Vải Thiều Chết Hàng Loạt Sau Mưa
Niềm vui vì vụ vải thiều được giá vừa kịp lắng xuống, nay người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đang đứng ngồi không yên trước hiện tượng cây vải chết hàng loạt.
Bất lực nhìn vải chết
Gần tháng nay, gia đình ông Trần Văn Khánh, thôn Phúc Thành, xã Quý Sơn mất ăn mất ngủ vì vườn vải thiều hơn 400 cây 15 năm tuổi bỗng có hàng loạt cây khô cành, chết đứng. Ông Khánh nói như than: "Thời tiết ác quá, cách đây hơn một tháng, vườn vải này vẫn cho hơn 10 tấn quả, thế mà nay bỗng dưng chết đứng, không sao cứu nổi”. Vẫn đôi tay chăm chút cây tươi tốt ngày nào, nay ông phải cắn răng chặt bỏ những cây vải bấy lâu cho trái ngọt nuôi sống gia đình.
Dọc đường vào Quý Sơn, đâu cũng thấy người dân than phiền vì vải chết. Toàn xã có hơn 4 nghìn hộ trồng vải thì hầu như nhà nào cũng có cây chết dóc. Nhà ít thì dăm bảy cây, hộ ông Khánh có số cây chết nhiều nhất với 140 gốc.
Cách nhà ông Khánh hơn chục km, anh Lê Văn Huân, thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn cũng lo thắt từng khúc ruột vì hơn 25 gốc vải thiều của gia đình đang héo lá, chết dần.
Là trưởng thôn nên mấy ngày nay anh phải đến từng hộ thống kê số vải thiều chết để báo cáo lên xã. Anh cho biết, hiện tượng vải thiều chết hầu như năm nào cũng có, nhưng chỉ lác đác, chưa năm nào số lượng nhiều như năm nay. Năm ngoái, cả xã Giáp Sơn có hơn 1.000 cây chết thì năm nay lên tới 3.000 cây.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn, đến thời điểm này, 17/29 xã trong huyện có vải thiều bị chết, tổng số gần 93,7 nghìn cây. Trong đó, hơn 79 nghìn cây trên 10 năm tuổi. Xã Thanh Hải và xã Quý Sơn thiệt hại nặng nhất. Theo cách tính của người trồng vải, mỗi cây cho trung bình 40 kg quả, với giá bán bình quân 18 nghìn đồng/kg (giá vải 2013), các hộ thiệt hại hơn 67 tỷ đồng (chưa kể công trồng và chăm sóc).
Không trồng vải ở nơi dễ ngập úng
Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Sau khi nắm tình hình, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã thống kê số lượng, diện tích vải thiều bị chết, sớm tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục, không để vải chết lan rộng, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cho các vụ vải tiếp theo”.
Nguyên nhân chính được xác định là do từ giữa tháng 7 đến nay mưa bão liên tiếp, lượng mưa lớn đổ xuống Lục Ngạn và các vùng lân cận nên vải thiều bị úng nước, thối rễ. Diện tích vải bị chết nhiều thuộc những nơi địa hình thấp, nước trì; đa phần là những cây người dân thu hoạch muộn, kiệt sức, bị đốn tỉa sâu. Vào đúng thời điểm vải thiều ra lộc và rễ mới gặp mưa nhiều ngay sau đó trời lại nắng gắt cũng khiến cây chết nhanh hơn.
Trước hiện tượng này, ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn khuyến cáo, sau khi thu hoạch quả, người trồng vải nên tỉa cành, tạo tán, kết hợp bón phân ngay; tuyệt đối không tỉa muộn, khi tỉa phải để lại lượng cành thở vừa đủ nuôi cây, không để cây trụi lá. Nếu mưa nhiều, người dân cần chủ động khơi rãnh thoát nước, dọn cỏ, quét sạch lá ở gốc cây để nước tiêu triệt để.
Những nơi đất thấp, nước trì, bà con nên chuyển sang trồng giống vải sớm Thanh Hà, nhãn hoặc các loại cây có múi khác như cam đường canh; không nên trồng lại vải trên diện tích thường bị úng nước để tránh thiệt hại về sau.
Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2011-2015 của huyện Lục Ngạn xác định giảm diện tích trồng vải từ 19 nghìn ha xuống còn 17,5 nghìn ha. Diện tích đất trồng vải ở nơi gần bờ sông, vùng thấp, nước trì chuyển sang trồng các loại cây có múi. Huyện sẽ hỗ trợ trồng cây có múi 35% giá giống. Những nơi đất cao chuyển sang trồng cây lâm nghiệp và cây lấy gỗ.
Có thể bạn quan tâm
Chăm chỉ và quyết tâm, ông Lục Văn Thắng, dân tộc Nùng, thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ trâu kết hợp với làm vườn mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Đăk Lăk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”.
Nếu tận dụng tối đa các nguồn rơm rạ để sản xuất nấm rơm thì sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở các địa phương.
Cùng với việc đưa các giống đậu nành chất lượng cao vào sản xuất, huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông phối hợp với các doanh nghiệp, viện khoa học, trường đại học, trung tâm nghiên cứu… định hướng cho nông dân các giải pháp kỹ thuật về thâm canh, xen canh tăng năng suất.
Ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) cho biết, Công ty vừa tổ chức lễ vào vụ ép mía niên vụ 2015 - 2016 với mục tiêu thu mua 800 ngàn tấn mía nguyên liệu, tăng gấp hai lần so với niên vụ ép mía niên vụ 2014 - 2015.