Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Về Rừng Xem Gà Chín Cựa

Về Rừng Xem Gà Chín Cựa
Ngày đăng: 27/08/2013

Từ xưa đến nay, có lẽ người ta thường chỉ biết đến gà chín cựa ở lễ vật hỏi cưới công chúa Mỵ Nương trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, mà ít ai biết được rằng, nó còn có thực trong đời sống.

Trong khi ai ai cũng đổ xô lên miền đất sôi động, náo nhiệt ở Sài Gòn tìm cho mình một công việc phù hợp, thì anh Nghiêm Gia Dũng (sinh năm 1984), lại “bỏ phố về rừng” để làm trang trại chăn nuôi các giống gà lạ, trong đó có gà chín cựa tại ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành (Đồng Nai).

Giấc mơ trang trại

Năm 2009, anh Dũng là một nhân viên làm việc trong Ngân hàng Sacombank ở TP. Hồ Chí Minh. Đầu năm 2013, anh bỏ ngang việc làm ở ngân hàng, về Long Thành thuê đất làm trang trại để thỏa niềm đam mê của mình.

Với số vốn đi làm trong 4 năm được gần 700 triệu đồng, anh Dũng về Bàu Cạn, thuê một mảnh đất trên đồi cao để làm trang trại chăn nuôi mà mình mơ ước. Anh thuê người đào ao nuôi cá lăng, sau đó anh bắt đầu bỏ vốn mua các loại vật nuôi, như: cá lăng, công Ấn Độ, gà Đông Tảo…

Anh Dũng chia sẻ: “Tôi vốn thích chăn nuôi, xây dựng một mô hình VAC phát triển, công việc lao động chân tay vất vả hơn làm ngân hàng nhưng lại rất thoải mái và thỏa chí đam mê của mình”.

Nghe bạn bè đồn thổi có giống gà chín cựa mà trước nay chỉ được biết đến trong truyền thuyết, anh Dũng quyết tâm tìm cho được giống gà này. Anh tìm hiểu trên internet, dò hỏi xung quanh, biết giống gà chín cựa có nguồn gốc ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ).

Mong muốn có được giống gà này đem về đất phương Nam nhân giống, anh đã kiên trì tìm kiếm ở nơi đất tổ. Số gà chín cựa ở đây rất hiếm, chủ yếu là gà bảy, tám cựa, biết được nhà ông trưởng bản có một cặp gà chín cựa màu trắng rất quý, anh lân la hỏi mua cho được. “Để xin được giống gà, nghe người nơi đây mách rằng ông trưởng bản rất thích rượu, tôi đã mua 300 lít rượu biếu ông trưởng bản, và được “đáp lễ” bằng cặp gà chín cựa màu trắng quý hiếm nhất” - anh Dũng nói.

Mê nuôi giống lạ

Cũng từ đó, anh Dũng bắt đầu “sưu tầm” thêm nhiều giống gà chín cựa ở khắp các nơi. Nghe nói ở đâu có gà chín cựa là anh lại tới xem có đúng “gà truyền thuyết” để mua về nuôi. “Mới đầu mang gà về nuôi còn chưa rõ cách chăm sóc, cứ nghĩ cho gà ăn thật no là sẽ nhanh đẻ trứng, nhưng không phải, chỉ nên cho ăn ở mức độ phù hợp nó mới có thể đẻ trứng được” - anh Dũng tâm sự.

Bằng sự cố gắng, kiên trì anh đã nhân thành công giống gà chín cựa, từ đầu năm đến nay, anh đã cho xuất chuồng gần 50 cặp gà giống với giá 3 triệu đồng/cặp. Thu nhập bình quân mỗi tháng của anh cộng thêm các nguồn khác như cá lăng, công Ấn Độ, gà Đông Tảo... trên 30 triệu đồng.

Anh Dũng cho biết: “Gà chín cựa từ khi còn nhỏ đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mỗi bên có thể mọc từ 3 - 4 cựa tùy vào thời gian gà trưởng thành. Trong cùng một lứa gà, không phải lúc nào cũng có thể nhân được giống gà chín cựa, có con chỉ có bảy hoặc tám cựa, có con không có cựa nào”.

Hiện nay, anh đang nuôi thêm một số loài vật nuôi, như: chim trĩ, vịt trời... Anh chia sẻ: “Sắp tới tôi sẽ tiến hành mở rộng mô hình VAC, nhân giống loại giống chim trĩ trắng, nuôi thêm gà Đông Tảo lấy thịt. Đặc biệt, sẽ giới thiệu cho mọi người biết về giống gà chín cựa không chỉ có trong truyền thuyết mà còn có thực ngoài đời ở đất Long Thành này”.


Có thể bạn quan tâm

Bắc Ninh: Nghề Nuôi Ong - Một Vốn Bốn Lời Bắc Ninh: Nghề Nuôi Ong - Một Vốn Bốn Lời

Bởi tất cả những sản phẩm của ong đều có thể cho thu nhập như: mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa... Những sản phẩm này đều có giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh rất tốt nên trên thị trường hiện nay thường rất dễ bán và được giá. Trong khi đó, vốn đầu tư cho việc nuôi ong không lớn, chủ yếu là đầu tư vốn ban đầu để đóng thùng, mua đàn gốc mà thôi...

26/10/2013
Các Địa Phương Tăng Cường Bảo Vệ Vườn Cây Ăn Trái Và Hoa Màu Trong Mùa Lũ Các Địa Phương Tăng Cường Bảo Vệ Vườn Cây Ăn Trái Và Hoa Màu Trong Mùa Lũ

Những ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường nên mực nước lũ ở các địa phương phía nam lên cao. Trước tình hình này, người làm vườn, rẫy đang khẩn trương thực hiện các biện pháp đối phó với lũ.

26/10/2013
Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Hiệu Quả Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Hiệu Quả

Hiện nay trên địa bàn huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) ngoài cây cam xoàn mang lại hiệu quả kinh tế thì cây thanh long ruột đỏ cũng được người dân đâu tư trồng và bước đầu cho lợi nhuận kinh tế ổn định.

26/10/2013
“Vua Bưởi Hồ Lô” Lại Xuất Chiêu “Vua Bưởi Hồ Lô” Lại Xuất Chiêu

Từ dịp Tết năm 2009 đến nay, người tiêu dùng đã biết đến những cặp bưởi hồ lô in dòng chữ “Tài - Lộc”. Ông Thành cho biết năm nay trái bưởi hồ lô sẽ “biến hóa” thêm 2 hình ảnh mới là thỏi vàng cộng với đồng tiền và chữ “Phúc Lộc Thọ”. Khi được hỏi ai là người nghĩ ra “chiêu” mới này, ông Thành cho biết vì lợi ích của tất cả 26 thành viên trong CLB nên sau nhiều đêm suy nghĩ, ông cùng các thành viên trong CLB đã táo bạo sáng chế thêm 2 cái khuôn có in những chữ trên như muốn chuyển tải đến người tiêu dùng sự may mắn, tiền tài, trường thọ trong dịp năm mới. “Nếu cứ an phận ngồi trên sự thành công cũ thì chắc chắn có ngày sản phẩm của mình sẽ bị bão hòa trên thị trường” - ông Thành chia sẻ.

26/10/2013
Đa Dạng Hóa Đối Tượng Nuôi Thủy Sản Để Giảm Rủi Ro Đa Dạng Hóa Đối Tượng Nuôi Thủy Sản Để Giảm Rủi Ro

Trong điều kiện nghề nuôi cá tra xuất khẩu gặp khó khăn kéo dài do giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều hộ nuôi thủy sản trong tỉnh đã chuyển sang nuôi các đối tượng khác để tránh rủi ro và đã mang lại hiệu quả thiết thực.

28/10/2013