Chuyện Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Vùng Ven Biển Kim Sơn
Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất Kim Sơn (Ninh Bình) bằng cách riêng, đó là mỗi năm ban tặng vùng đất này chừng 120 ha đến 150 ha đất phù sa lấn biển. Trong mấy năm gần đây, nhờ hỗ trợ của các nguồn lực từ Nhà nước trong việc xây dựng các tuyến đê quai lấn biển, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Kim Sơn đang có xu hướng phát triển mạnh, góp phần đáng kể vào sự đổi thay của mảnh đất vốn nghèo khó này.
Phong trào nuôi trồng thuỷ sản ở Kim Sơn đang lên?
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Đỗ Văn Miền cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản ở các bãi bồi ven biển thuộc huyện Kim Sơn đang có xu hướng phát triển. “Khoảng từ năm 2007 trở về trước thì hầu như việc nuôi tôm sú và cua xanh vùng ven biển Kim Sơn chưa được gọi là nghề bởi ít người tham gia, nhưng bây giờ thì không có đất mà giao” anh nói.
Hồi đó nuôi tôm sú, cua xanh, cá mú, v.v chỉ vài trăm hộ nuôi có tính chất nhỏ lẻ theo hình thức quảng canh chừng 10 - 12 con tôm sú/m2 còn bây giờ nhiều hộ đầu tư thiết bị máy quạt nước, máy phân tích nồng độ PH cho nên họ thật sự bước vào thâm canh với mật độ thả 30 - 40 con/m2.
Sau nhiều năm xây dựng tuyến đê quai lấn biển, hiện nay huyện Kim Sơn có ba tuyến đê là Bình Minh 1 (BM1), BM2 và BM3, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện lên gần ba nghìn ha. Trong đó, tuyến đê BM 1 đến BM 2 có diện tích gần 1,3 nghìn ha nằm trên địa bàn các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải. Vùng nuôi trồng từ đê BM 2 đến BM 3 có diện tích 753,6 ha và vùng đê từ BM3 đến Cồn Nổi có diện tích 793 ha.
Tuy nhiên, nông dân vùng ven biển Kim Sơn trước đây chủ yếu sống bằng nghề trồng cói rồi cung cấp nguyên liệu cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm cói mỹ nghệ để xuất khẩu. “Nghề nuôi trồng thủy sản còn rất mới đối với họ. Hơn nữa, nuôi trồng thủy sản nhanh giàu nhưng độ rủi ro cũng rất lớn chỉ mất một vụ tôm sú thì dễ sạt nghệp” - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Mai Văn Thanh kể.
Cho nên để giúp nông dân nắm vững kỹ thuật, ngay từ đầu năm Chi cục nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình) cùng với UBND huyện ban hành kế hoạch về sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện cho từng năm, thậm chí hướng dẫn nông dân cải tạo ao, đầm, rắc vôi bột để tránh vi khuẩn độc hại gây nấm bệnh cho tôm.
Còn UBND các xã vùng ven biển khuyến khích các HTX nông nghiệp mở rộng dịch vụ nạo vét, vệ sinh hệ thống kênh mương dẫn và thoát nuớc cung cấp cho các đầm nuôi thủy sản, đồng thời cung ứng vật tư, con giống giúp nông dân.
Khâu quan trọng nhất trong nghề nuôi trồng thủy sản là con giống. Trong khi việc sản xuất con giống thủy sản mà cụ thể là tôm sú, cua xanh, cá mú phần lớn nông dân Kim Sơn phải vào các tỉnh miền Trung và Nam Bộ cho nên chất lượng không bảo đảm.
Chính vì thế, Chi cục khai thác nguồn lợi thủy sản phối hợp UBND huyện mở nhiều lớp huấn luyện nghiệp vụ kiểm soát chất lượng tôm sú giống đối với 21 hộ hành nghề kinh doanh cung ứng con giống buộc họ phải cam kết cung cấp con giống bảo đảm chất lượng.
Năm 2013, nông dân Kim Sơn thả 117,4 triệu con tôm giống trong đó, tôm sú 85 triệu con, 32,4 triệu con tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra hàng triệu con cá mú, cá rô phi đơn tính...v.v. “Hiện nay, Kim Sơn có hơn ba nghìn hộ tham gia nuôi trồng thủy sản” - Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Bình Vũ Minh Hoàng cho biết thêm.
Chủ yếu là các hộ thuộc ba xã bãi ngang (xã khó khăn của huyện) là Kim Hải, Kim Đông và Kim Trung. Bây giờ, nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu mua thiết bị như máy quạt nước, máy nổ và các thiết bị phân tích độ PH trong nước để kịp thời điều chỉnh độ mặn, giúp tôm chóng lột xác.
“Chúng tôi cũng coi trọng việc xây dựng mô hình khuyến ngư cho nông dân bằng cách cùng UBND huyện đầu tư hai dự án hỗ trợ sản xuất ngao giống và cua xanh giống” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình Đỗ Văn Miền cho biết thêm.
Các mô hình khuyến ngư được huấn luyện kỹ năng cảnh báo môi trường, kỹ thuật kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả. Đặc biệt, khuyến cáo thời vụ nuôi thả cho từng loại giống, nhất là tôm sú phải bảo đảm nhiệt độ thích hợp thì tôm mới phát triển. Vụ nuôi trồng năm nay, các cơ sở sản xuất ngao giống tại địa phương cung cấp 350 triệu con giống, 150 triệu con cua xanh, v.v.
Nhờ đó, sản lượng thủy sản hằng năm ở Kim Sơn không ngừng tăng: năm 2013 đạt khoảng hơn 16 nghìn tấn bao gồm ngao, tôm, cua xanh, cá các loại. Vụ thu hoạch thủy sản năm nay Kim Sơn ước đạt 20 nghìn tấn bao gồm ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá diêu hồng. Gia đình chị Mười, anh Định ở Cồn Thoi thu lãi gần 300 triệu đồng. “Hiện nay nông dân Kim Sơn đang háo hức đầu tư nuôi thủy sản. Nhiều gia đình đang ký mà quỹ đất thì không còn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Trần Văn Bình cho biết.
Vẫn còn nhiều khó khăn?
Bên cạnh những thuận lợi về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông đã góp phần đáng kể cho sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở huyện Kim Sơn bởi nhờ đó, việc vận chuyển thủy sản từ nơi nuôi trồng đến các thành phố lớn tiêu thụ trở nên dễ dàng.
“Hằng ngày có vài chục chuyến xe từ đây đi Hà Nội” - Chị Phạm Kim Hoa, một tư nhân chuyên gom thủy sản ở xã Kim Hải để cung cấp cho doanh nghiệp Hà Nội cho biết.
Song khó khăn ở đây là nhiều hộ nuôi thủy sản vẫn nuôi trồng theo cảm tính và tùy tiện tức là làm theo tùy hứng không tôn trọng tính thời vụ.
Cụ thể là hồi đầu năm (vào khoảng giữa tháng 3) khi nước chưa đủ độ ấm cần thiết đã nôn nóng thả tôm khiến tôm chết hàng loạt gây thiệt hại về kinh tế gia đình. Hoặc có thể biết tôm giống chưa đạt tiêu chuẩn về kiểm dịch, bán trôi nổi ngoài thị trường tự do nhưng vì ham giá rẻ cho nên vẫn mua về thả khiến tôm chết lây sang cả những hộ “hàng xóm”.
Bên cạnh đó, ngay lực lượng cán bộ kỹ thuật của Chi Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Bình còn mỏng, phương tiện và điều kiện nghiên cứu còn nhiều hạn chế không thể “rải” cán bộ thường xuyên xuống cơ sở cho nên độ rủi ro lớn.
Ai cũng nhận thức được việc nuôi thủy sản đem lại nguồn lãi lớn “nuôi cá còn hơn gá bạc” song chỉ những nguời có vốn, có trình độ văn hóa mới tiếp thu được kỹ thuật để áp dụng cho nên vô tình những người nghèo (là đối tượng quan tâm của xã hội), người có kiến thức hạn chế, người thiếu vốn, v.v lại vẫn luôn nghèo.
Hoặc việc đầu tư một cơ sở sản xuất con giống tại chỗ cho “ra trò” ở Kim Sơn hầu nhưng không thể thực hiện vì nguồn kinh phí quá lớn, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao còn thiếu cho nên muốn thoát khỏi cảnh “ăn đong” con giống từng vụ như hiện nay chẳng phải là điều có thể thực hiện trong “một sớm một chiều”.
Những kết quả đạt được của nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển Kim Sơn đang khẳng định hướng đi đúng của chủ trương phát triển kinh tế biển do đảng bộ huyện đề ra. Hiện nay, hàng chục nghìn người (nhất là các xã bãi ngang) có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề nuôi trồng thủy sản bằng các dịch vụ cung ứng vật tư, cung ứng sản phẩm, thu gom thủy sản trở thành đầu mối cho các doanh nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh miền núi phía bắc.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Lê Thị Hoa, “nghề nuôi trồng thủy sản mở ra triển vọng vùng ven biển Kim Sơn sẽ là trung tâm du lịch và dịch vụ trong tương lai”. Trong đó, vùng đê BM 2 đến BM3 có diện tích 753,6 ha đang được huyện quy hoạch là vùng nuôi trồng thủy sản theo mô hình công nghiệp và khu vực Cồn Nổi sẽ trở thành điểm du lịch biển hấp dẫn trong tương lai gần.
Có thể bạn quan tâm
Giá đường tại kho các nhà máy sản xuất đã xuống tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi lượng đường tồn kho tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.
Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho hay mấy năm gần đây giá cá tra nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến ngành nuôi cá của tỉnh. Một thời gian dài, giá cá tra luôn ở mức xấp xỉ và thấp hơn giá thành sản xuất cá đẩy người nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Sản lượng cá tra toàn tỉnh 3 tháng đầu năm ước khoảng 95.500 tấn.
Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính giống mới theo hình thức thâm canh cho và 50 chủ trang trại nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Mấy ngày qua, trên các tuyến đường nông thôn tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu xuất hiện nhiều xe chở củ mì dính đầy bùn đen đem bán cho các cơ sở chế biến mì trong tỉnh. Hỏi ra mới biết nông dân đang thu hoạch sớm do trồng mì trên những vùng đất thấp, đó là những chân ruộng được canh tác theo chế độ luân canh "1 lúa 1 mì" hoặc là những vùng đất trồng mía sau khi hết chu kỳ.