Vào Khu Quy Hoạch Chăn Nuôi Tập Trung Vẫn Là Cánh Cửa Hẹp
Đồng Nai có tổng đàn gà trên 11,6 triệu con với 88% chăn nuôi trang trại; đàn heo gần 1,4 triệu con với 60% nuôi trang trại. Những ổ dịch xuất hiện tại Đồng Nai vừa qua đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trong khu dân cư. Chăn nuôi hộ gia đình theo kiểu tự phát tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại gây ra thiệt hại lớn cho cả ngành chăn nuôi của tỉnh.
Trang trại gà với quy mô lớn cũng ngại vào khu chăn nuôi tập trung vì chi phí đầu tư cao.
Từ năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung, an toàn với dịch bệnh, nhưng đến nay nhiều dự án vẫn nằm trên giấy.
* Khó về hạ tầng
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, toàn tỉnh có 139 vùng chăn nuôi tập trung thuộc 8 huyện, TX.Long Khánh với tổng diện tích trên 15.674 hécta và 36 cơ sở giết mổ tập trung. Qua hơn 5 năm thực hiện, chỉ có 400/1.500 trang trại chăn nuôi vào vùng quy hoạch. Trong đó tại nhiều địa phương, dự án vẫn nằm trên giấy, không thu hút được người chăn nuôi do các khu quy hoạch chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết tổng diện tích vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi của địa phương là 1.420 hécta, nhưng đến nay chưa dự án nào được đầu tư về cơ sở hạ tầng nên chăn nuôi vẫn phát triển trong khu dân cư theo kiểu tự phát.
Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà tại huyện Xuân Lộc, chia sẻ: “Ngay từ những năm đầu quy hoạch chăn nuôi tập trung được phê duyệt, tôi đã tìm hiểu dự án tại huyện Xuân Lộc rồi tạm ngưng vì đất ở đây bị đẩy giá quá cao, cơ sở hạ tầng cũng là con số 0.
Sau 4 năm, đất giảm giá còn một nửa so với trước và đã có doanh nghiệp mua đất dự kiến mở trại chăn nuôi, nhưng vẫn chưa hề được đầu tư về đường, điện, hệ thống nước... Trang trại phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng kéo điện và gia cố lại con đường đất nối từ quốc lộ vào dự án”.
Theo ông Nguyễn Văn Nhận, nông dân ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom): “Hiện khu quy hoạch này đã thu hút khá đông trang trại đến đầu tư và hoạt động ổn định nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn chỉnh. Đường đi hàng năm đều phải gia cố lại, chủ trang trại tự bỏ chi phí khoan giếng. Nước ở đây nhiễm phèn nên tôi mất thêm khoản chi phí cho khâu xử lý nước”.
* Thiếu chính sách khuyến khích
Khi được hỏi về việc di dời hoạt động chăn nuôi vào các khu quy hoạch tập trung, hầu hết các chủ hộ chăn nuôi gia đình hoặc trang trại quy mô vừa và nhỏ không mấy quan tâm. Nông dân e ngại bất tiện khi phải dời khu chăn nuôi cách xa khu dân cư, nhưng rào cản lớn nhất vẫn là chi phí đầu tư và thiếu chính sách hỗ trợ thu hút người chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Hậu, nông dân tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Trại của tôi chỉ có vài ngàn con gà nên tôi tổ chức chăn nuôi bên ngoài chứ không vào khu quy hoạch tập trung. Vì người chăn nuôi phải tự bỏ mọi chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng, giá đất ở đây lại leo thang. Tôi nghĩ, nên có chính sách đầu tư xây dựng những dự án phù hợp và hỗ trợ cho trang trại, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ”.
Ông Phạm Văn Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thừa nhận: “Quy hoạch thực tế chỉ mới dừng lại ở mức khoanh vùng chăn nuôi. Các địa phương nên chọn lọc và tập trung vào một dự án điểm để triển khai hiệu quả. Trong đó, nên đưa ra quy hoạch chi tiết, cụ thể cho mỗi dự án”.
Mới đây, làm việc tại Đồng Nai về tình hình phát triển chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi yêu cầu Đồng Nai phải đẩy nhanh việc xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Đây là cơ sở quản lý và thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để không chỉ đáp ứng tốt thị trường trong nước mà hướng đến thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho toàn ngành.
Có thể bạn quan tâm
Trước tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang bùng phát mạnh và hàng loạt dịch cúm A khác: A/H5N1, H1N1, H10N8, H9N2… có chiều hướng gia tăng và tiến sát biên giới Việt Nam. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán, các địa phương đang triển khai cấp bách biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát dịch.
Trong những năm gần đây, vấn đề vệ vinh an toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng và người tiêu dùng rất chú trọng, bà con chăn nuôi ngày càng có ý thức tốt hơn về việc chăn nuôi an toàn sinh học nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề thịt, quầy thịt có chứa các chất tăng trưởng, tồn dư kháng sinh, vi khuẩn vượt quá quy định… vẫn còn khá phổ biến.
Gần đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá heo tăng mạnh, người chăn nuôi Phú Yên có thu nhập khá cao. Bên cạnh đó, người nuôi bò cũng thu lãi lớn.
Cách cửa xả lũ của thủy lợi Ayun Hạ hơn 1 km đã nghe tiếng nước réo ầm ầm giữa núi rừng thâm u. Hai họng nước như dòng thác đổ từ độ cao hơn 30 mét xuống với lưu lượng 200 m3/s, bụi nước bắn ra cả trăm mét. Ngày lũ lớn, lưu lượng xả lên 500-700 m3/s.
Cá hô trên sông Hậu và sông Tiền có 3 loại: Cá hô đỏ, cá hô hoa cà và cá hô đất, trong đó cá hô đỏ và cá hô hoa cà có giá cao nhất.