Hà Nội Tăng Liên Kết Trong Cung Ứng Thủy Sản An Toàn

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, lượng thủy sản được tiêu thụ trên địa bàn TP Hà Nội khoảng gần 1.000 tấn các loại, song nguồn thủy sản được nuôi trồng tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phần lớn phải nhập từ các tỉnh về.
Tuy nhiên, hiện nay, liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ thủy sản vẫn còn nhiều bất cập.
Cung chưa đáp ứng đủ cầu
Tổng diện tích mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) của toàn TP là hơn 30.800ha, chưa kể mặt nước của các con sông. Thực hiện Chương trình phát triển NTTS, hàng năm, TP đầu tư từ 15 - 20 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển vùng NTTS tập trung, đảm bảo môi trường, dịch bệnh và ATTP như xây dựng hạ tầng, cung cấp thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học. Đến nay, toàn TP có trên 200 vùng nuôi có quy mô diện tích từ 30 - 200ha và hàng ngàn trang trại NTTS.
Sản phẩm thủy sản được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi sống, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 7 - 8%. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Nội, trung bình mỗi ngày, nhu cầu tiêu dùng thủy sản của TP khoảng 800 - 1.000 tấn, song nguồn cung tại chỗ mới đáp ứng được 37% nhu cầu tiêu thụ, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác.
Ông Hoàng Tiến Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, hạ tầng kinh doanh thủy sản của TP chưa được đầu tư đồng bộ, số cơ sở đảm bảo ATTP trong kinh doanh thủy sản còn ít. Hiện nay, nhiều đối tượng thủy sản, sản phẩm thủy sản chưa rõ nguồn gốc như cá tầm, cá quả, ếch… được bày bán tại chợ đầu mối vẫn là mối lo ngại cho người tiêu dùng.
Đơn cử, tại chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai, trung bình mỗi ngày, lượng thủy sản bán ra khoảng 50 - 60 tấn, chủ yếu là cá chép, mè, trắm, rô phi…, ngoài sản phẩm nội địa còn có cả thủy sản xuất xứ từ Trung Quốc.
Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, lượng thủy sản Trung Quốc vào chợ cá Yên Sở là trên 250 tấn. Qua kiểm tra, đa số các lô hàng vào chợ đều xuất trình được hồ sơ truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn một số lô hàng lần đầu vào chợ chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Liên kết để quản lý
Để đảm bảo ATTP cho thủy sản được tiêu thụ trên địa bàn TP cần có sự phối hợp, liên kết, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đơn vị quản lý Nhà nước về thủy sản của Hà Nội và các tỉnh. Đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi đưa vào thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Tình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Dương chia sẻ, nông dân trên địa bàn tỉnh nuôi cá lồng, bè trên hệ thống sông Thái Bình, sông Cầu rất đảm bảo an toàn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hoạch được khoảng 10.000 tấn cá lồng. Mỗi ngày, lượng thủy sản từ Hải Dương đưa lên Hà Nội tiêu thụ khoảng trên 100 tấn. Do đó, ông Tình đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp kiểm soát chặt chẽ các nguồn cá này để đảm bảo an toàn.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Đình Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh cho biết, hiện nay, tỉnh đang cung cấp một lượng lớn thủy sản cho Hà Nội như cá bống, ngán, tu hài… "Chúng tôi xác định Hà Nội là thị trường tiêu thụ trọng điểm nên thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa hai địa phương để cung ứng sản phẩm thủy sản an toàn tới tay người tiêu dùng Thủ đô" - ông Minh chia sẻ.
Rõ ràng, để có thực phẩm sạch nói chung và thủy sản nói riêng cung cấp cho TP, vai trò của liên kết trong chuỗi sản xuất, cung ứng là rất quan trọng. Bởi vậy, theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, các địa phương cần thường xuyên trao đổi thông tin về quy hoạch phát triển thủy sản và tăng cường kiểm soát từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng đến tiêu thụ.
Về phía Hà Nội, có trách nhiệm cung cấp thông tin nhu cầu tiêu thụ thủy sản cho các tỉnh tham khảo để lựa chọn sản phẩm phù hợp, đồng thời kiểm tra chất lượng thủy sản từ các tỉnh được tiêu thụ tại TP. Đối với các tỉnh, thành cần quản lý chất lượng thủy sản trước khi đưa về tiêu thụ tại Hà Nội, có giấy tờ chứng nhận xuất xứ nguồn gốc sản phẩm và các giấy tờ liên quan theo quy định để phục vu công tác kiểm tra…
Có thể bạn quan tâm

Sau gần 4 tháng triển khai mô hình trồng nấm sò ở huyện nghèo Mường Nhé bước đầu mang lại hiệu quả thêm hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây.

Hiện nay, Hội LHPN phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) có trên 1.200 hội viên, sinh hoạt ở 32 chi hội, trong đó một số hội viên kinh tế còn khó khăn, đời sống bấp bênh do không có thu nhập ổn định.

Hơn 6 năm thực hiện dự án phát triển cây cao su tại Điện Biên, đến nay, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên quản lý và chăm sóc gần 3.343ha phân bố tại các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Công ty đã và đang tập trung củng cố, nâng cao chất lượng vườn cây theo phương châm “chậm và chắc”.

Mức giá trên chỉ áp dụng đối với khối lượng thóc nhập kho tại các đơn vị nêu trong Công văn số 214/TCDT – KH ngày 20/02/2014 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Đến thời điểm này, dịch cúm A/H5N1 đã cơ bản được khống chế, không tiếp tục bùng phát và lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, tin tốt này cũng không khiến người chăn nuôi phấn khởi khi mà gia cầm và các sản phẩm gia cầm đang rơi vào cảnh “đại hạ giá”…