Vẫn tiếp diễn đánh bắt cá mùa sinh sản trên sông Vàm Cỏ Đông

Có dịp đi thuyền trên sông Vàm Cỏ Đông vào thời điểm này mới thấy mối đe dọa đối với các loài thủy sản đến mức nào. Chỉ tính riêng phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, từ bến phà Bến Đình đến địa bàn xã An Thạnh, thuộc địa bàn xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), dài khoảng 5km, đã có khoảng 30 tay dớn. Tùy theo địa hình, cứ cách khoảng vài chục mét đến vài trăm mét là có một tay dớn giăng cặp bờ sông.
Đặc điểm của loại dớn này là có chiều dài khoảng 15 - 20 mét, mắc lưới dày như mùng ngủ, vì thế các loại cá, tép, tôm, cua dù lớn hay nhỏ, bơi theo chiều nào trên sông cũng đều bị dính vào dớn. Đây là một trong những hình thức đánh bắt cá theo kiểu tận diệt, nguy cơ mất cân bằng sinh thái môi trường.
Bên canh việc đánh bắt thủy sản bằng dớn, trên đoạn sông này còn có kiểu đánh bắt cá bằng cách thức nhủi lưới.
Hình thức bắt cá này khá đơn giản nhưng rất hiệu quả. Trước mũi ghe, ngư dân dùng hai cây tre căng tấm lưới xòe ra theo hình tam giác, như một cây vợt khổng lồ. Sau đó, cây vợt to tướng này được đưa xuống mặt nước và nổ máy cho ghe đẩy đi. Tất cả các loại cá bơi trong tầm vợt đều bị dính vào. Nhủi được vài trăm mét, ngư dân cất "vợt" lên bắt cá, rồi lại nhủi tiếp.
Người dân bắt cá bằng ghe nhũi.
Dọc theo mé sông này, chúng tôi còn bắt gặp nhiều người dân dùng lưới xếp bắt cá. Đây là kiểu đánh bắt được gọi là "12 cửa ngục". Mỗi tay lưới dài cả chục mét được giăng ngang đáy sông và có 24 họng hứng cá đối xứng, xen kẻ với nhau. Khi lưới giăng ngang, các loại cá đen đi ngầm dưới đáy sông, theo hướng nào cũng dính.
Ngoài ba hình thức đánh bắt thủy sản kể trên, dọc hai bên mé sông Vàm Cỏ Đông và trong kênh Tắt (thuộc địa bàn huyện Bến Cầu), nhiều người dân còn đánh bắt cá bằng cách chất chà.
Người dân dùng nhiều thân cây, nhánh cây, chất lại thành một đống chà bên mép sông. Sau một thời gian, nhiều loại cá xúm vào đống chà trú ngụ. Chỉ có thế, chủ đống chà lưới bao quanh đống chà lại, thảy chà ra ngoài, túm lưới bắt cá.
Chiếc vỏ lãi chất đầy lưới xếp chuẩn bị hành nghề.
Để hạn chế tình trạng đánh bắt cá trong mùa sinh sản, vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Chỉ thị cấm các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản dưới mọi hình thức trong hồ Dầu Tiếng vào mùa sinh sản từ 1.7 đến 30.9 hàng năm.
Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ cấm (ghe cào, ghe nhũi, dớn xanh mắc nhỏ...) để khai thác thủy sản trong hồ Dầu tiếng và các sông, suối trong tỉnh mang tính chất hủy diệt. Khi phát hiện vi phạm phải tịch thu phương tiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mặc dù đã có chỉ thị của UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông, phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tịch thu hàng chục bình chích điện, hàng ngàn mét dớn xanh mắt nhỏ và xử phạt hành chính gần 50 triệu đồng, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt cá đang trong mùa sinh sản.
Có thể bạn quan tâm

Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, năm nay các nhà vườn trong tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục đón một mùa nhãn bội thu. Trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi mang lại niềm vui cho người làm vườn sau khi mùa vải thiều vừa khép lại.

Viện khoa học nông nghiệp Tây Nguyên đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu bảo quản lạnh trái bơ sau thu hoạch". Chủ nhiệm đề tài, KS. Hoàng Mạnh Cường cho biết, thời gian bảo quản dài nhất đạt được đối với trái bơ qua các thí nghiệm là 18 ngày, trong đó giữ những khay/hộp trái bơ trong kho bảo quản có nhiệt độ duy trì 8 độ C trong 15 ngày và trưng bày trên kệ của cửa hàng có nhiệt độ không khí 20 độ C 3 ngày chờ khách mua.

Tiếp theo vải thiều Bắc Giang, vải Thanh Hà (Hải Dương), vụ nhãn 2015 nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm "tiến vua" sẽ lần đầu tiên được xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ và các nước.
Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các ứng dụng khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, ông Nguyễn Thanh Bình ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thu lời mỗi năm hơn 600 triệu đồng từ vườn cam mật.

Sau 3 năm triển khai diệt bệnh chổi rồng trên nhãn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đạt được kết quả khả quan. Ngành Nông nghiệp đã chuyển giao thành công cho nông dân cách xử lý phù hợp bằng các giải pháp giống, kỹ thuật canh tác và hóa học. Đồng thời, ngành chức năng tìm lối ra cho diện tích nhãn bị nhiễm bệnh nặng bằng hình thức chuyển đổi giống cây trồng hợp lý theo lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.