ba ba thương phẩm nuôi từ 1,5-2 năm mới cho thu hoạch, đến lứa bán, thương lái ở các tỉnh lân cận xuống tận ao thu mua. Ba ba loại 1 (từ 1,5 kg/con trở lên) có giá từ 270.000-275.000 đồng/kg), ba ba loại 2 (từ 1,2-1,5 kg/con) có giá từ 170.000-180.000 đồng/kg.
Để chủ động trong việc cung ứng ra thị trường, anh Trung tự nhân giống và mua thêm ba ba nuôi sẵn từ bên ngoài về nuôi đạt trọng lượng rồi xuất bán. Vụ vừa rồi, anh thu hoạch hơn 800kg ba ba thương phẩm, với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi ba ba giống, gia đình anh Phan Văn Tuấn, ở ấp 4 cũng là một trong những nông dân có mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả. Anh Tuấn chia sẻ: “Với khoảng 2.000 con ba ba bố mẹ, trung bình mỗi năm, tôi cung ứng cho người nuôi ở các tỉnh, thành khoảng 180.000 con giống/năm. Với giá bán từ 1.000-1.200 đồng/con đã mang lại cho gia đình lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm”.
Ông Ngô Quốc Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình, cho biết thêm: Trong thời gian tới, sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã duy trì và thực hiện tốt các tiêu chí đã đạt, đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Ngoài ra, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí để có biện pháp thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, trong xây dựng xã NTM còn gặp một số khó khăn, hạn chế như hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thấp so với yêu cầu xây dựng NTM, trong khi nguồn lực tài chính của địa phương còn giới hạn. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của địa phương thì sự đầu tư của nhà nước vẫn là yếu tố cốt lõi để Vị Bình trở thành xã NTM đúng theo lộ trình đề ra.
Với những kết quả đạt được trong công tác xây dựng NTM, đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,48%, trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt 98,17%, trật tự xã hội được giữ vững. Bưu điện, nhà văn hóa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 7,82%, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 25 triệu đồng/người/năm…
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183130/Vi_Binh_xay_dung_nong_thon_moi.aspx
Có thể bạn quan tâm
Chiều 30.9, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020, dưới sự chủ trì của Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.
Không chỉ “hạ nốc ao” trái cây Việt ngay trên sân nhà, trái cây Thái Lan còn chiếm luôn thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện hiện có gần 1,5 nghìn ha dẻ gần trăm năm tuổi. Năm nay sản lượng hạt dẻ ước đạt hơn 1 nghìn tấn, mang về cho người dân khoảng 20 tỷ đồng.
Đang mùa mưa lũ, chất lượng nước không đảm bảo, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển nhiều. Lên kế hoạch phòng trị bệnh trên cá tra nuôi thời điểm này là rất cần thiết.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, 5 năm qua, toàn tỉnh đã bê tông hóa hơn 1.800km đường nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ đường nông thôn được bê tông và nhựa hóa lên 70%.