Vay tiền trồng sâm
Chúng tôi đến thôn 2 xã Trà Linh. Ban ngày, cả làng vắng bóng phụ nữ, chỉ có trẻ em chạy nô đùa bên vách nhà sàn. Các cháu cho biết, người lớn đi vào rừng chăm sóc cây sâm Ngọc Linh đến tối mới về. Chúng tôi quan sát, thấy các làng nóc nơi đây giờ đã khang trang hơn nhiều. Những mái nhà sàn lợp tôn sáng loáng nằm san sát nhau trên sườn núi Ngọc Linh. Các vật dụng gia đình được sắm sửa. Đời sống của nhiều hộ Xê Đăng được nâng lên rõ rệt. Con em trong làng đều đi học. Tất cả cũng đều nhờ vào cây sâm Ngọc Linh quý hiếm.
Theo hướng dẫn của trẻ em trong làng, chúng tôi tìm vào chốt trồng sâm của nóc Tắk Ngo. Tại chốt này, hiện có hơn 30 hộ trồng sâm Ngọc Linh. Hộ nhiều nhất, trên 5.000 gốc; hộ ít nhất, cũng hơn 2.000 gốc. Mùa này, những vườn sâm đang phủ một màu đỏ chói của hạt sâm chín rộ. Bà con phải tranh thủ thu hoạch hạt giống để đưa vào tỉa cho vụ sau. Chị Hồ Thị Biết ở nóc Tắk Ngo cho biết, chị đã vay 25 triệu đồng để đầu tư trồng sâm. Với số tiền này, gia đình chị đã trồng mới hơn một nghìn gốc sâm giống trên khu vườn rộng 250m2. Hiện vườn sâm đã được 3 tuổi. Nhờ chăm sóc tốt nên cây sâm phát triển khỏe. Chị Biết tâm sự, vườn sâm của chị có thể khai thác đem bán nhưng sâm còn non giá không cao, khoảng 2 năm nữa sâm sẽ được giá hơn.
Theo chị Hồ Thị Bâng - Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Linh, ở thôn 2 có 110 hội viên, phụ nữ đứng ra vay vốn với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Nhiều nhất là tại nóc Kon Pin có 77 hộ vay 1,5 tỷ đồng để trồng sâm. Nhờ dám nghĩ, dám làm và quyết tâm thoát nghèo nên hầu hết chị em đều trồng sâm Ngọc Linh đạt hiệu quả. Có những hộ vay vốn đầu tư trước đây giờ đã thu cả tỷ đồng nhờ vào giá trị siêu lợi nhuận của cây sâm. Như chị Hồ Thị Hai ở nóc Măng Lùng, nhờ sớm nhận biết giá trị của cây sâm Ngọc Linh, cách đây 5 năm gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng sâm. Mới đây, gia đình chị Hai đã bán bớt một phần sâm với số lượng hơn 24kg thu về hơn 700 triệu đồng. Vợ chồng chị Hồ Thị Hai được xem là tỷ phú ở vùng Trà Linh nhờ trồng sâm.
Từ chỗ biết sử dụng vốn vay đúng mục đích nên bây giờ nhiều chị em phụ nữ nơi đây đã có được cuộc sống khá giả. Hầu như nhà nào cũng đều đổi thay tích cực từ nếp ăn nếp ở đến cách nghĩ cách làm. Các đồ dùng sinh hoạt gia đình, rồi đến tivi, xe máy cũng được mua sắm. Nhà nào cũng có điện thủy luân để thắp sáng. Chị Bâng cho biết: “Trước đây, ở Trà Linh chỉ có vài hộ dám đứng ra vay tiền về trồng sâm thôi. Sau khi thu hoạch họ trở nên giàu có, vì thế chúng tôi vận động chị em thực hiện làm theo để thoát nghèo bền vững”.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Bâng cho biết thêm, Hội LHPN xã đang tiếp tục vận động hội viên ở các thôn khác tham gia vay vốn trồng sâm để làm giàu cho gia đình. Hiện ở thôn 2 đã có 35 hộ phụ nữ chính thức thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu từ cây sâm, nhờ thế cuộc sống mới với sự ấm no sung túc đã và đang trở thành hiện thực qua những nóc nhà sàn trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Related news
Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.
Trong điều kiện con tôm cho thu nhập chưa thật sự ổn định, liên tục các năm qua, huyện Đầm Dơi tăng cường phát động bà con nhân dân tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu. Chủ trương này được người dân trong huyện đồng tình hưởng ứng khá tốt.
Sau khi thực hiện thành công dự án "Phát triển đàn cá tra bố mẹ hậu bị tốt" Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã phát tán 5.600 cá tra bố mẹ hậu bị có lý lịch rõ ràng, ngoại hình hoàn chỉnh, không đồng huyết, cận huyết cho 3 cơ sở sản xuất cá tra bột trong tỉnh và sẵn sàng cung cấp tiếp 4.000 con cho các cơ sở sản xuất cá tra bột có yêu cầu thay đổi đàn cá bố mẹ, nhằm tạo đàn cá bố mẹ hậu bị tốt để cung cấp con giống chất lượng cao cho ngư dân thả nuôi, góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cá tra An Giang.
200/223 hộ dân ở thôn Gò Găng, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Những bè cá bồng bềnh trên sông nước, những cọc hàu cắm sâu vào lòng sông đã và đang đem lại cho người dân nơi đây cơ hội kiếm sống, nuôi con ăn học, xây nhà…
Vụ nuôi tôm gần đây, toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có 122 hộ nuôi tôm trên ruộng, với tổng diện tích 752,8 ha (giảm 55,2 ha so năm trước). Đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã cơ bản thu hoạch dứt điểm, đạt tổng sản lượng hơn 903 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Trong đó, có trên 560 tấn tôm thịt và 343 tấn tôm trứng.